3.700 căn hộ tái định cư tại Khu đô thị mới Thủ Thiêm (TP.HCM) sẽ tiếp tục được đấu giá trong tháng 6/2021 Ảnh: Lê Toàn
Ế vì giá cao
Khu tái định cư Bình Khánh (thuộc chương trình 12.500 căn hộ phục vụ tái định cư Khu đô thị mới Thủ Thiêm) được đầu tư để tái định cư tại chỗ cho 10.000 hộ dân thuộc 5 phường trung tâm của khu đô thị này. Nhưng kể từ thời điểm hoàn thành vào năm 2007, những căn hộ này vẫn bị bỏ trống, do đa số người dân có nhu cầu nhận tiền, thay vì nhận nhà.
Năm 2017, TP.HCM bán đấu giá 3.790 căn hộ tái định cư tại Khu đô thị mới Thủ Thiêm, với mức giá khởi điểm 8.800 tỷ đồng; năm 2018, đấu giá lần thứ 2 với mức giá khởi điểm 9.100 tỷ đồng, lần này dự kiến với giá khởi điểm 9.900 tỷ đồng. Như vậy, mỗi căn hộ tái định cư có giá hơn 2,6 tỷ đồng, cao hơn nhiều so với giá nhà thương mại ở các dự án cùng khu vực.
Để khắc phục tình trạng này, từ năm 2017 đến 2019, Thành phố đã liên tục tổ chức các cuộc đấu giá, song không có đơn vị nào tham gia. Mới đây, UBND TP.HCM cho biết, Thành phố sẽ tiếp tục đấu giá 3.700 căn hộ tái định cư vào tháng 6/2021, với mức giá khởi điểm là 9.900 tỷ đồng.
Ông Cao Hữu Phi, Tổng giám đốc Công ty COPiHome cho hay, khi Thành phố mang đấu giá 3.700 căn hộ tái định cư ở Thủ Thiêm, doanh nghiệp ông đã mua hồ sơ, đăng ký tham gia. Tuy nhiên, mức giá khởi điểm đưa ra khá cao, cộng với chất lượng công trình không được kiểm soát và thiết kế nhà tái định cư lạc hậu, nên doanh nghiệp ông đã âm thầm rút lui.
Về nguyên nhân khiến các lần đấu giá trước đây bất thành, theo ông Phí, chủ yếu do giá đưa ra quá cao. Mức giá khởi điểm dự kiến cũng gần 10.000 tỷ đồng, nên rất khó để lần đấu giá này thành công. Trong khi đó, chất lượng, thiết kế, kiến trúc của những căn hộ này quá tệ so với mặt bằng chung hiện nay.
“Thay vì Thành phố cứ ôm số căn hộ này và mỗi năm phải bỏ hơn 70 tỷ đồng để duy tu, bảo dưỡng, trả lãi vay, thì có thể đem chuyển sang làm nhà ở xã hội. Điều này vừa giúp Thành phố thu được tiền về làm việc khác, vừa đáp ứng được nhu cầu nhà ở của người dân, hoàn thành được các mục tiêu về phát triển nhà ở và điều quan trọng nhất là an dân”, ông Phi nói.
Tương tự, ông Ngô Quang Phúc, Tổng giám đốc Phú Đông Group cho rằng, phương thức đấu giá trọn gói mà Thành phố đưa ra là quá lớn so với tiềm lực của nhiều doanh nghiệp. Hơn nữa, mức giá khởi điểm đưa ra cũng không phù hợp với giá trị thực tế.
“Nếu doanh nghiệp mua sỉ với mức giá như trên, để bán được hàng thì phải thiết kế lại, xây dựng thêm tiện ích nội khu… Khi đó, giá bán có thể tăng gấp đôi, nên sẽ rất khó bán”, ông Phúc phân tích.
