Giám đốc Sở Xây dựng TP.HCM sẽ đích thân gặp gỡ giải quyết cho từng dự án BĐS vướng về thủ tục hành chính.

Nhận thức của lãnh đạo cũng như những chính sách về tài chính đất đai sắp thực thi đang tạo những tín hiệu tích cực cho thị trường bất động sản (BĐS), dù thị trường vẫn còn ảm đạm. Đây là nhận định của nhiều doanh nghiệp (DN), cơ quan quản lý nhà nước tại buổi họp mặt do Hiệp hội BĐS TP.HCM (HOREA) tổ chức ngày 15-2.

Nhà ở cao cấp bị “dội hàng”

Theo ông Nguyễn Hoài Nam, Phó Giám đốc Sở Quy hoạch Kiến trúc TP, gần đây thị trường nhà đất ảm đạm không phải do năng lực phát triển nhà ở mà chính là hàng hóa BĐS làm ra bán không được. Thị trường đóng băng có nhiều nguyên nhân nhưng nguyên nhân chính là do sản phẩm BĐS làm ra không phù hợp nhu cầu. Trong khi thị trường cần các sản phẩm nhà ở cho người thu nhập trung bình, thu nhập thấp thì DN lại làm sản phẩm cao cấp. “Ở TP.HCM, có những dự án căn hộ giá 3.000-4.000 USD/m2 là không hợp lý. Chính vì thế quan điểm của Sở Quy hoạch Kiến trúc là những dự án nào triển khai mà thỏa được điều kiện hài hòa lợi ích của DN với lợi ích người dân mua ở thì Sở ủng hộ ngay” - ông Nam nói.

Ông Nguyễn Xuân Quang, Tổng Giám đốc Công ty CP BĐS Nam Long, cho rằng năm nay các DN BĐS cần liên kết để vượt qua khó khăn. “Muốn làm ra sản phẩm BĐS phải có quỹ đất, thiết kế, xây dựng… Nếu bây giờ các DN người có đất, người thiết kế, người xây dựng… ngồi lại cùng nhau thì sẽ nhanh chóng có sản phẩm bán. Lúc này mà đi vay để tự làm thì sẽ không trả lãi được và ngân hàng cũng không cho vay” - ông Quang nói.


Doanh nghiệp bất động sản nên biết lùi!

Khi làm dự án, DN cần lưu ý thị trường rất cần các sản phẩm nhà ở cho người thu nhập trung bình thấp. Ảnh minh họa: BN

Còn theo ông Nguyễn Văn Đực, Phó Giám đốc Công ty BĐS Đất Lành, với tình hình thị trường năm nay thì DN BĐS nên biết lùi, nghĩa là cần phải đặt sự tồn tại DN lên trước. Nếu DN có 10 dự án thì nên bán bớt, chỉ nên triển khai năm dự án. Ông Đực cũng đề xuất: “Sở Xây dựng đừng nên lập ra trung tâm thông tin BĐS mà nên lập trung tâm hỗ trợ cho DN. Mỗi năm, TP.HCM có hàng ngàn mét vuông nhà ở được xây dựng. Tuy nhiên, Sở Xây dựng không hiểu là để làm ra bấy nhiêu mét vuông sàn là DN khổ sở đến chừng nào. Tốt nhất là lập ra trung tâm hỗ trợ DN để DN nào gặp khó, vướng ở cơ chế chính sách thì được cơ quan quản lý giúp đỡ”.

Giải cứu căn hộ

15,4 m2 là diện tích bình quân đầu người về nhà ở tại TP.HCM hiện nay. Năm 2011, TP.HCM phát triển thêm khoảng 8,4 triệu m2, nâng tổng diện tích nhà ở của TP lên 111,24 triệu m2.

(Theo báo cáo của Sở Xây dựng TP.HCM)

Nhìn nhận thị trường BĐS 2012 còn khó khăn nhưng buổi họp mặt cũng nêu ra nhiều thông tin tích cực.

Ông Đào Anh Kiệt, Giám đốc Sở TN&MT TP.HCM, nói: “Quỹ đất dành để phát triển nhà ở vẫn còn. Mặt khác, các nhà đầu tư nước ngoài đánh giá thị trường BĐS TP.HCM còn nhiều tiềm năng phát triển. Nghĩa là cơ hội cho DN BĐS phát triển trong tương lai vẫn có”.

Ông Lê Hoàng Châu, Chủ tịch HOREA, thông báo vừa rồi TP.HCM đã có chủ trương mua một số dự án căn hộ đã xây xong của các DN BĐS để làm quỹ nhà ở cho chương trình tái định cư của TP. “Ông Nguyễn Hữu Tín, Phó Chủ tịch UBND TP.HCM, đã chỉ đạo Sở Xây dựng phối hợp với HOREA để tổ chức việc này. TP sẽ mua các căn hộ 50-70 m2, không mua căn hộ cao cấp và sẽ mua với giá có lời cho DN” - ông Châu cho biết.

Một tin đáng lưu ý khác là vừa qua giám đốc Sở Xây dựng đã làm việc với Thường trực HOREA đề nghị hướng giải quyết các khó khăn về thủ tục. Theo đó, DN BĐS nào có vướng mắc về thủ tục hành chính thì trực tiếp nêu bằng văn bản và đích thân giám đốc Sở sẽ đứng ra giải quyết từng trường hợp cụ thể.

Nhiều chính sách hỗ trợ dự án nhà ở xã hội

Sắp tới, TP.HCM sẽ thí điểm triển khai Quỹ tín thác BĐS đối với các dự án nhà ở an sinh xã hội. Mặt khác, Sở sẽ kiến nghị Chính phủ cho phép các chủ đầu tư dự án nhà ở xã hội được dùng quyền sử dụng đất của dự án để thế chấp hoặc dùng chính dự án nhà ở xã hội (hình thành trong tương lai) để thế chấp vay vốn đầu tư. Ngoài ra, các dự án đầu tư xây dựng nhà lưu trú công nhân đang làm việc trong và ngoài các khu chế xuất, khu công nghiệp cũng sẽ được hưởng các chính sách ưu đãi theo Quyết định 66 của Thủ tướng Chính phủ.

Ông Nguyễn Văn Danh, Phó Giám đốc Sở Xây dựng TP.HCM

Theo Bùi Nhơn (Pháp luật TPHCM)
  • Facebook
  • Chia sẻ
  •   Lưu tin
  •   Báo cáo

    Báo cáo vi phạm
     
 
Mọi ý kiến đóng góp cũng như thắc mắc liên quan đến thị trường bất động sản xin gửi về địa chỉ email: [email protected]; Đường dây nóng: 0942.825.711.