04/11/2012 8:18 PM
Một số doanh nghiệp bất động sản (BĐS) đang bị mắc trong tình thế "tiến thoái lưỡng nan" trước thông tin TPHCM sẽ không gia hạn những dự án chậm triển khai, trong khi chỉ cách đây không lâu người đứng đầu Bộ Xây dựng khuyên họ nên cân nhắc thực hiện dự án tại thời điểm này.

Theo biện pháp xử lý các dự án chậm triển khai của thành phố, các dự án nhà ở có tiến độ thỏa thuận bồi thường chậm, đạt dưới 50% diện tích đất của dự án sẽ không được tiếp tục giai hạn thỏa thuận địa điểm.

Một khu dân cư tại phường Thạnh Mỹ Lợi, quận 2, TPHCM. Ảnh: Đình Dũng

Trong trường hợp đã bồi thường được hơn phân nửa diện tích, chủ đầu tư phải chứng tỏ khả năng thực hiện dự án. Điều này đông nghĩa với việc dự án sẽ bị thu hồi nếu như không thực hiện như kế hoạch.

Tuy nhiên, trong buổi gặp gỡ các doanh nghiệp bất động sản gần đây, Bộ trưởng Bộ Xây dựng Trịnh Đình Dũng cho rằng hiện thị trường bất động sản đang rất khó khăn, và do vậy những dự án nhà ở chưa hoàn tất việc bồi thường giải phóng mặt bằng và chưa nhìn thấy đầu ra nên cân nhắc dừng lại bởi lượng căn hộ tồn kho trên thị trường khá nhiều.

Ngoài ra, với những dự án đang xây dựng dở dang gặp khó khăn, bộ cho rằng nên rà soát và cho phép chủ đầu tư điều chỉnh công năng, mục đích sử dụng nhằm tránh lãng phí.

Ông Nguyễn Văn Đực, Phó giám đốc Công ty địa ốc Đất Lành, cho rằng trong lúc Bộ Xây dựng đang tìm giải pháp để tháo gỡ khó khăn thì chủ trương của thành phố lại siết lại, buộc các chủ đầu tư phải thực hiện dự nếu không sẽ bị thu hồi.

Ông Đực ví von thị trường bất động sản như biển đang có bão, tàu thuyền đang tìm nơi ẩn nấp để tránh bão, và việc tiếp tục thực hiện dự án là buộc phải tiếp tục ra khơi. Điều này khiến doanh nghiệp gặp khó khăn hơn rất nhiều.

Tuy nhiên, cũng có ý kiến cho rằng nhìn từ góc độ quy hoạch thì thành phố có lý khi siết lại vấn đề tiến độ xây dựng dự án, bởi thực tế có những trường hợp chủ đầu tư thực hiện dự án rất ì ạch.

Ông Trần Minh Hoàng, Chủ tịch HĐQT Công ty Vinaland, cho rằng ở thời điểm này nếu có nói triển khai dự án cũng chẳng có mấy doanh nghiệp tiếp tục thực hiện, mà ngược lại họ phải cầm chừng chờ thị trường tốt hơn.

Việc không triển khai dự án sẽ bị thu hồi, theo ông Hoàng, không phải dễ thực hiện, bởi không dễ tìm ra nhà đầu tư khác để giao dự án vào lúc này.

Hơn nữa, cơ quan quản lý nhà nước sẽ xử lý ra sao những dự án đã giải phóng mặt bằng được phân nửa. Phần chưa đền bù vẫn là của dân, và phần đã đền bù là tài sản của doanh nghiệp, do vậy không thể lấy của người này giao cho người khác.

Theo ông Hoàng, mỗi dự án có đặc thù riêng và có dự án vẫn có thể làm được lúc này. Đó là chuyện của doanh nghiệp, họ biết phải làm gì vào lúc này bởi đó là tiền của họ, và nếu tính toán sai họ phải trả giá cho quyết định của mình.

Theo Đình Dũng (TBKTSG)
  • Facebook
  • Chia sẻ
  •   Lưu tin
  •   Báo cáo

    Báo cáo vi phạm
     
Mọi ý kiến đóng góp cũng như thắc mắc liên quan đến thị trường bất động sản xin gửi về địa chỉ email: [email protected]; Đường dây nóng: 0942.825.711.
CafeLand.vn là Network bất động sản hàng đầu tại Việt Nam và duy nhất chuyên về bất động sản. Cập nhật thực trạng thị trường bất động sản hiện nay, cung cấp cho các độc giả những thông tin chính xác và những góc nhìn phân tích nhận định về thị trường bất động sản từ các chuyên gia trong ngành. Ngoài ra, CafeLand còn cung cấp cho độc giả tất cả các thông tin về sự kiên, dự án, các xu hướng phong thủy, nhà ở để các bạn có cái nhìn tổng quan hơn về thông tin mua bán nhà đất tại Việt Nam.