07/01/2014 7:38 AM
Nước ta hiện có 770 đô thị, tỷ lệ đô thị hóa đạt hơn 33%,với khoảng 30 triệu dân. Số lượng đô thị nhiều nhưng thực tế, hơn 50% dân cư đô thị chủ yếu tập trung ở 16 thành phố lớn là đô thị loại đặc biệt và loại 1. Tại hội nghị triển khai chương trình đô thị quốc gia giai đoạn 2012-2020 vừa diễn ra, nhiều ý kiến cho rằng, đô thị Việt Nam phát triển thiếu kiểm soát, áp lực do quá tải lên hệ thống hạ tầng và làm nảy sinh nhiều vấn đề.

Theo Cục Phát triển đô thị, dân số đô thị hiện nay tăng 1,35 triệu người so với năm 2012, tạo ra những thách thức lớn về nhà ở, lao động, việc làm, hạ tầng kỹ thuật, ô nhiễm môi trường. Tỷ lệ đô thị hóa tại các tỉnh, thành phố phân bổ không đều, tạo ra các dòng di cư vào đô thị lớn chưa kiểm soát được. Quy loại đô thị chưa đáp ứng được tầm nhìn dài hạn, có sự lệch pha lớn giữa quy hoạch và thực tiễn. Nhiều quy hoạch chi tiết, quy hoạch phân khu không tuân thủ, thậm chí phá vỡ quy hoạch chung.

Chủ tịch Tổng hội Xây dựng Việt Nam phân tích, công tác lập, phê duyệt phân khu, chi tiết, thiết kế đô thị còn rất chậm, không đáp ứng được nhu cầu quản lý. Đây là một trong những nguyên nhân quan trọng dẫn đến cơ chế xin-cho trong thực hiện quy hoạch, “chạy” dự án và cũng là nguyên nhân của sự tùy tiện thay đổi quy hoạch đã phê duyệt. Hàng loạt nhà cao tầng ở Hà Nội, TP.HCM xây dựng với mật độ dày đặc, nhấp nhô, vi phạm quy hoạch đã phê duyệt.

Việc cấp phép tùy tiện nhiều dự án cao tầng ở hai đô thị lớn này, thậm chí còn vượt chiều cao, tầng nhà so với quy hoạch chi tiết, thiết kế đô thị. Nhiều quyết định đúng đắn như di dời các nhà máy, xí nghiệp, công sở, bệnh viện ra ngoại thành nhằm giảm áp lực dân cư, tăng diện tích công cộng nhưng thực hiện không nghiêm. Nhà máy, xí nghiệp sau di dời lại “cắm” vào đó nhiều công trình mang lại lợi nhuận cao cho chủ đầu tư và cả nhóm lợi ích, làm tăng mật độ dân số và giao thông, vi phạm chỉ giới quy hoạch, thiết kế xây dựng diễn ra phổ biến. Hàng nghìn nhà dân, nhà chung cư xây vượt phép, hàng loạt nhà xây dựng lấn chiếm không được xử lý kịp thời dẫn đến nhiều nhà dẹt, nhà méo, có nơi chỉ 4-6m2. Tình trạng ngập úng, ngõ ngách nhỏ hẹp, khi có sự cố xe cứu thương, cứu hỏa không thể vào được.

Đáng lo ngại là, tại các khu chung cư đang bị phá vỡ do mật độ dân cư quá lớn, các hộ dân tự ý lấn chiếm đất lưu không, xây thành chỗ ở. Việc cơi nới tùy tiện, tạo nên những “chuồng chim, chuồng cọp”. Hệ thống giao thông nội bộ bị quá tải. Hiện các chủ đầu tư tập trung khai thác chức năng ở để kinh doanh sau khi bù đủ diện tích tái định cư. Điều này làm chất tải thêm hạ tầng xã hội và dân cư vào nội thành.

Đô thị hóa diễn ra quá “nóng”, dẫn đến hệ lụy tất yếu là phát triển mạnh về số lượng nhưng yếu về chất lượng cùng với những “biến tướng” trong quy hoạch. Phát triển đô thị thiếu bền vững chính là vì thiếu kiểm soát, thiếu “luật hóa” chặt chẽ trong quy hoạch, quản lý, xây dựng.

Đan Thanh (ANTĐ)
  • Facebook
  • Chia sẻ
  •   Lưu tin
  •   Báo cáo

    Báo cáo vi phạm
     
Mọi ý kiến đóng góp cũng như thắc mắc liên quan đến thị trường bất động sản xin gửi về địa chỉ email: [email protected]; Đường dây nóng: 0942.825.711.
CafeLand.vn là Network bất động sản hàng đầu tại Việt Nam và duy nhất chuyên về bất động sản. Cập nhật thực trạng thị trường bất động sản hiện nay, cung cấp cho các độc giả những thông tin chính xác và những góc nhìn phân tích nhận định về thị trường bất động sản từ các chuyên gia trong ngành. Ngoài ra, CafeLand còn cung cấp cho độc giả tất cả các thông tin về sự kiên, dự án, các xu hướng phong thủy, nhà ở để các bạn có cái nhìn tổng quan hơn về thông tin mua bán nhà đất tại Việt Nam.