Khai Xuân sớm với loạt dự án mới
Hy vọng tăng tốc để bù lại những tổn thất trong năm 2020 do đại dịch Covid-19, ngay từ những ngày đầu năm, Công ty Himlam Land đã lên kế hoạch ra hàng tại dự án ở Hà Nội và Bắc Ninh. Tập đoàn Novaland các sàn giao dịch mùng 5 Tết đã bán hàng, chủ yếu tập trung vào các dự án đang triển khai tại Phan Thiết và Vũng Tàu. Cùng đó, Tập đoàn Hưng Thịnh cũng đã và đang chuẩn bị tung ra thị trường 1.000 căn hộ tại TP Vũng Tàu và nhiều dự án mới tại Nha Trang, Quy Nhơn,…“Chúng tôi kỳ vọng, trong năm 2021, Hưng Thịnh cũng như các DN BĐS khác sẽ có sự tăng trưởng mạnh mẽ hơn trong năm 2021” - Phó Tổng Giám đốc Tập đoàn Hưng Thịnh Nguyễn Nam Hiền chia sẻ.
Khách hàng xem nhà mẫu tại dự án LDG Sky của Công ty LGD.
Xác định đẩy mạnh kinh doanh trong năm 2021, Công ty LDG vừa công bố 5 dự án chiến lược vốn khoảng 61.000 tỷ đồng, ký kết hợp tác với quỹ đầu tư S.A.M. Trong đó, 2 dự án được thực hiện cuối năm 2020 là LDG Sky và LDG River (phía Đông TP Hồ Chí Minh ); 3 dự án LDG Grand tại Quảng Ninh, Đà Nẵng và Bà Rịa - Vũng Tàu với tổng quỹ đất gần 1.000ha, giá trị đầu tư hơn 53.000 tỷ đồng cũng sẽ được DN này triển khai trong năm 2021. Tương tự, Công ty CP Kinh doanh phát triển nhà (HDTC) chủ động khai Xuân sớm bằng việc đưa thị trường hàng loạt dự án mới ra như I Park An Sương (quận 12, TP Hồ Chí minh), dự án căn hộ cao cấp tại Tăng Nhơn Phú (quận 9, TP Hồ Chí Minh), dự án Thiên Đường Xanh quy mô 112ha (tỉnh Bình Định)…
Tại TP Thủ Đức, nhiều DN cũng chọn bung rổ hàng sớm. Có thể kể đến như, dự án Simcity của Tập đoàn Anpha Holding; dự án Vinhomes Grand Park của Tập đoàn Vingroup; dự án Verosa Park Khang; dự án Senturia Nam Sài Gòn của Công ty CP Bất động sản Tiến Phước; dự án Zeit Geist của Tập đoàn GS E&C… Bên cạnh đó, hàng loạt DN khác như Tập đoàn Danh Khôi, An Gia, Phát Đạt, Phúc Khang, Phú Long, C.T... cũng mạnh dạn chuẩn bị đưa dự án mới ra thị trường, với hy vọng chào đón năm 2021 với nhiều khởi sắc.
Bất động sản vẫn là kênh đầu tư tốt
Hầu hết các chuyên gia BĐS khi được hỏi đều đánh giá, thị trường BĐS sau Tết Nguyên đán Tân Sửu 2021 sẽ có nhiều kịch bản, tuy nhiên đây vẫn là kênh rót vốn tốt của các nhà đầu tư. TS Sử Ngọc Khương - Giám đốc cấp cao Savills Việt Nam cho rằng, các chủ đầu tư tiếp tục ra mắt nhiều dự án trong những ngày đầu năm cho thấy, nhu cầu của thị trường vẫn còn, nhất là khi nhiều nhà đầu tư chọn BĐS là kênh trú ẩn an toàn. Khó khăn đối với các nhà phát triển BĐS hiện nay không phải thiếu nguồn cầu mà chính là thủ tục pháp lý đang “trói” tiến độ triển khai các dự án.
