Lợi nhuận nhiều doanh nghiệp lao dốc
Trái với đà tăng nóng của cổ phiếu KBC, báo cáo tài chính năm 2020 của Tổng Công ty Phát triển Đô thị Kinh Bắc (KBC) cho thấy đại gia bất động sản khu công nghiệp nổi tiếng phía bắc này vừa trải qua năm tài chính 2020 với nhiều khó khăn trong hoạt động kinh doanh.
Báo cáo kết quả kinh doanh quý 4/2020 của KBC ghi nhận doanh thu thuần tăng 69%, đạt 1.225 tỉ đồng. Tuy nhiên, giá vốn tăng đột biến gần 10 lần đã kéo biên lãi gộp của doanh nghiệp này lao dốc từ 85% xuống chỉ còn 15%. Theo thuyết minh báo cáo tài chính, nguyên nhân khiến giá vốn hàng bán tăng mạnh trong quý này do công ty phải ghi nhận giá vốn từ hoạt động cho thuê đất và chuyển nhượng bất động sản.
Trong quý cuối năm, các chi phí hoạt động của Kinh Bắc như chi phí lãi vay, chi phí quản lý doanh nghiệp, chi phí bán hàng đều tăng đã bào mòn hết lợi nhuận gộp từ hoạt động kinh doanh của công ty. Bù lại, doanh thu tài chính trong kỳ tăng gấp 11 lần so với cùng kỳ, đạt gần 188 tỉ đồng giúp Kinh Bắc ghi nhận lợi nhuận trước thuế 266 tỉ, thấp hơn gần một nửa so với cùng kỳ.
Lũy kế cả năm 2020, doanh thu và lợi nhuận sau thuế của Kinh Bắc lần lượt đạt 2.154 tỉ đồng và 297 tỉ đồng, giảm tương ứng 33% và giảm 70% so với năm 2019. Đây cũng là mức lợi nhuận ròng thấp nhất mà Kinh Bắc ghi nhận được kể từ năm 2014 đến nay.
Năm qua hầu hết các mã cổ phiếu khu công nghiệp đều có mức tăng đáng kể
Một doanh nghiệp khác nằm trong hệ sinh thái các doanh nghiệp liên quan đến ông Đặng Thành Tâm là Công ty CP Đầu tư và Công nghiệp Tân Tạo (ITA) cũng công bố báo cáo tài chính quý 4 và cả năm 2020 với sự sụt giảm ở cả doanh thu và lợi nhuận so với năm 2019.
Cụ thể, trong quý 4/2020, doanh thu thuần của ITA giảm 80% so với cùng kỳ năm trước, còn hơn 94 tỉ đồng. Giá vốn hàng bán chiếm tới 97% doanh thu nên lãi gộp công ty ghi nhận được trong quý chỉ còn 3 tỉ đồng.
Theo lý giải từ ban lãnh đạo, nguyên nhân chính khiến doanh thu công ty lao dốc trong quý vừa qua là do ảnh hưởng của đại dịch Covid-19. Kết quả thu hút đầu tư đạt tỷ lệ thấp, dẫn tới lợi nhuận gộp về bán hàng và cung cấp dịch vụ giảm. Việc giảm các chỉ tiêu này đã dẫn đến lợi nhuận sau thuế giảm so với cùng kỳ năm trước.
Tính chung cả năm 2020, công ty này ghi nhận 643 tỉ đồng doanh thu, chỉ tương đương 1/2 số thu năm 2019. Nhưng nhờ việc tiết giảm một loạt chi phí nên lợi nhuận năm vừa qua của Tân Tạo là 177 tỉ đồng, thấp hơn 14% so với năm 2019.
Tổng Công ty Đầu tư và Phát triển Công nghiệp – CTCP (Becamex IDC Corp) một trong số những doanh nghiệp sở hữu quỹ đất khu công nghiệp lớn nhất Việt Nam cũng ghi nhận kết quả kinh doanh sụt giảm trong năm 2020.
Cụ thể, trong quý 4/2020, doanh thu thuần của Becamex IDC Corp giảm 29% so với cùng kỳ năm trước, còn 2.513 tỉ đồng. Nhờ giá vốn giảm mạnh 44%, lợi nhuận gộp trong kỳ chỉ giảm 5%, còn 1.331 tỉ đồng.
Lũy kế năm 2020, doanh thu thuần của Becamex IDC Corp đạt 7.723 tỉ đồng, giảm 6% so năm trước, lãi sau thuế đạt 2.149 tỉ đồng, giảm 18% so với năm 2019.
