DA khu du lịch nghỉ mát giải trí đa năng Saigon Atlantis (4,1 tỷ USD) sau 12 năm vẫn chỉ là khu đất với cây cối mọc um tùm
Doanh nghiệp không đủ tiềm lực tài chính thực hiện dự án (DA), công tác giải phóng mặt bằng gặp khó khăn, cùng muôn vàn lý do khác đã dẫn tới tình trạng hàng chục DA tại tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu (BR-VT) chậm triển khai trong nhiều năm; hàng ngàn hécta đất bị bỏ hoang gây lãng phí tài nguyên, trong khi hàng ngàn hộ dân thì lâm vào cảnh “dở khóc dở cười” khi phải sống trong những ngôi nhà lụp xụp đã xuống cấp mà không được xây mới và tiền đền bù cũng chẳng biết bao giờ mới được nhận.
Hàng loạt DA chậm triển khai
Theo báo cáo của Sở KH-ĐT tỉnh BR-VT, trong gần 5 năm qua, tỉnh đã thu hồi giấy phép đầu tư 123 DA trong tổng số hơn 210 DA chậm triển khai, nhưng đến nay, trên địa bàn vẫn còn 93 DA với tổng diện tích hơn 8.500ha thuộc diện chậm triển khai. Trong đó có 46 DA ngoài khu công nghiệp (KCN), 37 DA đầu tư lĩnh vực nhà ở khu đô thị, 10 DA trong KCN. Nhiều DA chậm triển khai tới hàng chục năm, gây bức xúc cho người dân sống trong vùng DA.
Điển hình là tại DA Khu công viên văn hóa thể thao Bầu Trũng (phường Nguyễn An Ninh, TP Vũng Tàu) có chủ trương đầu tư từ năm 2000, nhưng một thời gian dài vẫn “giậm chân tại chỗ” khiến nơi đây trở thành điểm nóng về xây dựng trái phép. Cuối năm 2017, tỉnh BR-VT thu hồi DA và đồng thời cấp phép cho nhà đầu tư mới, nhưng hiện tại cũng gặp không ít khó khăn.
Ông Trần Văn Khanh, một hộ dân sống trong DA trên chia sẻ, trước khi có DA, nơi đây chỉ có vài trăm hộ dân, nhưng đến nay đã có hơn 2.500 hộ với gần 10.000 nhân khẩu. “Trong suốt 17 năm qua, chúng tôi đã mòn mỏi trông chờ DA, số lượng thành viên của gia đình tăng lên nhưng không được xây cất nhà mới, chưa được đền bù để chuyển đi nơi khác, sinh hoạt trong gia đình gặp rất nhiều khó khăn.
Giờ tỉnh lại chuyển DA cho nhà đầu tư mới, không biết đến bao giờ chúng tôi mới thoát khỏi vòng lẩn quẩn của các DA như hiện nay”, ông Khanh nói.
Cả với những DA tỷ USD như khu du lịch nghỉ mát giải trí đa năng Saigon Atlantis do Công ty TNHH Winvest Investment Việt Nam làm chủ đầu tư (tổng vốn đầu tư 4,1 tỷ USD trên diện tích 307ha) cũng đang gặp bế tắc sau 12 năm được cấp phép. DA chậm triển khai do cách tính tiền thuê đất tăng gấp 7 lần.
Hiện tại, DA tỷ USD này vẫn chỉ là khu đất trống cây cối mọc um tùm. Đáng chú ý, trong số 93 DA chậm triển khai thì có tới 1/3 DA thuộc về lĩnh vực du lịch, chủ yếu là du lịch nghỉ dưỡng ven biển.
Có nhiều ý kiến cho rằng nhà đầu tư không có đủ năng lực tài chính, nhưng bằng cách nào đó đã “xí phần” đất trước, rồi nhùng nhằng không triển khai DA và chờ đợi chuyển nhượng cho nhà đầu tư khác nhằm mục đích kiếm lời. Ngoài ra, còn do công tác giải phóng mặt bằng gặp nhiều khó khăn, sự phối hợp giữa cơ quan chức năng và nhà đầu tư chưa chặt chẽ.
Đại diện UBND TP Vũng Tàu và UBND thị xã Phú Mỹ, 2 địa phương có số lượng DA treo nhiều nhất trong tỉnh cho biết, trong mỗi lần tiếp xúc cử tri, người dân rất bức xúc và phản ánh gay gắt vì DA treo gây ảnh hưởng trực tiếp đến cuộc sống của người dân. Không những vậy, việc quản lý xây dựng trái phép ở những DA này cũng gặp rất nhiều khó khăn.
Cần sự dứt khoát
Để giải quyết vấn đề DA treo, Tỉnh ủy BR-VT cho biết, đã chỉ đạo các cơ quan chức năng cần dứt khoát với những DA mà nhà đầu tư không đủ năng lực thực hiện, dây dưa giữ đất; đồng thời rà soát các DA chậm triển khai trên toàn tỉnh để lên danh sách mời gọi đầu tư đáp ứng đủ năng lực thực hiện.
Bên cạnh đó, phải công khai đầy đủ thông tin về diện tích, vị trí, chứng chỉ quy hoạch, chính sách ưu đãi thu hút cho nhà đầu tư khi thực hiện DA. Với những nhà đầu tư có năng lực, chính quyền cũng cần hỗ trợ tối đa trong công tác đền bù, giải phóng mặt bằng để có đất sạch cho nhà đầu tư thực hiện DA.
Với những DA chậm triển khai nhưng có thể giãn tiến độ, UBND tỉnh BR-VT đưa ra giải pháp, khi thực hiện thủ tục gia hạn, nhà đầu tư phải thực hiện ký quỹ theo quy định để chứng minh năng lực triển khai thực hiện DA và phải đóng tiền thuê đất 2 năm.
Các ban ngành liên quan phải tích cực phối hợp với nhà đầu tư đẩy nhanh tiến độ bồi thường giải phóng mặt bằng để tránh ảnh hưởng đến cuộc sống của người dân trong vùng DA.
Ông Võ Thành Long, Phó Chủ tịch UBND tỉnh BR-VT, cho biết, tỉnh kiên quyết không cho phép giãn tiến độ đối với các DA mà nhà đầu tư không chứng minh được khả năng triển khai. Phải trả lại đất cho người dân khi không còn quy hoạch.
Tỉnh cũng vừa thành lập Ban điều hành thực hiện phương án xử lý các DA chậm triển khai để sắp xếp các DA phải thu hồi và DA được giãn tiến độ thực hiện.