“Năm 2021, nếu dịch bệnh vẫn kéo dài thì đối với những dự án đang triển khai vẫn có thể hoàn thiện nốt thủ tục. Với các tài sản đang tạo ra dòng tiền như cao ốc văn phòng, trung tâm thương mại cũng không cần phải bán đi vì các nhà đầu tư tính toán được những thách thức hiện tại trên thị trường chỉ là nhất thời, thậm chí kéo dài trong vòng 1 - 2 năm. Do đó, họ có thể xử lý được các vấn đề về tài chính, đồng thời giữ vững kỳ vọng vào năm 2022, 2023” - TS Sử Ngọc Khương phân tích.
Cũng theo vị chuyên gia này, xét về khó khăn, các nhà đầu tư sẽ phải nhìn tới những vướng mắc về pháp lý, đặc biệt tại các đô thị lớn. Với tài sản tạo ra dòng tiền, nhà đầu tư nên chú ý đến chi phí tài chính, tỷ suất sinh lợi hàng năm trong khoảng 6 - 7 năm gần nhất và chỉ số vốn khi chuyển nhượng. Đây sẽ là cơ hội cho những nhà đầu tư trong và ngoài nước tham gia thị trường. “Tôi đánh giá việc bung rổ hàng sớm của các DN BĐS ngay sau Tết Nguyên đán 2021 là hành động nắm cơ hội trong khó khăn. Chỉ cần DN đầu tư bài bản về sản phẩm và tiện ích, tin rằng vẫn sẽ nhận được sự quan tâm, lựa chọn của khách hàng trong giai đoạn này” - ông Sử Ngọc Khương nói thêm.
Đồng quan điểm, Phó Tổng thư ký Hiệp hội BĐS Việt Nam Nguyễn Văn Đính đánh giá, do ảnh hưởng của dịch Covid-19 tái bùng phát lần 3 và có diễn biến phức tạp, nhiều nhà đầu tư có chút tâm lý bất an. Họ có xu hướng trữ tiền mặt, co cụm để phòng thủ vì lo ngại. Tuy nhiên, ở góc độ khác, thị trường vẫn phát triển tốt.
“Thị trường BĐS đang chịu tác động từ những yếu tố khách quan bên ngoài như pháp lý, thủ tục, dịch bệnh. Nếu giải quyết tốt vấn đề này, thị trường sẽ tăng trưởng trở lại” - ông Nguyễn Văn Đính nói.
-
Bất động sản Tp.HCM: Vì sao giá tăng nhưng vẫn cần... giải cứu?
Giá căn hộ vẫn tăng đều với lý do nguồn cung hạn chế, phân khúc phát triển không đồng đều khi đa số doanh nghiệp chỉ phát triển sản phẩm trung, cao cấp, thị trường bất động sản tại Tp.HCM lại đang cần giải cứu.
-
Những dự án hạ tầng giao thông quan trọng nào tại TP.HCM về đích năm 2024?
Trong năm 2024, nhiều dự án hạ tầng giao thông quan trọng tại TP.HCM hoàn thành đưa vào khai thác. Ân tượng nhất trong số này là tuyến metro số 1 Bến Thành – Suối Tiên. Tuyến metro đầu tiên của TP.HCM phải mất 17 năm để hoàn thành kể từ ngày được phê...
-
Tin vui cho người dân tại TP.HCM
Trước thềm Tết Nguyên đán 2025, 4 cây cầu huyết mạch gồm Phước Long, Tăng Long, Tân Kỳ - Tân Quý, và Bà Hom đang trong giai đoạn nước rút để kịp thông xe, sẽ giúp giảm tải tình trạng ùn tắc giao thông tại các cửa ngõ thành phố. Đây là tin vui lớn cho...
-
Hiện trạng con đường dài 600m nhưng tốn hơn 1.000 tỷ đồng để mở rộng ở TP.HCM
Dự án nâng cấp mở rộng đường Chu Văn An (quận Bình Thạnh) chỉ có chiều dài 600m nhưng sẽ tiêu tốn đến 1.067 tỉ đồng. Gần 1.000 tỉ trong tổng vốn đầu tư sẽ dùng để chi trả bồi thường, giải phóng mặt bằng....