Cần một chính sách mở
Hàng chục ngàn căn hộ tái định cư bỏ hoang, gây lãng phí rất lớn là điều ai cũng nhìn thấy. Thử làm một phép tính, nằm cùng vị trí là chung cư New City của Công ty Thuận Việt được giao dịch mỗi căn hộ 2 phòng ngủ diện tích 60 m2 có giá 3,9 - 4,4 tỷ đồng. Tính ra, mỗi mét vuông có giá lên đến 73 triệu đồng. Tất nhiên, đây là giá bán được đưa ra từ năm 2019.
Chung cư New City vốn là dự án được chủ đầu tư là Công ty Thuận Việt xin chuyển đổi từ chung cư tái định cư sang chung cư thương mại. Khu chung cư này nằm trong chương trình 12.500 căn hộ tái định cư Thủ Thiêm của Thành phố. Tuy nhiên, khi Thành phố không có nhu cầu tái định cư, Công ty Thuận Việt đã xin chủ trương cho chuyển đổi thành căn hộ thương mại.
Như vậy, chỉ riêng 5.300 căn hộ tại Thủ Thiêm, nếu tính bình quân mỗi căn hộ 2 phòng ngủ có giá thấp nhất là 3,9 tỷ đồng, thì số tiền của ngân sách đang nằm “bất động” hơn 20.000 tỷ đồng. Với số tiền này, TP.HCM có thể xây dựng được hai dự án chống ngập do triều cường hoặc có thể xây dựng được hơn 4 cây cầu như cầu Thủ Thiêm 2 - vốn đang chậm tiến độ mà nguyên nhân một phần vì thiếu vốn.
Trong buổi làm việc mới đây với Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính, ông Nguyễn Thành Phong, Chủ tịch UBND TP.HCM đã kiến nghị Thủ tướng Chính phủ cho phép UBND Thành phố quyết định điều chỉnh mục tiêu dự án, quỹ nhà phục vụ tái định cư sang nhà ở xã hội hoặc thương mại, thay cho Bộ Xây dựng theo Nghị định 99/2015/NĐ-CP ngày 20/10/2015 của Chính phủ.
Về vấn đề này, Thủ tướng cho rằng, Thành phố chuyển đổi sang nhà ở xã hội thì được, còn nếu chuyển sang nhà ở thương mại thì dứt khoát phải qua đấu giá để tránh tiêu cực, thất thoát.
Tuy nhiên, để đấu giá thành công, theo bà Võ Thị Thủy, Phó tổng giám đốc Công ty TNHH Xây dựng - Thương mại Thuận Việt, Thành phố phải cho nhà đầu tư thấy ngay được lợi ích khi tham gia đấu giá khối tài sản này. Ngoài mức giá khởi điểm hợp lý, trước khi đấu giá, Thành phố nên có chủ trương chuyển đổi nhà tái định cư thành nhà ở thương mại và ra sổ hồng luôn cho từng căn hộ. Khi nhà đầu tư mua được quỹ nhà đã có sổ hồng, thì việc bán cho người dân sẽ dễ dàng hơn và giá bán cũng cao hơn.
Hơn nữa, tâm lý chung là ai cũng lo ngại về chất lượng nhà tái định cư, nên cần phải có cơ chế và quy định rõ ràng về việc được sửa đổi dự án sau khi trúng đấu giá. Như vậy, nhà đầu tư mới yên tâm khi tham gia đấu giá. “Nếu đấu giá thành công, chắc chắn, doanh nghiệp phải bỏ ra không ít công sức, thời gian và tiền bạc để biến căn hộ tái định cư thành căn hộ thương mại”, bà Thủy nói.
-
TPHCM: Tiếp tục bán đấu giá hàng nghìn căn hộ tái định cư 'ế ẩm' ở Thủ Thiêm
Đây là số căn hộ tái định cư được TPHCM mang đấu giá từ tháng 2/2018 với mức giá khởi điểm hơn 9.100 tỷ đồng. Tại thời điểm đó, phiên đấu giá thất bại vì không có ai mua. Dự kiến trong đợt đấu giá lần này mức giá được đề xuất tăng lên 9.900 tỷ đồng.