14/11/2013 8:17 AM
Chi phí, nợ phải trả tăng cao trong khi tiền và các khoản tương đương tiền sụt giảm so với cùng kỳ là tình trạng chung ở hàng loạt công ty địa ốc quý III.

Theo thống kê của VnExpress.net và đối tác cung cấp dữ liệu VNDirect, đến đầu tháng 11, trong 70 doanh nghiệp bất động sản niêm yết trên sàn có 37 đơn vị đã công bố báo cáo tài chính quý III. 9 doanh nghiệp báo lỗ, nhưng xét về giá trị, mức lỗ thấp hơn cùng kỳ năm ngoái.

Tiền và tương đương tiền của các doanh nghiệp này giảm mạnh so với quý III/2012, có doanh nghiệp tồn kho chiếm tới 90% tổng tài sản. Tiền mặt được ghi nhận ở đây bao gồm tiền mặt hiện có tại doanh nghiệp, tiền gửi trong các ngân hàng và tiền đang chuyển.

Công ty cổ phần đầu tư xây dựng thương mại dầu khí-Idico (Mã CK: PXL) thuộc diện có lượng tiền khiêm tốn. Theo báo cáo tài chính quý III, đến 30/9, công ty chỉ còn 564 triệu đồng tiền và tương đương tiền. Nợ phải trả 139 tỷ đồng, lưu chuyển tiền thuần trong kỳ âm 47,8 tỷ đồng, gấp 5 lần cùng kỳ.

Lợi nhuận sau thuế của công ty này cũng giảm so với cùng thời điểm năm ngoái. Theo giải trình của công ty, nguyên nhân do các dự án đã và đang thực hiện vẫn ở giai đoạn đầu, giá trị đầu tư tương đối lớn nên chưa có doanh thu, lợi nhuận. Ngoài ra, một số dự án hợp tác đầu tư kinh doanh bất động sản trên địa bàn TP HCM và các tỉnh lân cận đã và đang triển khai bán hàng, thu vốn. Tuy nhiên, do thị trường trầm lắng nên công tác bán hàng chưa đạt kế hoạch đặt ra.

Lượng tiền mặt của các doanh nghiệp bất động sản giảm mạnh. Ảnh minh họa: Anh Quân

Báo cáo tài chính quý III của Công ty cổ phần Đệ Tam (mã CK: DTA) cho thấy lượng tiền và tương đương tiền tính đến 30/9 chỉ có 578,6 triệu đồng, giảm 86% so với đầu năm, nhưng nợ phải trả tới 114,8 tỷ đồng. Lợi nhuận sau thuế quý III âm 7,5 tỷ đồng, hàng tồn kho 123,3 tỷ đồng - chiếm 56% tổng tài sản.

Theo giải trình của công ty, doanh thu và lợi nhuận quý III giảm mạnh do bất động sản còn đóng băng. Để có dòng tiền luân chuyển trong hoạt động sản xuất kinh doanh, Hội đồng quản trị thống nhất cho kinh doanh sản phẩm tại dự án khu Nhơn Trạch-Đồng Nai với giá thấp, đồng thời điều chỉnh một số giá trị hợp đồng. Do đó, công ty đã điều chỉnh giảm giá trị hợp đồng với khách hàng mua nền giá sỉ, khiến lợi nhuận giảm.

Một số công ty khác cũng chỉ có vài trăm triệu tiền mặt là Công ty cổ phần đầu tư và phát triển đô thị dầu khí Cửu Long (mã CK: CCL), Công ty cổ phần đầu tư căn nhà mơ ước (mã CK: DRH). Lượng tiền và tương đương tiền ở các công ty này gần 900 triệu đồng, trong khi nợ phải trả lên tới vài trăm tỷ.

Lượng tiền có vẻ dồi dào so với nhiều đơn vị khác nhưng giảm mạnh so với quý III/2012 là Công ty cổ phần địa ốc Sài Gòn Thương Tín (Mã CK: SCR). Theo báo cáo tài chính quý III, công ty lãi sau thuế 48,9 tỷ đồng, tăng mạnh so với cùng kỳ, nhưng khoản nợ phải trả lên tới 3.690 tỷ đồng. Trong số này là nợ dài hạn nhưng đã đến kỳ trả, tương đương hơn 1.370 tỷ đồng, gấp 3,5 lần đầu năm. Khoản nợ này bao gồm: 126 tỷ đồng với Ngân hàng thương mại cổ phần Sài Gòn - Hà Nội (SHB), 1.155 tỷ đồng vay các cá nhân và 45 tỷ đồng vay Ngân hàng thương mại cổ phần Đại Dương (OceanBank).

9 tháng, lượng tiền và tương đương tiền của Sacomreal giảm gần một nửa so với hồi đầu năm, xuống 46 tỷ đồng và giảm 3,5 lần cùng kỳ. Hàng tồn kho giảm hơn 140 tỷ so với đầu năm, xuống 3.241 tỷ đồng, trong đó dự phòng giảm giá hàng tồn kho âm 4 tỷ đồng.

