Công ty CP Thép Pomina (mã chứng khoán POM) vừa công bố mục đích sử dụng nguồn vốn của việc phát hành hơn 70 triệu cổ phiếu riêng lẻ cho cổ đông chiến lược. Theo đó, việc phát hành sẽ được Đại hội đồng cổ đông thông qua theo hình thức lấy ý kiến cổ đông bằng văn bản và gửi về công ty trước 17h ngày 5/10 tới đây.
Được biết, thời gian chào bán dự kiến từ quý 3/2023 đến hết 2024, sau khi được Ủy ban Chứng khoán Nhà nước chấp thuận.
Nhà máy thép Pomina
Dự kiến trong hơn 700 tỷ đồng thu được từ đợt chào bán lần này, Pomina sẽ dùng 500 tỷ đồng để thanh toán nợ vay tại các ngân hàng. Cụ thể, doanh nghiệp do ông Đỗ Duy Thái làm Chủ tịch HĐQT sẽ dùng 400 tỷ đồng để thanh toán nợ vay tại Ngân hàng TMCP Công Thương Việt Nam (VietinBank) và 100 tỷ đồng để thanh toán nợ vay tại Ngân hàng TMCP Đầu tư và Phát triển Việt Nam (BIDV).
Số tiền hơn 200 tỷ còn lại sẽ được Pomina sử dụng để thanh toán tiền mua hàng, nguyên liệu phục vụ hoạt động sản xuất kinh doanh và chi trả lương cho người lao động.
Chi tiết mục đích sử dụng vốn thu được từ đợt phát hành riêng lẻ của Pomina. (Dự thảo Nghị quyết ĐHĐCĐ của Pomina)
Trong trường hợp không thu được đủ số vốn từ đợt chào bán, HĐQT Pomina sẽ toàn quyền quyết định và tự cân đối nguồn vốn hoặc huy động thông qua các nguồn khác như vay vốn tín dụng, phát hành trái phiếu... theo quy định pháp luật.
Trước đó, Pomina dự định chào bán hơn 70 triệu cổ phiếu riêng lẻ cho nhà đầu tư ngoại là Nansei – công ty thép đến từ Nhật Bản. Quá trình phát hành sẽ được hãng thép có trụ sở ở Bình Dương chia thành 2 đợt để tăng vốn chủ sở hữu, bổ sung vốn lưu động, chuẩn bị tài chính triển khai kế hoạch tái khởi động lò cao vào năm 2024.
Đợt thứ nhất vào tháng 8 với hơn 10,6 triệu cổ phiếu, phần còn lại được chào bán sau đó một năm. Đối tác Nhật bị hạn chế chuyển nhượng cổ phiếu trong 3 năm đầu tiên. Theo ban lãnh đạo Pomina, hợp tác với Nansei Steel giúp công ty có đủ nguồn lực tài chính để đáp ứng nhu cầu khi thị trường hồi phục mạnh từ giữa năm sau.
Cụ thể, doanh nghiệp này dự định tái khởi động nhà máy luyện thép xây dựng Pomina 3 tại khu công nghiệp Phú Mỹ, Bà Rịa - Vũng Tàu trong 10/2023. Mục đích việc tái cho chạy lại nhà máy Pomina 3 với công suất 1 triệu tấn/năm là để đáp ứng nhu cầu đầu tư công gia tăng vào giai đoạn cuối năm.
Hiện nhiều dự án đầu tư tư công đã và đang được triển khai như dự án đường Vành đai 3 TP.HCM, dự án sân bay Tân Sơn Nhất… Đặc biệt là dự án sân bay Long Thành, siêu dự án được kỳ vọng sẽ đẩy mạnh thi công từ tháng 9/2023. Bên cạnh đó, việc sớm triển khai các dự án cầu cạn cao tốc ở Đồng bằng Sông Cửu Long cũng sẽ thúc đẩy nhu cầu thép tăng lên.
Ngoài ra, Pomina cũng dự kiến chạy lại lò cao (BF) vào đầu năm 2024 để đón đầu sự trở lại của các dự án bất động sản. Trước đó, doanh nghiệp này đã phải thông báo dừng hoạt động sản xuất lò cao từ ngày 23/9/2022 bởi ảnh hưởng của biến động giá nguyên vật liệu tăng cao. Đặc biệt là giá nguyên liệu đầu vào phục sản xuất của nhà máy đã tăng mạnh trong khi hệ lụy của dịch bệnh chưa khắc phục được.
Năm 2023, Pomina thông qua mục tiêu doanh thu 9.000 tỷ đồng và lỗ sau thuế 150 tỷ đồng trong năm nay. Con số này thấp hơn rất nhiều so với mục tiêu đặt ra trong báo cáo thường niên trước đó là doanh thu 14.000 tỷ đồng và lãi sau thuế 300 tỷ đồng.
Lý giải việc điều chỉnh kế hoạch kinh doanh, Chủ tịch Đỗ Duy Thái cho rằng đây là chiến lược thận trọng trong bối cảnh thị trường còn khó khăn. Ngoài ra, bất động sản chưa thể tốt lên trong năm nay dù Chính phủ đã cố gắng dùng mọi biện pháp, như giải quyết thủ tục cho từng công trình một, giảm lãi suất và giãn nợ cho các công ty bất động sản.
-
Hãng thép 50 năm tuổi tại miền Nam sắp được rót thêm vốn để xây nhà máy tại Đồng Nai, quy mô dự án gấp 2,6 lần vốn chủ
Dự án nhà máy sản xuất thép cán xây dựng, bổ sung công đoạn luyện phôi thép với công suất 150.000 tấn/năm của Thép Nhà Bè được xây dựng tại Khu công nghiệp Nhơn Trạch 2 - Nhơn Phú, huyện Nhơn Trạch, tỉnh Đồng Nai....
-
Những chiếc vỏ container “made in Vietnam” tiêu tốn tới 2.200 tỷ đồng của ông chủ Hòa Phát
Tại thời điểm cuối quý 3/2024, tổng vốn đầu tư tại dự án nhà máy sản xuất container Hòa Phát xấp xỉ 2.200 tỷ đồng, sau khi doanh nghiệp này rót thêm khoảng 300 tỷ đồng trong 9 tháng đầu năm nay....
-
SSI khuyến nghị mua ngay một cổ phiếu “ông lớn” ngành thép với tiềm năng sinh lời gấp 4 lần lãi suất gửi tiết kiệm
Trong ngắn hạn, sự phục hồi của giá thép gần đây, sản lượng tiêu thụ tăng và triển vọng đóng góp từ nhà máy mới sẽ là những yếu tố hỗ trợ giá cổ phiếu của nhà sản xuất thép này.