20/11/2014 2:44 PM
Tiền để mua lại các dự án bất động sản hiện nay phần lớn đến từ quỹ đầu tư nước ngoài và ngân hàng

Từ cuối năm 2013 đến nay, khi phân khúc căn hộ giá trung bình có dấu hiệu ấm dần lên, nhiều chủ đầu tư đã mạnh dạn mua lại các dự án để tiếp tục phát triển. Đa số người đi mua đều được các tổ chức nước ngoài, ngân hàng (NH) hỗ trợ vốn.

Mạnh vì “gạo”

Ông Nguyễn Đình Trung, Tổng Giám đốc Công ty CP Kinh doanh địa ốc Hưng Thịnh (Hưng Thịnh Corp), cho biết doanh nghiệp (DN) của ông không chỉ nhắm đến các dự án nhà ở có mức giá trung bình mà còn để ý đến những dự án cao cấp có vị trí đẹp, đắc địa. “Bởi ngoài nguồn vốn sẵn có của Hưng Thịnh Corp, nhiều NH đã đồng ý tham gia giải ngân với hạn mức hàng ngàn tỉ đồng” - ông Trung thông tin.

Dự án 8X PLUS gồm 2 tầng hầm, 2 tầng căn hộ thương mại và 17 tầng căn hộ nằm trên đường Trường Chinh, quận 12, TP HCM được Hưng Thịnh Corp mua lại từ việc ngân hàng phát mãi

Có lợi thế do được sự hỗ trợ từ các tập đoàn nước ngoài, bà Nguyễn Thị Dịu Hòa, Tổng Giám đốc Công ty CP Tổ chức Nhà Quốc Gia (N.H.O), cho biết thời gian qua, N.H.O đã mua lại một phần các dự án rồi hợp tác với chủ đầu tư cũ để thực hiện tiếp. Với quyết tâm mua lại dự án nhà ở, dự án đô thị càng nhiều càng tốt, năm 2015, N.H.O sẽ dành số vốn nhiều gấp 3 lần của năm 2014 để thực hiện việc này.

Ông Thân Quý Phái, Giám đốc Công ty CP Đầu tư và Xây dựng Công trình 557, cho rằng điều khiến DN e ngại khi mua bán dự án hiện nay là không thể mua đứt dự án mà phải tham gia bằng hình thức góp vốn, mua cổ phần hoặc mua cả DN nhưng trên giấy tờ thì pháp nhân vẫn thuộc về công ty cũ. Tuy nhiên, hầu hết các chủ đầu tư cũ đều có nợ xấu tại NH, vì vậy khi chủ đầu tư mới đem hồ sơ dự án đi thế chấp để vay vốn thì bị từ chối.

Chờ dòng vốn ngoại

Một thực tế hiện nay là còn nhiều dự án đang “bất động” vì không có tài sản khác để thế chấp NH vay vốn, trong khi nguồn vốn của DN đã cạn nên chỉ còn cách cầu cứu các quỹ đầu tư. Tổng giám đốc một DN có dự án đang đình đốn nằm ở quận 8, TP HCM, chia sẻ: “Chúng tôi nợ NH không nhiều nhưng vì là dự án đầu tiên nên DN đã đổ hết tiền vào xây nền móng. Đến năm 2010, NH siết chặt tín dụng khiến dự án không thể triển khai tiếp. Hiện DN đang tìm đối tác nước ngoài hợp tác để tiếp tục triển khai dự án, sớm hoàn thành và giao nhà cho khách hàng”.

Chuyên gia tài chính, TS Nguyễn Trí Hiếu, cho rằng hiện có 3 dạng dự án bất động sản (BĐS) trên thị trường. Thứ nhất là dự án đang thực hiện đúng tiến độ. Thứ hai là dự án bị “treo” do chủ đầu tư thiếu vốn và NH không cho vay tiếp. Thứ ba là dự án đã thế chấp và đang là tài sản nợ xấu của NH. Ở các dự án loại 2 và 3, cả chủ đầu tư và NH đều muốn “giải phóng” càng sớm càng tốt.

“Kinh tế trì trệ một phần cũng vì các dự án dạng này. Nếu có được dòng tiền từ các tổ chức tài chính nước ngoài hay từ các NH trong nước hỗ trợ sẽ là hướng mở tích cực cho chính chủ đầu tư cũng như cho thị trường” - TS Nguyễn Trí Hiếu chia sẻ.

Đồng quan điểm, TS Đinh Thế Hiển cho biết các quỹ đầu tư nước ngoài thừa vốn, đang tìm đối tác để làm ăn nhưng không đòi hỏi lợi nhuận quá cao, trong khi thị trường BĐS Việt Nam vẫn còn nhiều dự án hấp dẫn, giá khó có thể giảm thêm và nhu cầu người mua nhà vẫn rất cao. Vì thế, cơ hội để các tổ chức nước ngoài đổ vốn vào là khá lớn.

Còn theo TS Nguyễn Đức Thành, Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu kinh tế và chính sách, sau một thời gian tồn tại nhiều vấn đề về dòng tiền đưa vào BĐS thì hiện nay, thị trường đã thanh lọc rất rõ. “Nếu có được dòng tiền từ các tổ chức nước ngoài (đầu vào) và từ NH (hỗ trợ đầu ra) sẽ là tín hiệu khá tốt cho thị trường thời gian tới” - TS Thành kỳ vọng.

“Chọn mặt gửi tiền”

Ông Nguyễn Hoàng Minh, Phó Giám đốc NH Nhà nước Chi nhánh TP HCM, cho biết sau khi “cởi trói”, không đưa BĐS vào lĩnh vực phi sản xuất từ cuối năm 2012, tăng trưởng tín dụng ở lĩnh vực này đã chuyển biến tích cực. Cụ thể, từ đầu năm đến nay, TP HCM đã cho vay trên 132.000 tỉ đồng, tỉ lệ tăng trưởng hơn 20%, chiếm 18% trên tổng dư nợ.

Theo ông Minh, các NH không còn cho vay vô tội vạ mà đã biết “chọn mặt gửi tiền”, chỉ những dự án tốt, khả thi, hồ sơ pháp lý rõ ràng cũng như giới thiệu từ Sở Xây dựng, Hiệp hội Bất động sản… mới được NH xem xét giải ngân.
  • Đổ tiền “săn” dự án

    Đổ tiền “săn” dự án

    Mua lại dự án bất động sản là giải pháp được cho tốt nhất trong thời điểm hiện nay nên nhiều chủ đầu tư đã quyết định bỏ vốn đi “săn”

Sơn Nhung (Người lao động)
  • Facebook
  • Chia sẻ
  •   Lưu tin
  •   Báo cáo

    Báo cáo vi phạm
     
Mọi ý kiến đóng góp cũng như thắc mắc liên quan đến thị trường bất động sản xin gửi về địa chỉ email: [email protected]; Đường dây nóng: 0942.825.711.