Hơn một trăm doanh nghiệp Singapore đã đến Hà Nội để tham dự tham dự Diễn đàn Doanh nghiệp Việt Nam-Singapore 2011 tổ chức từ ngày 30/11-2/12.
Phóng viên Vietnam+ đã có cuộc trao đổi với ông Raymond Lui, Giám đốc Trung tâm Cục Phát triển Doanh nghiệp quốc tế Singapore tại Hà Nội (IE Singapore) về mối quan tâm đầu tư của các doanh nghiệp Singapore tại Việt Nam.

Ông đánh giá như thế nào về quan hệ hợp tác thương mại, đầu tư của Singapore vào Việt Nam trong thời gian qua?


Ông Raymond Lui:
Trong nhiều năm qua, các doanh nghiệp Singapore đã chứng tỏ là những đối tác kinh doanh trung thành tại thị trường Việt Nam. Họ đầu tư bền vững và tiếp tục mở rộng hoạt động kinh doanh tại Việt Nam.

Việt Nam có lực lượng lao động mạnh xấp xỉ với Singapore (khoảng 46 triệu người) và đang hướng đến nền kinh tế thị trường. Đây là những yếu tố khuyến khích các công ty của Singapore đầu tư vào thị trường này. Các mối quan hệ hợp tác kinh tế mạnh mẽ đã minh chứng cho sự phát triển về thương mại và đầu tư giữa hai nước.


Hiện nay, Singapore là đối tác thương mại lớn thứ 5 của Việt Nam. Thương mại song phương giữa hai nước đã tăng gấp bốn lần kể từ năm 2000, đạt 10,1 tỷ USD trong năm 2010.


Singapore là một trong những nhà đầu tư nước ngoài lớn nhất tại Việt Nam với 945 dự án, đầu tư tích lũy gần 23 tỷ USD.


Mối quan hệ hợp tác thương mại và đầu tư giữa hai nước đã phát triển với các dự án đang hoạt động mạnh mẽ tại Việt Nam. Chúng tôi nhận thấy các lợi ích kinh doanh của các doanh nghiệp Singapore tại Việt Nam và tiếp tục tìm kiếm các cơ hội hợp tác khác.


Ông có thể cho biết những ví dụ điển hình cho sự tăng trưởng trong quan hệ hợp tác đầu tư giữa hai nước?


Ông Raymond Lui:
Một nhân tố quan trọng giúp xây dựng lòng tin cho các nhà đầu tư nước ngoài tại Việt Nam chắc chắn là việc thực hiện các chính sách. Trên bình diện rộng, Chính phủ Việt Nam đã có những bước đi cụ thể để tạo ra một môi trường kinh doanh cởi mở đón tiếp các nhà đầu tư nước ngoài. Đây là một động thái đáng khích lệ và rất quan trọng khi Việt Nam chuyển đổi sang nền kinh tế thị trường.

Tập đoàn Sembcorp là một trong số những ví dụ điển hình cho sự thành công của các công ty Singapore tại Việt Nam, với sự hỗ trợ mạnh mẽ từ Chính phủ Việt Nam và cộng đồng địa phương.


Tập đoàn Sembcorp đã thành lập Khu công nghiệp Việt Nam – Singapore (VSIP) đầu tiên tại Bình Dương vào năm 1996 và đến nay đã phát triển được 4 VSIPs bao gồm 2 ở Bình Dương, 1 ở Bắc Ninh và 1 ở Hải Phòng. Sự hợp tác chặt chẽ này đã tạo sự thúc đẩy mạnh mẽ cho nền kinh tế địa phương. Bốn VSIPs thu hút được 440 khách hàng với 4 tỷ USD đầu tư và tạo ra hơn 100.000 việc làm cho kinh tế địa phương.


Mối quan hệ giữa hai bên đã được thúc đẩy, khẳng định bằng những thỏa thuận hợp tác giữa các tập đoàn, công ty. Trong thời gian gần đây hai nước đã chứng kiến một số lễ ký kết lớn. Trong tháng 9/2011, Tập đoàn Sembcorp đã ký một biên bản ghi nhớ với Ủy ban nhân dân tỉnh Quảng Ngãi tiến hành một nghiên cứu khả thi xây dựng Khu công nghiệp Việt Nam-Singapore thứ 5 tại Khu kinh tế Dung Quất. Đây là đột phá đầu tiên của Tập đoàn Sembcorp vào khu vực miền Trung Việt Nam.


