Không bán được hàng, chẳng vay được vốn, dự án đình trệ, huy động tiền từ cổ đông khó khăn, nợ chồng chất... đang khiến doanh nghiệp bất động sản đối mặt với nỗi lo chết mòn vì khối tài sản cứ xẹp dần.

Chiều 11/4, Ủy ban giám sát quốc gia đã có buổi đối thoại với Hiệp hội Bất động sản TP HCM về thực trạng và giải pháp cho thị trường. Buổi tọa đàm diễn ra căng thẳng khi nhiều doanh nghiệp "kêu cứu" rằng họ đang chết từng ngày trên khối tài sản của chính mình.


Phó chủ tịch Hiệp hội Bất động sản TP HCM kiêm Tổng giám đốc Công ty Tài Nguyên, Vũ Anh Tâm phát biểu: "Bức tranh thị trường “phẳng” (trầm lắng, không có giao dịch) trải đều ở nhiều phân khúc. Thực tế cho thấy tình hình diễn biến theo chiều hướng ngày càng nghiêm trọng".



Theo ông Tâm, trong 4 năm qua, thị trường địa ốc cứ thụt lùi dần. Năm 2009 bất động sản vẫn có thanh khoản được một tý. Đến cuối năm 2010 và 2011, khi ngân hàng gặp khó khăn thì nhà đất bước vào giai đoạn “im lìm” tuyệt đối. Đến năm 2012 các doanh nghiệp địa ốc hầu như không có khả năng đóng góp cho nền kinh tế, không tạo ra được việc làm. Hầu như các doanh nghiệp đều dừng sản xuất, cho nhân viên nghỉ.


Doanh nghiệp địa ốc 'chết' trên khối tài sản của mình
Tổng giám đốc Công ty Tài Nguyên, Vũ Anh Tâm cho rằng doanh nghiệp đang bị ăn mòn gần hết tài sản vì đầu tư không sinh lợi. Ảnh: Vũ Lê

Lãnh đạo Công ty Tài Nguyên cho rằng Nhà nước cần có chính sách hỗ trợ lãi suất cho người mua nhà nhằm tăng tính thanh khoản cho thị trường. "4 năm nay doanh nghiệp bị ăn mòn gần hết tài sản vì đầu tư không sinh lợi. Ngân hàng không cho vay trong khi thị trườn đói vốn. Lãi suất cao như một dây thòng lọng giết chết các chủ đầu tư, giết luôn nền kinh tế", ông Tâm nói.


Không giấu được nỗi bất an, Giám đốc Công ty địa ốc Bình Dân, Lê Ngọc Tú buông lời than: "Đầu ra của bất động sản đang bế tắc. Một năm rồi công ty không bán được gì. Tôi phải quay sang mở quán ăn để có tiền nuôi quân trong giai đoạn khủng hoảng".


Trong khi đó, Giám đốc Công ty Lê Thành, Lê Hữu Nghĩa không ngại chia sẻ khó khăn của doanh nghiệp. Ông cho biết, với phân khúc căn hộ diện tích nhỏ giá 11-14 triệu đồng mỗi m2 trước đây mỗi tháng bán được 60 căn thì nay sụt giảm mạnh, bán được chưa tới 20 căn. "Nhà giá rẻ là điểm sáng duy nhất nhưng nay cũng khó tìm được đầu ra. Nếu phân khúc này tắt thì các dự án khác chắc chắn cũng không bán được hàng. Trong lúc này, điều cần nhất là giãn thuế cho doanh nghiệp địa ốc", ông Nghĩa nói.


Doanh nghiệp địa ốc 'chết' trên khối tài sản của mình
Giám đốc Công ty Lê Thành, Lê Hữu Nghĩa tỏ ra lo ngại khi ngay cả phân khúc căn hộ giá 11-14 triệu đồng mỗi m2 cũng đang giao dịch chậm lại. Ảnh: Vũ Lê

Còn Tổng giám đốc Công ty địa ốc Thanh Bình, Đặng Hoàng Vũ trần tình, hiện công ty ông nợ 28 tỷ đồng dù có dự án trị giá hàng triệu USD. Ông lo ngại với tình hình thị trường bất động sản không có đầu ra thì hàng đống tài sản sẽ bị chôn vùi trong núi nợ. "90% doanh nghiệp trong ngành không còn sản xuất từ một năm rưỡi nay bởi thị trường không có thanh khoản", ông nói.


