29/05/2019 2:08 PM
CafeLand - Thảo luận về công tác quản lý, sử dụng đất đai, nhiều đại biểu Quốc hội cho rằng, việc định giá đất của Nhà nước thấp hơn giá thị trường. Đặc biệt, việc lựa chọn nhà đầu tư dự án theo hình thức chỉ định thầu, không qua đấu giá là nguyên nhân chính khiến tình hình khiếu nại, tố cáo và tranh chấp đất đai diễn biến phức tạp, gây thiệt hại cho người dân và thất thu ngân sách.

Việc định giá đất hiện nay chưa sát với giá thị trường gây thiệt hại cho người dân.

Vừa đá bóng vừa thổi còi”

Đại biểu Đinh Duy Vượt (Gia Lai) lo ngại nhóm lợi ích cùng cộng sinh với các quan chức có thẩm quyền lợi dụng cơ chế pháp luật chưa đồng bộ, chỉ thích chọn phương án chỉ định chủ đầu tư dự án có sử dụng đất thay cho đấu giá quyền sử dụng đất.

Bên cạnh đó, có tình trạng lợi dụng cơ chế vừa đá bóng vừa thổi còi trong định giá đất. Có nơi định giá đất “rẻ như bèo” để cổ phần hóa doanh nghiệp. Ưu đãi về đất không chỉ doanh nghiêp mà cả các cơ sở sự nghiệp như giáo dục, y tế, các cơ sở tín ngưỡng, tôn giáo, làm thiệt hại lớn đến lợi ích nhà nước, nhân dân tác động tiêu cực không nhỏ đến các doanh nghiệp làm ăn chân chính.

“Chính phủ phải kịp thời bịt lỗ hổng này như kiến nghị của đoàn giám sát. Đó là thu hẹp đối tượng được giao đất, mở rộng đối tượng cho thuê đất. Thực hiện giao đất, cho thuê đất chủ yếu thông qua đấu giá có chế tài xử lý nghiêm, dứt điểm các trường hợp sử dụng đất lãng phí, không đúng mục đích. Quan trọng hơn cả là phải thu hồi tài nguyên đặc biệt này để chọn mặt gửi vàng chứ không phải giao trứng cho ác, không ngoại trừ chuyển nhượng cho người nước ngoài, luồn lách mà doanh nghiệp vẫn đứng tên”, vị đại biểu này đề nghị.

Hầu hết dự án BT lựa chọn chỉ định thầu

Đại biểu Hoàng Quang Hàm (Phú Thọ) cho biết, hiện nay chính sách để thực hiện dự án đầu tư xây dựng công trình theo hình thức BT còn nhiều bất cập. Chẳng hạn như việc xác định giá quyền sử dụng đất của quỹ đất thanh toán cho nhà đầu tư còn chưa rõ ràng về phương pháp, thời điểm xác định. Hầu hết các dự án BT thực hiện chỉ định thầu hoặc thanh toán cho nhà thầu theo hình thức giao đất là những kẽ hở gây thất thoát lãng phí.

Theo ông Hàm, trong điều kiện ngân sách hạn hẹp thì kêu gọi bằng hình thức BT là cần thiết, nhưng hiện nay chưa có luật đầu tư theo hình thức đối tác công tư, Chính phủ cũng chưa ban hành được nghị định hướng dẫn sử dụng tài sản công để thanh toán cho nhà đầu tư thực hiện BT. Việc thiếu hụt chính sách như vậy dẫn đến khó quản lý và ảnh hưởng đến kêu gọi đầu tư nên cần nghiên cứu, hoàn thiện ngay.

Ông Hàm đề nghị đối với các sai phạm phát hiện qua thanh tra, ngoài xử lý nghiêm công chức cơ quan nhà nước vi phạm cũng cần phải xử lý tương xứng đối với doanh nghiệp, các chủ đầu tư.

“Vì sai phạm không thể xảy ra nếu như không có sự tham gia của doanh nghiệp, chủ đầu tư không thể vỗ tay bằng một bàn tay. Sai phạm xảy ra ngoài trách nhiệm vi phạm của công chức cơ quan nhà nước cũng có trách nhiệm của doanh nghiệp, chủ đầu tư, vì vậy cũng cần phải xử lý nghiêm”, ông Hàm đề nghị.

Định giá đất không sát giá thị trường

Theo đại biểu Phạm Văn Hòa (Đồng Tháp), hiện nay, việc xác định giá đất còn vướng mắc ở khâu áp dụng các phương pháp định giá đất. Giá đất xác định không phù hợp giá thị trường gây thất thoát nguồn thu cho ngân sách.

