Theo đó, đầu năm 2015, một số cổ phiếu thép bị bán khá mạnh, tạo nên đà sụt giảm của nhóm cổ phiếu này trong vòng 3 - 5 tháng đầu năm 2015. Sau đó, các đại diện ngành thép đã lấy lại được phong độ, phục hồi trở lại và gần như đã giành lại được những gì đã bị tuột mất trong nửa đầu năm 2015.
Nhiều nhà đầu tư cho rằng, đây chính là giai đoạn “lửa thử vàng” đối với nhóm cổ phiếu thép. Liệu rằng, sau một nhịp tăng giá, các cổ phiếu này có vượt qua được áp lực chốt lời để không bị rơi trở lại vùng đáy của thời kỳ quý II/2015, cũng như thiết lập được một chu kỳ đi lên ổn định hay không?
Cổ phiếu thép vừa trải qua giai đoạn thử lửa khá căng thẳng, nhưng đây chính là thời điểm tốt để nhà đầu tư đo “sức chịu nhiệt” của nhóm cổ phiếu này
Nhìn vào diễn biến một số mã cổ phiếu thép trên sàn chứng khoán, có thể thấy rõ xu hướng đi xuống trong giai đoạn cuối năm 2014 đến quý II/2015 và phục hồi mạnh trong quý III/2015. Cụ thể, cổ phiếu HSG của đại gia Công ty cổ phần Tập đoàn Hoa Sen (Tôn Hoa Sen) bắt đầu rớt giá từ mặt bằng trên 45.000 đồng/cổ phiếu khoảng tháng 1/2015 xuống đáy chỉ còn hơn 30.000 đồng/cổ phiếu vào đầu tháng 4/2015. Tuy nhiên, HSG đã phục hồi khá mạnh trở lại từ tháng 4/2015 đến nay và dập dềnh quanh mức khoảng 42.000 đồng/cổ phiếu.
Cùng giống như Tôn Hoa Sen, một cổ phiếu hàng đầu khác của ngành thép trên sàn chứng khoán là HPG của Công ty cổ phần Tập đoàn Hòa Phát liên tục đi xuống từ mốc 38.000 đồng/cổ phiếu hồi tháng 10/2014 xuống mốc khoảng 25.000 đồng/cổ phiếu vào tháng 5/2015. Trong giai đoạn nửa cuối quý II và quý III/2015, giá HPG đã phục hồi khá mạnh, nhưng vẫn thấp hơn mặt bằng giá giai đoạn cuối năm 2014. Hiện thị giá cổ phiếu của đại gia Hòa Phát đang ở mức khoảng 31.000 đồng/cổ phiếu.
Cổ phiếu nhiều doanh nghiệp khác ngành thép cũng có chu kỳ giá tương tự. Giá DNY của Công ty cổ phần Thép Dana - Ý giảm từ mốc hơn 5.700 đồng/cổ phiếu (tháng 10/2014) xuống 4.700 đồng/cổ phiếu (tháng 4/2015) và sau đó bật lên mốc khoảng 6.000 đồng/cổ phiếu hiện nay. Giá cổ phiếu VIS của Công ty cổ phần Thép Việt Ý giảm từ mốc trên 10.000 đồng/cổ phiếu (tháng 10/2014) xuống dưới 6.000 đồng/cổ phiếu (tháng 5/2015) và hiện ở mốc khoảng 7.000 đồng/cổ phiếu.
Theo đánh giá của một số nhà phân tích, nhìn vào các yếu tố cơ bản, thì các đại gia ngành thép có thể đủ tiềm lực vượt qua đợt thử lửa lần này. Ông Bạch An Viễn, Trưởng phòng Phân tích thuộc Công ty cổ phần Chứng khoán KIS cho biết, Tôn Hoa Sen đang lấy lại đà tăng nhờ thị trường xây dựng phục hồi, làm tăng nhu cầu sản phẩm trong khi giá đầu vào giảm mạnh.
Hiện nay, Tôn Hoa Sen là doanh nghiệp đứng đầu ngành tôn lợp, với thị phần 43,6% và đứng thứ hai trong mảng ống thép xây dựng với thị phần 16,7%. Trong cơ cấu doanh thu của Tôn Hoa Sen, thị trường nội địa chiếm 60% và thị trường xuất khẩu chiếm 40%. Chiến lược thị trường của doanh nghiệp này đang hướng tới việc mở rộng thị phần sang khu vực miền Trung và miền Bắc. Hiện tại, Tôn Hoa Sen đã có 157 chi nhánh và 6 tổng kho, dự kiến sẽ nâng tổng số chi nhánh lên 300 vào cuối năm 2017.
Trong khi đó, về năng lực sản xuất, công suất hiện tại của Tôn Hoa Sen đạt 1,2 triệu tấn tôn/năm và 1 triệu tấn thép/năm. Dự kiến đến năm 2018, công ty này có thể nâng công suất lên 2 triệu tấn tôn/năm và 2,2 triệu tấn thép/năm thông qua các dự án tại Nghệ An và Bình Định.
Cùng với HSG của Tôn Hoa Sen, cổ phiếu HPG của Hòa Phát cũng được đánh giá là có tiềm năng tốt trong thời gian tới. Ông Viễn cho biết, triển vọng tăng trưởng của Hòa Phát kể từ năm 2016 sẽ rõ nét hơn khi doanh nghiệp này đưa vào hoạt động giai đoạn 3 của Khu liên hợp gang thép.
Ngoài ra, mảng thức ăn chăn nuôi và bất động sản cũng đóng góp tích cực vào cơ cấu doanh thu và lợi nhuận cho Hòa Phát trong tương lai. Theo đó, ông Viễn dự báo, doanh thu thuần của Hòa Phát trong năm 2015 có thể đạt 27.543 tỷ đồng, tăng 7,9% so với cùng kỳ; lợi nhuận sau thuế có thể đạt 3.199 tỷ đồng, tăng 1,7% so với cùng kỳ…