Lãi nhờ hoạt động khác
Công ty Cổ phần Sonadezi Châu Đức (SZC) là một trong những doanh nghiệp hiếm hoi trong mảng bất động sản công nghiệp ghi nhận lãi trong năm 2020. Quý 4/2020, SZC ghi nhận doanh thu đạt 71 tỉ đồng, tăng 54% so với cùng kỳ. Chi phí giá vốn tăng mạnh hơn 185% khiến lãi gộp giảm 9% xuống 28 tỉ đồng.
Doanh thu hoạt động tài chính giảm 36% xuống 6 tỉ đồng. Chi phí tài chính giảm 19%, chi phí bán hàng giảm 19%, chi phí quản lý doanh nghiệp giảm 20%.
Đáng chú ý, hoạt động khác có lãi 5,44 tỉ đồng, tăng mạnh so con số 250 triệu cùng kỳ năm trước nhưng phần thuyết minh không rõ khoản mục này. Nhờ vậy, lãi sau thuế của Sonadezi Châu Đức tăng 23% lên 24 tỉ đồng.
Tính trong cả năm 2020, SZC ghi nhận doanh thu tăng 31% so với năm 2019, đạt hơn 433 tỉ đồng. Giá vốn hàng bán cũng đồng thời tăng do trích trước cho thuế đất và phí quản lý nên biên lợi nhuận của SZC gần như không thay đổi. Vì vậy, lợi nhuận gộp cả năm của SZC cũng theo đà doanh thu tăng gần 32%, đạt gần 234 tỉ đồng. Bên cạnh đó, nhờ các khoản chi phí được tiết giảm, SZC báo lãi ròng năm 2020 đạt hơn 186 tỉ đồng, tăng 39% so với năm trước.
Tương tự, Công ty Cổ phần Đầu tư Sài Gòn VRG (SIP) ghi nhận doanh thu tăng 34% trong quý 4/2020, đạt 1.663 tỉ đồng. Doanh thu hoạt động tài chính chủ yếu là lãi tiền gửi, lãi cho vay tăng mạnh, đạt 235 tỉ đồng. Sau khi trừ đi các khoản chi phí, thuế, lợi nhuận của SIP ghi nhận 449 tỉ đồng, tăng gấp đôi so với năm 2019. Luỹ kế cả năm, lợi nhuận đạt 1.125 tỉ đồng, trong khi năm ngoái là 645 tỉ đồng.
Theo báo cáo của Công ty chứng khoán SSI, năm qua hầu hết các mã cổ phiếu khu công nghiệp đều có mức tăng đáng kể, đặc biệt là các cổ phiếu có vốn hóa trung bình và nhỏ. Kết quả khả quan của ngành bất động sản chủ yếu liên quan đến hai yếu tố chính.
Một là Việt Nam nằm trong số rất ít quốc gia kiểm soát tốt dịch Covid-19, tiếp tục thu hút các nhà đầu tư muốn đa dạng hóa cơ sở sản xuất ngoài Trung Quốc.
Hai là diện tích đất cho thuê mới hạn chế tại các khu công nghiệp ở miền Nam, đặc biệt là ở TP.HCM, một số khu công nghiệp vẫn gặp nhiều khó khăn trong công tác đền bù và giải phóng mặt bằng.
Tuy nhiên, dịch Covid-19 đã gây ra sự gián đoạn nghiêm trọng trong chuỗi cung ứng và các doanh nghiệp đã đẩy nhanh quá trình đa dạng hóa chuỗi cung ứng sang Việt Nam. Dịch Covid-19 đã thúc đẩy hoạt động dịch chuyển trong vài năm trở lại đây, đồng thời đặt ra nhiều thách thức lớn trong năm 2020.
Do dịch Covid-19 bùng phát, các chuyến bay quốc tế ra vào Việt Nam tạm thời bị đóng cửa đối với hầu hết các hoạt động kinh doanh và du lịch. Điều này đã gây ra khó khăn trong việc ký kết các hợp đồng sản xuất, ảnh hưởng đến tiến độ cho thuê các khu công nghiệp trong thời gian gần đây.
-
Thách thức đặt ra cho bất động sản công nghiệp năm 2021
CafeLand - Với sự thay đổi mạnh mẽ trong đại dịch Covid-19, thị trường bất động sản công nghiệp tại Việt Nam đã trở thành cơ hội hấp dẫn cho cả nhà đầu tư trong nước và quốc tế. Những cơ hội này được dự báo vẫn tiếp diễn trong năm 2021, nhưng đi kèm với đó là những thách thức đáng để các nhà đầu tư lưu tâm.