21/07/2011 4:01 PM
Tín dụng chảy vào bất động sản (BĐS) dường như đang đứng im, nhiều doanh nghiệp đầu tư BĐS có nguy cơ rơi vào tình trạng đình trệ dự án vì thiếu vốn và đối diện nguy cơ bị khách hàng kiện tụng. Trong bối cảnh khó khăn chung, sự liên kết giữa các DN BĐS đã mở ra một hướng đi mới nhằm nỗ lực giải cứu tài chính.
DN bất động sản liên kết để vượt khó
Các DN BĐS hiện nay cần hợp tác với nhau cùng vượt khó.

Hợp tác giữa các DN

Với lãi suất cao ngất ngưởng, các doanh nghiệp BĐS không thể trông chờ vào nguồn vốn từ ngân hàng, để có thể tiếp tục triển khai dự án, nhiều chủ dự án phải chiếm dụng vốn từ chính nhà thầu bằng những thỏa thuận đổi căn hộ để lấy gạch, xi măng, sắt thép, vật liệu xây dựng…

Hồi giữa tháng 4, tại Hà Nội, CEO Group đã tổ chức Lễ ký kết hợp đồng với đại diện các Nhà thầu cung cấp vật tư cho Dự án Sunny Garden City, hạng mục biệt thự. Tổng quy mô diện tích dự án 24,4 ha, trong đó hạng mục biệt thự sẽ có 330 ô biệt thự cao cấp.

Với mục đích cung cấp ra thị trường những sản phẩm BĐS cao cấp, chất lượng, CEO Group đã lựa chọn những nhà thầu có thương hiệu như: cửa nhựa lõi thép Eurowindow, sơn Aknozobel, ngói phẳng CPAC Moniter và cửa cuốn Autsdoor để hoàn thiện dự án.

Tiếp theo đó là việc tập đoàn Hà Đô ký thỏa thuận hợp tác toàn diện với Ngân hàng thương mại cổ phần quân đội MB bank. Theo đó, việc hợp tác này đã giúp tập đoàn Hà Đô thuận lợi hơn trong việc phát triển các dự án BĐS của mình và những khách hàng của tập đoàn Hà Đô sẽ có được sự ưu đãi với việc tiếp cận vốn vay từ ngân hàng MB bank.

Mới đây nhất là hợp đồng ký kết giữa Công ty Eurowindow và Công ty CP Đầu tư đô thị An Hưng . Theo thỏa thuận, Eurowindow sẽ cung cấp hệ thống cửa sổ, cửa đi và vách ngăn cho 600 biệt thự KĐT An Hưng với tổng giá trị 98 tỷ đồng, thi công vách nhôm kích dự án Vietcombank Tower. Eurowindow sẽ thi công hạng mục này trong thời gian 08 tháng kể từ tháng 7/2011.

Một số doanh nghiệp khác thì tìm cách liên kết với các ngân hàng thương mại để tài trợ cho vay mua nhà cho người tiêu dùng với mức lãi suất chỉ là 0%/năm cho năm đầu tiên hoặc một số ngân hàng hợp tác với chủ đầu tư để chủ đầu tư trả hộ khách hàng một phần lãi suất. Một “ưu đãi” không tưởng so với mức lãi suất cho vay tiêu dùng tương đối cạnh tranh ở một vài ngân hàng khác hiện nay khoảng 18 - 20%/năm.

Đây thực chất cũng chỉ là “chiêu” để doanh nghiệp vừa huy động được vốn, vừa để doanh nghiệp chia sẻ khó khăn với người có nhu cầu nhà ở thực sự. Còn về lâu dài, để giảm phụ thuộc vào nguồn tín dụng của ngân hàng, theo ý kiến của doanh nghiệp là nên sớm hình thành ngân hàng đầu tư, ngân hàng phát triển độc lập trong ngân hàng thương mại hoặc liên kết với ngân hàng thương mại để bảo lãnh phát hành hay trực tiếp phát hành trái phiếu, chứng chỉ BĐS hoặc chứng khoán hóa nguồn vốn cho thị trường.

Đổi đất lấy hạ tầng

Để gỡ khó cho DN, nhiều chuyên gia BĐS cho rằng mô hình đổi đất lấy hạ tầng là một trong những giải pháp hữu hiệu gỡ khó cho doanh nghiệp. Mô hình không quá mới và hiện được áp dụng một cách khá rộng rãi tại hầu hết các tỉnh, thành phố của nước ta.

Hiểu đơn giản, mô hình này là việc chủ đầu tư cấp kinh phí xây dựng cơ sở hạ tầng do nhà nước yêu cầu như đường sá, cầu cống, trạm thủy điện, hệ thống tưới tiêu… Sau khi hoàn thành cơ sở hạ tầng, nhà nước cấp một diện tích đất có giá trị tương đương với cơ sở hạ tầng đó cho chủ đầu tư vì mục đích thương mại. Đây là một mô hình năng động – xét về lợi ích cuối cùng thì nhà đầu tư có được quỹ đất mà mình mong muốn, trong khi đó, nhà nước có được hạ tầng cơ sở để thực hiện được các mục tiêu phát triển xã hội mà không phải bỏ vốn đầu tư và thực hiện thi công công trình. Như vậy, DN sẽ tận dụng được nguồn vốn từ khâu giải tỏa mặt bằng, thủ tục hành chính sẽ bớt rườm rà hơn, tiết kiệm chi phí và thời gian cho nhà đầu tư.

Tuy nhiên, mô hình này cũng cho thấy nhiều tiêu cực có thể sẽ xảy ra. Việc đổi đất lấy hạ tầng tràn lan khiến cho nông dân mất đất canh tác, qui hoạch tại nhiều thành phố mất cân đối. Mặt khác, điều dễ nhận thấy, cơ chế này rất dễ dẫn đến tham nhũng, tiêu cực do cách thức thẩm định giá đất, gây thất thoát lớn cho ngân sách nhà nước. Vấn đề đặt ra là các cơ quan nhà nước cần phải xây dựng được khung pháp lý đầy đủ và hợp lý để tận dụng được những lợi ích từ mô hình này, hạn chế những bất cập mà nó có thể gây ra.
Theo Thảo Nguyên (Tamnhin)
  • Facebook
  • Chia sẻ
  •   Lưu tin
  •   Báo cáo

    Báo cáo vi phạm
     
Mọi ý kiến đóng góp cũng như thắc mắc liên quan đến thị trường bất động sản xin gửi về địa chỉ email: [email protected]; Đường dây nóng: 0942.825.711.
CafeLand.vn là Network bất động sản hàng đầu tại Việt Nam và duy nhất chuyên về bất động sản. Cập nhật thực trạng thị trường bất động sản hiện nay, cung cấp cho các độc giả những thông tin chính xác và những góc nhìn phân tích nhận định về thị trường bất động sản từ các chuyên gia trong ngành. Ngoài ra, CafeLand còn cung cấp cho độc giả tất cả các thông tin về sự kiên, dự án, các xu hướng phong thủy, nhà ở để các bạn có cái nhìn tổng quan hơn về thông tin mua bán nhà đất tại Việt Nam.