Trong quý III, Công ty cổ phần Đầu tư Nam Long (Mã CK: NLG) dù lãi sau thuế 33 tỷ đồng, nhưng tính chung 9 tháng lỗ gần 30 tỷ đồng. Đến ngày 30/9, doanh nghiệp này có gần 1.400 tỷ đồng nợ ngắn hạn trong khi tiền và các khoản tương đương tiền chỉ 147 tỷ đồng.

Chia sẻ với VnExpress.net, ông Nguyễn Vĩnh Trân - Phó tổng giám đốc thường trực Công ty cổ phần Đầu tư Nam Long cho biết, quý vừa qua, doanh nghiệp có lãi do ghi nhận doanh thu bàn giao sản phẩm từng mở bán hồi năm ngoái. Thông thường phải mất 2-3 năm công ty bất động sản mới có thể ghi nhận doanh thu, trừ khi vừa bán đất và thu tiền ngay, ông Trân giải thích.

Còn về số nợ, lãnh đạo Nam Long chia sẻ, một phần trong số này là của Indochina Land đầu tư từ hơn một năm trước. Nhưng mới đây, đơn vị này vừa chuyển sang hoạt động theo mô hình dự án với Nam Long, tổng vốn đầu tư 1.467 tỷ đồng. Như vậy, khoản nghìn tỷ sẽ trở thành khoản đầu tư và tỷ trọng cũng rút xuống đáng kể.

Sang quý IV, ông Trân đánh giá kết quả kinh doanh sẽ tích cực trở lại vì các sản phẩm tiếp tục được bàn giao và ghi nhận doanh thu. “Tôi nghĩ sẽ đủ để xóa nợ từ đầu năm và có thể thu lời giống như chúng tôi từng trình ở đại hội cổ đông. Hiện có thể xuất hiện một vài tình huống rủi ro về bán đất, nhưng tôi tin công ty sẽ có lãi”, ông Trân kỳ vọng. Theo ông, niềm tin của người mua cải thiện tương đối tốt và từ nay đến cuối năm, tình hình sử dụng gói 30.000 tỷ của Chính phủ sẽ khả thi hơn so với những năm trước.

Trao đổi với VnExpress.net, ông Phạm Quang Thanh – Giám đốc Đầu tư cổ phiếu, bất động sản và các tài sản khác tại Công ty Quản lý quỹ Bảo Việt cho biết doanh nghiệp cạn tiền mặt sẽ ảnh hưởng đến khả năng trả nợ ngắn hạn và có thể khiến công ty mất thanh khoản. Tuy nhiên, không nên dùng chỉ tiêu thanh khoản để đánh giá các doanh nghiệp bất động sản vì hiện tại hầu như đơn vị nào cũng đang lâm vào tình trạng khó khăn đối với vấn đề này. Một mục quan trọng trong báo cáo tài chính khi đánh giá thanh khoản của doanh nghiệp bất động sản là hàng tồn kho. Các nhà đầu tư cần tìm hiểu kỹ vì đặc thù hàng tồn kho của mỗi đơn vị khác nhau, dẫn tới tính thanh khoản khác nhau.

Theo ông, lĩnh vực đầu tư, kinh doanh bất động sản mang tính chu kỳ, khi qua giai đoạn đáy, các công ty có thể đạt mức tăng trưởng rất cao. Tuy nhiên, từ nay đến cuối năm, kết quả kinh doanh các doanh nghiệp địa ốc chưa có tín hiệu khởi sắc.

“Phân khúc đang được kỳ vọng nhiều nhất là nhà ở giá rẻ nhưng chỉ phù hợp với những doanh nghiệp đã có kế hoạch từ nhiều năm trước, thu gom xong quỹ đất và hoàn thiện sản phẩm, đưa vào hoạt động. Đồng thời mục tiêu lợi nhuận cũng phải giảm đáng kể. Bên cạnh đó, một số doanh nghiệp có kế hoạch điều chỉnh dự án chuyển sang phân khúc này, song số lượng có khả năng chuyển đổi cũng không nhiều. Còn những công ty khác bây giờ mới tham gia phân khúc này thì lại phải xin dự án từ đầu, mất 2-3 năm nữa mới có sản phẩm”, ông Thanh phân tích.

Hồng Châu - Tường Vi (VnExpress)
  • Facebook
  • Chia sẻ
  •   Lưu tin
  •   Báo cáo

    Báo cáo vi phạm
     
Mọi ý kiến đóng góp cũng như thắc mắc liên quan đến thị trường bất động sản xin gửi về địa chỉ email: [email protected]; Đường dây nóng: 0942.825.711.
CafeLand.vn là Network bất động sản hàng đầu tại Việt Nam và duy nhất chuyên về bất động sản. Cập nhật thực trạng thị trường bất động sản hiện nay, cung cấp cho các độc giả những thông tin chính xác và những góc nhìn phân tích nhận định về thị trường bất động sản từ các chuyên gia trong ngành. Ngoài ra, CafeLand còn cung cấp cho độc giả tất cả các thông tin về sự kiên, dự án, các xu hướng phong thủy, nhà ở để các bạn có cái nhìn tổng quan hơn về thông tin mua bán nhà đất tại Việt Nam.