Chủ tịch Hiệp hội Bất động sản TP HCM, Lê Hoàng Châu cho hay, hiện nay tất cả các doanh nghiệp địa ốc đều khó khăn ở mức độ khác nhau. Có công ty phải trả hàng tỷ đồng tiền lãi mỗi ngày. Thậm chí có doanh nghiệp phải trả hơn cả con số ấy. "Bất động sản đang hứng chịu nhiều tác động của chính sách vĩ mô: lãi suất cao, thuế ngất ngưỡng, chính sách đất đai chưa phù hợp. Doanh nghiệp rất tâm huyết với nghề nhưng đang phải “chết” trên đống tài sản", ông Châu nói.


Viện trưởng Viện Kinh tế Việt Nam, Tiến sĩ Trần Đình Thiên nhận xét: "Bất động sản là thị trường tài sản lớn nhất nhưng đang rơi vào thời điểm sinh tử". Ông Thiên phân tích, tất cả đang trông chờ vào vai trò của Nhà nước thế nhưng cứu thị trường bằng cách nào vẫn cần phải khảo sát, nghiên cứu thêm. Hiện nay đầu vào của thị trường bị bế tắc, đầu ra cũng chết đứng nên cần cân nhắc xem nên hỗ trợ ai, người mua hay doanh nghiệp và hỗ trợ với mức độ nào.


Doanh nghiệp địa ốc 'chết' trên khối tài sản của mình
Viện trưởng Viện Kinh tế Việt Nam, Tiến sĩ Trần Đình Thiên cho rằng thị trường bất động sản đang bước vào giai đoạn sinh tử. Ảnh: Vũ Lê

Chủ tịch Ủy ban giám sát tài chính quốc gia, Vũ Viết Ngoạn đồng tình với doanh nghiệp: "Đúng là khó khăn đã lan rộng sang nhiều phân khúc khác nhau của thị trường địa ốc. Tắc nghẽn không chỉ ở đầu vào mà đầu ra cũng tê liệt".


Tuy nhiên, theo ông Ngoạn, đầu ra của thị trường địa ốc cần được quan tâm nhiều hơn trong thời gian tới. Chủ trương của Chính phủ là sẽ hỗ trợ thúc đẩy phân khúc nhà thu nhập thấp, nhà tái định cư nhằm tạo sự lan tỏa chung cho toàn thị trường.


Đối với chi phí đầu vào như: giãn thuế, hạ lãi suất cũng sẽ được Chính phủ cân nhắc nhiều hơn. Thị trường vốn, tiền tệ cũng đang được cải thiện dần một cách có kiểm soát. Việc giãn nợ có thể được áp dụng nhưng không đại trà.


Về việc cứu thị trường bất động sản, ông Ngoạn giải thích, sức tàn phá của bất động sản đối với nền kinh tế là một nỗi ám ảnh đối với nhà hoạch định chính sách. Bài học từ bong bóng bất động sản của Mỹ, Nhật vẫn còn đó. "Kiểm soát quả bóng bất động sản là bài toán khó. Bởi lẽ giải cứu thị trường này nhưng phải đảm bảo không gây tổn hại đến phần còn lại của nền kinh tế, không gây bất ổn tâm lý xã hội và tránh cả những nguy cơ quả bóng bất động sản quay trở lại", ông Ngoạn nhấn mạnh.

Theo VnExpress
  • Facebook
  • Chia sẻ
  •   Lưu tin
  •   Báo cáo

    Báo cáo vi phạm
     
 
Mọi ý kiến đóng góp cũng như thắc mắc liên quan đến thị trường bất động sản xin gửi về địa chỉ email: [email protected]; Đường dây nóng: 0942.825.711.