Công ty CP Xi măng Vicem Hà Tiên (mã chứng khoán HT1) vừa công bố nghị quyết HĐQT về việc ngày chốt danh sách cổ đông và ngày thực hiện chi trả cổ tức năm 2022 bằng tiền mặt cho các cổ đông hiện hữu. Theo đó, ngày đăng ký cuối cùng để nhận cổ tức là ngày 10/10 và thời gian chi trả dự kiến là 24/10 tới đây.
Được biết, Vicem Hà Tiên sẽ trả cổ tức bằng tiền mặt với tỉ lệ thực hiện 4%, tương ứng cổ đông sở hữu 1 cổ phiếu được nhận về 400 đồng. Với hơn 381 triệu cổ phiếu HT1 đang lưu hành, doanh nghiệp này dự kiến cần chi 152 tỷ đồng để trả cổ tức đợt này.
Với việc là cổ đông lớn nhất, nắm giữ 79,69% vốn điều lệ của Vicem Hà Tiên, Tổng Công ty Xi măng Việt Nam sẽ nhận về hơn 121 tỷ đồng trong đợt chi trả cổ tức năm 2022.
Xi măng Vicem Hà Tiên hưởng lợi từ nhu cầu tại thị trường phía Nam
Mới đây, doanh nghiệp này cũng đa thông qua kế hoạch sản xuất kinh doanh và đầu tư xây dựng năm 2023 với sản lượng sản xuất hơn 4,3 triệu tấn clinker và 6 triệu tấn xi măng; sản lượng tiêu thụ ở mức 530.000 tấn clinker và hơn 6 triệu tấn xi măng
Với mức sản lượng sản xuất và tiêu thụ trên, Vicem Hà Tiên giảm chỉ tiêu kế hoạch lợi nhuận sau thuế từ mức 276 tỷ đồng xuống còn 64 tỷ đồng, tương ứng giảm khoảng 77%. Tương tự, kế hoạch doanh thu cũng được điều chỉnh giảm từ 8.987 tỷ đồng xuống 7.967 tỷ đồng, giảm 11% so với kế hoạch ban đầu.
Về kết quả kinh doanh, Vicem Hà Tiên ghi nhận doanh thu thuần hợp nhất quý 2/2023 giảm hơn 16% so với cùng kỳ năm trước, xuống còn gần 1.999 tỷ đồng do sản lượng tiêu thụ xi măng trong quý giảm. Công ty báo lãi sau thuế chỉ còn hơn 58,7 tỷ đồng, giảm gần 57% so với cùng kỳ năm trước.
Mặc dù kết quả quý 2/2023 đã cải thiện so với mức lỗ kỷ lục trong quý đầu năm nhưng tính chung 6 tháng đầu năm nay, Vicem Hà Tiên vẫn thua lỗ gần 27 tỷ đồng.
Hiện tại, Vicem Hà Tiên đang sở hữu 2 nhà máy (gồm nhà máy xi măng Kiên Lương - Kiên Giang và nhà máy xi măng Bình Phước - Bình Phước) và 3 trạm nghiền xi măng (gồm trạm nghiền Phú Hữu - TP HCM, Cam Ranh - Khánh Hòa, và Long An - Long An).
Với thị phần lớn tại các vùng Đông Nam Bộ, Tây Nam Bộ, Nam Trung Bộ và Tây Nguyên, nhà sản xuất xi măng này được dự báo sẽ hưởng lợi gián tiếp từ các dự án hạ tầng, giao thông trọng điểm khu vực phía Nam. Đây được xem là động lực cho tăng trưởng Vicem Hà Tiên trong thời gian tới.
-
Lộ diện cái tên “đen” nhất ngành xi măng: Thua lỗ kéo dài, âm nặng vốn chủ, nợ một nữ đại gia 326 tỷ suốt hơn một thập kỷ
Tính đến ngày 30/6/2024, nợ phải trả của Xi măng Công Thanh ghi nhận hơn 19.550 tỷ đồng, trong đó nợ đi vay là hơn 7.300 tỷ đồng và các khoản chi phí lãi vay phải trả dài hạn là 10.557 tỷ đồng.
-
Âm vốn chủ sở hữu 7.700 tỷ, “khất nợ” nghìn tỷ trái phiếu đến hạn, kiểm toán cũng "cạn lời" với doanh nghiệp này
Phía kiểm toán tiếp tục từ chối đưa ra kết luận đối với báo cáo tài chính bán niên 2024 của Công ty CP Xi măng Công Thanh vì lỗ lũy kế, âm vốn chủ sở hữu và công ty chậm trả những khoản vay và trái phiếu đến hạn....
-
Nợ thuế tiền tỷ, nhà sản xuất xi măng 47 năm tuổi tại Tuyên Quang bị cưỡng chế ngừng sử dụng hóa đơn
Công ty CP Xi măng Tuyên Quang vừa bị cơ quan thuế tỉnh Tuyên Quang ra quyết định cưỡng chế thuế, ngừng sử dụng hóa đơn, do nợ thuế hơn 8,3 tỷ đồng.