01/10/2013 7:52 AM
Trước áp lực dòng tiền trả nợ và khả năng hoạt động, nhiều doanh nghiệp niêm yết đã chấp nhận thanh lý tài sản với giá thấp.

Động thái tuyên bố bán các nhà máy thủy điện, khoáng sản của CTCP Hoàng Anh Gia Lai mới đây đã gây không ít ồn ào trên thị trường. Tuy nhiên, việc bầu Đức chấp nhận rút lui sớm ở nhiều mảng hoạt động thất bại được đánh giá là tố chất quan trọng của người lãnh đạo.

Tuần qua, HĐQT CTCP Đá ốp lát Vinaconex (Vicostone) đã quyết định phê duyệt 3 đối tác nhận chuyển nhượng 9 triệu cổ phần đang sở hữu tại CTCP Bất động sản Tân Phước, với giá 10.000 đồng/CP. Trong đó, có 2 nhà đầu tư cá nhân và 1 tổ chức là CTCP Xây dựng số 5. Đây là những cổ đông hiện hữu trong DN, họ muốn tăng tỷ lệ sở hữu tại Bất động sản Tân Phước với Dự án Khu dân cư Tân Phước đang thực hiện. Việc thoái vốn được thực hiện rất quyết liệt, bởi trước đó, Vicostone từng đưa ra mức giá bán 15.000 đồng/CP tại Bất động sản Tân Phước. Chấp nhận giảm giá bán xuống 10.000 đồng/CP, thương vụ mới có cơ sở thành công.

COMA 18 đã bán khu đất xây dựng Dự án VP6 Linh Đàm cho Tập đoàn Mường Thanh với giá 12 tỷ đồng

Ngoài thoái vốn khỏi lĩnh vực bất động sản, Vicostone cũng quyết định thoái vốn tại CTCP Đầu tư và Khoáng sản Vico (Vicostone Mine), tỷ lệ sở hữu là 90%. Hiện Công ty đã gút lại danh sách đối tác và đang đàm phán các điều kiện để có thể chốt hợp đồng chuyển nhượng ngay đầu tháng 10.

Theo thông tin ĐTCK có được, một cổ đông tổ chức của Eximbank đang có kế hoạch bán hơn 10 triệu cổ phần của Ngân hàng. Số lượng cổ phần chỉ chiếm khoảng 1% vốn điều lệ Eximbank, đây cũng là chứng khoán có tính thanh khoản cao trên sàn, vì thế việc thoái vốn có lẽ không quá khó khăn. Tuy nhiên, sau thời gian dài gắn bó với Ngân hàng, đầu tư có lãi, lựa chọn phương án “chia tay” đồng nghĩa với giảm quy mô tài sản và ở góc độ nào đó là giảm cả vị thế của doanh nghiệp là việc không mấy dễ chịu với cổ đông. Đổi lại, DN có thể giảm gần như toàn bộ nợ ngân hàng.

Trong khi những DN trên chủ động bán bớt tài sản để giảm nợ, thị trường cũng có nhiều DN buộc phải bán bớt tài sản để có tiền mặt duy trì hoạt động và tập trung cho một vài dự án chính. Với những DN này, việc chấp nhận bán rẻ tài sản là cách làm cực chẳng đã. Chẳng hạn, Coma 18 đã bán Dự án VP6 Linh Đàm cho Tập đoàn Mường Thanh. Khu đất có diện tích 2.000 m2, giá 12 tỷ đồng, đã có quy hoạch 1/500 xây dựng chung cư 25 tầng. Theo một đại diện của Tập đoàn Mường Thanh, với vị trí của Dự án, mức giá như vậy khá dễ chịu, tất nhiên bên mua cũng phải bỏ thêm một số chi phí không tên khác.

Tương tự, Công ty Vinaconex ITC đã hạ giá bán Khách sạn Holiday View (Hải Phòng) vài lần, hiện xuống dưới 60 tỷ đồng nhằm có tiền trang trải hoạt động và trả cổ tức cho cổ đông còn nợ từ năm 2010.

Ông Nguyễn Thanh Tùng, Phó tổng giám đốc Hãng Kiểm toán AASC cho biết, dù lãi suất ngân hàng đã giảm, song vẫn ở mức cao so với sức chịu đựng của các DN, trong đó môi trường kinh doanh đối với các DN thương mại, xây dựng hiện đang khó khăn hơn rất nhiều. Việc DN bán tài sản nhằm giảm nợ và cơ cấu lại hoạt động không phải hiện tượng hiếm. Thị trường mua bán tài sản dự báo sẽ sôi động trong thời gian tới, trước hết tập trung ở lĩnh vực mua bán nợ xấu của các ngân hàng. Tỷ trọng rất lớn trong đó là bất động sản và tỷ lệ giao dịch lý tưởng được giới chuyên môn đưa ra là 10:3, tức là 10 đồng nợ thì bán được 3 đồng. Ngoài ra, không ít DN có kế hoạch thoái vốn ở công ty con đang thực hiện bơm vốn hoặc tham gia điều hành mạnh hơn để cải thiện hoạt động của công ty con. Khi đối tượng nhắm bán có lãi hoặc có trong tay một hai dự án khả thi, việc thoái vốn sẽ đơn giản và được giá hơn.

Theo ông Volker Becker, Giám đốc Dự án ngân hàng đầu tư CTCK Bản Việt, 70% đối tượng được điều tra trong cuộc khảo sát về M&A 2013 cho rằng, kỳ vọng của bên bán quá cao là trở ngại lớn nhất trong các thương vụ, hoặc hai bên có những quan điểm khác nhau về mục tiêu cần đạt được. Những diễn biến mới trên thị trường gần đây cho thấy, “sớm còn hơn…”, bên bán dường như đã lùi một bước để thực hiện được kế hoạch.

Anh Việt (Đầu tư chứng khoán)
  • Facebook
  • Chia sẻ
  •   Lưu tin
  •   Báo cáo

    Báo cáo vi phạm
     
Mọi ý kiến đóng góp cũng như thắc mắc liên quan đến thị trường bất động sản xin gửi về địa chỉ email: [email protected]; Đường dây nóng: 0942.825.711.
CafeLand.vn là Network bất động sản hàng đầu tại Việt Nam và duy nhất chuyên về bất động sản. Cập nhật thực trạng thị trường bất động sản hiện nay, cung cấp cho các độc giả những thông tin chính xác và những góc nhìn phân tích nhận định về thị trường bất động sản từ các chuyên gia trong ngành. Ngoài ra, CafeLand còn cung cấp cho độc giả tất cả các thông tin về sự kiên, dự án, các xu hướng phong thủy, nhà ở để các bạn có cái nhìn tổng quan hơn về thông tin mua bán nhà đất tại Việt Nam.