Trước đó, vào tháng 5/2011, CapitaValue Homes - một công ty con của CapitaLand của Singapore đã ký hiệp định liên doanh với Công ty Bất động sản Khang Điền Sài Gòn để xây dựng 974 ngôi nhà tại Thành phố Hồ Chí Minh với tổng vốn đầu tư khoảng 70 triệu USD.


Bên cạnh đó cũng phải kể đến chuỗi siêu thị NTUC Fairprice của Singapore cũng liên doanh với Saigon Co-op vào cuối năm 2010 để thiết lập một chuỗi các đại siêu thị tại Việt Nam, dự kiến năm 2012 sẽ đi vào hoạt động.


Theo ông, đâu là lý do hấp dẫn các nhà đầu tư Singapore vào Việt Nam và lĩnh vực nào quyết định xu hướng hợp tác giữa hai nước?


Ông Raymond Lui:
Các triển vọng kinh tế toàn cầu trong ngắn hạn vẫn còn chưa chắc chắn. Một suy thoái ở Mỹ sẽ tiếp tục làm nản chí phục hồi kinh tế toàn cầu và các nhà lãnh đạo châu Âu đang áp dụng các biện pháp để giải quyết cuộc khủng hoảng nợ của họ.

Chúng tôi nhất trí với Chính phủ Việt Nam rằng Việt Nam cần thu hút các nhà đầu tư cam kết trong thời gian dài, có thể đóng góp chuyên môn toàn cầu và có đủ nguồn lực tài chính.


Cũng như Việt Nam và khu vực tư nhân mở ra để đầu tư nước ngoài, các công ty Singapore có thể hợp tác với các công ty Việt Nam vì nhu cầu tăng trưởng của họ. Các khu vực hai bên có thể hợp tác bao gồm các giải pháp đô thị và cơ sở hạ tầng, bất động sản, tài chính, thương mại dịch vụ và tiêu thụ…


IE Singapore hy vọng sẽ đạt được gì từ Diễn đàn Doanh nghiệp Singapore Việt Nam 2011?


Ông Raymond Lui:
Theo chủ đề chung của Diễn đàn, chúng tôi hy vọng sẽ làm sâu sắc thêm mối quan hệ thương mại và đầu tư giữa các doanh nghiệp Singapore và doanh nghiệp Việt Nam.

Chính phủ Việt Nam đã có những bước đi đúng hướng để thúc đẩy khu vực tư nhân tham gia nhiều hơn vào nền kinh tế. Điều này bao gồm chào đón các nhà đầu tư nước ngoài vào Việt Nam. Trong chuyến thăm Singapore gần đây, Chủ tịch Trương Tấn Sang đã nhắc lại thông điệp này khi ông gặp gỡ cộng đồng doanh nghiệp Singapore.


Điều này đã mở ra cánh cửa cho các công ty Singapore cân nhắc kỹ lưỡng hơn sự bắt tay hợp tác với đối tác Việt Nam. Chúng tôi hy vọng làm cho các công ty Việt Nam thấy rõ khả năng và giá trị mà các công ty Singapore có thể mang lại cho họ trong công cuộc kinh doanh.


Thông qua Diễn đàn này, chúng tôi cũng muốn nâng cao nhận thức trong cộng đồng doanh nghiệp Việt Nam về lĩnh vực thương mại và tài chính Singapore cung cấp. Có một cơ hội cho các doanh nghiệp Việt Nam để tận dụng vị trí của Singapore như một đối tác thương mại và tài chính lớn ở châu Á, có khả năng kết nối vững mạnh về tài chính.


Xin cảm ơn ông và chúc Diễn đàn thành công tốt đẹp!
Theo Minh Thúy (Vietnam+)
  • Facebook
  • Chia sẻ
  •   Lưu tin
  •   Báo cáo

    Báo cáo vi phạm
     
 
Mọi ý kiến đóng góp cũng như thắc mắc liên quan đến thị trường bất động sản xin gửi về địa chỉ email: [email protected]; Đường dây nóng: 0942.825.711.