Cũng theo ông Hoà, tại nhiều địa phương, giá đất do UBND cấp tỉnh quyết định không phù hợp với giá đất thực tế giao dịch trên thị trường. Người sử dụng đất không biết được giá đất, cơ quan chịu trách nhiệm giá đất không có bộ phận thẩm định chuyên nghiệp, các đơn vị thẩm định giá đất chưa đáp ứng được yêu cầu.

Bên cạnh đó, nguồn thu từ đất đai chưa đảm bảo bền vững, chủ yếu thu từ các hình thức giao đất, thu tiền sử dụng đất, cho thuê đất, tiền sử dụng đất một lần và cho cả thời gian thuê trong khi giá đất thấp và không kịp điều chỉnh. Việc thực hiện công tác bồi thường và tái định cư cho một số dự án còn chậm, tình hình khiếu nại, tố cáo và tranh chấp đất đai vẫn còn diễn biến phức tạp.

Trước những bất cập đó, vị đại biểu này đề nghị Chính phủ thực hiện nghiêm, công khai, minh bạch việc giao đất, cho thuê đất để thực hiện dự án kinh tế xã hội thông qua đấu giá quyền sử dụng đất, đấu thầu dự án có sử dụng đất có cơ chế phân bổ đất đai trong quy hoạch.

Ngoài ra, cần có cơ chế kiểm soát chặt chẽ, khắc phục tình trạng đầu cơ đất đai thông qua chính sách thuế bất động sản theo hướng người sử dụng diện tích đất nhiều nhà ở, nhiều đất, đất bỏ hoang, đất đã giao, đất cho thuê nhưng chậm đưa vào sử dụng, xây dựng phải chịu mức thuế cao phù hợp với thị trường, phòng ngừa lợi dụng chính sách đất đai để nâng giá bất động sản.

Về cơ chế chính sách giá đất, tài chính về đất đai, cần chỉ đạo các cơ quan xác định cơ chế giá đất và thực hiện nghĩa vụ tài chính đất đai theo hướng minh bạch. Nhà nước ban hành khung pháp lý về giá đất, trong đó hoàn thiện bảng giá đất với các hệ số phù hợp được công bố công khai làm cơ sở thực hiện đấu giá nghiêm túc khi Nhà nước thu hồi đất. Các cơ quan quản lý cần xây dựng cơ chế giá đất để bồi thường khi thu hồi đất.

Đồng quan điểm, đại biểu Hoàng Quang Hàm cho rằng, giá đất để tính tiền bồi thường cho người có đất bị thu hồi và tính tiền sử dụng đất, cho thuê đất hiện nay rất bất cập, không sát với thị trường làm thiệt hại cho người dân, gây bức xúc khiếu kiện, thất thu ngân sách.

Theo ông Hàm, Chính phủ cần theo sát diễn biến của thị trường để điều chỉnh khung giá đất, kịp thời chấm dứt tình trạng có khu vực đã áp mức giá tối đa của Chính phủ nhưng vẫn thấp hơn nhiều so với thị trường.

Ông Hàm cho rằng, nếu không xác định được giá đất thị trường thì không thể chấm dứt được tình trạng khiếu kiện, mất an ninh trật tự xã hội và thất thoát nguồn thu từ đất đai. Ông đề nghị Chính phủ cần rà soát lại các dự án treo, quy hoạch không thực hiện để xử lý dứt điểm nhằm đảm bảo quyền lợi cho người dân.

Đối với các vùng đất quy hoạch lâu dài chưa thực hiện ngay, cần di dời người dân để tạo quỹ đất sạch hoặc có chính sách đảm bảo quyền lợi cho người dân về sửa chữa, cải tạo, tách hộ. Đây cũng là vấn đề rất bức xúc liên quan đến quy hoạch đất từ Trung ương đến địa phương. Người dân ở vùng đất quy hoạch này không an cư được, thậm chí mua bán chuyển nhượng nhà cũng khó khăn, mất giá.

Ông lấy ví dụ có những dự án như khu Bình Qưới - Thanh Đa (TP.HCM) liên quan đến gần 4.000 hộ dân gần 15.000 nhân khẩu có chủ trương quy hoạch từ năm 1992 đến nay đã 27 năm chưa thực hiện.

Việc đề xuất giá đất phải do tổ chức độc lập thực hiện

Trên thực tế, khung giá đất của Chính phủ và bảng giá đất UBND cấp tỉnh chủ yếu sử dụng để tính thuế, phí đất đai. Theo quy định của Luật Đất đai, việc xác định giá đất cụ thể dựa trên cơ sở điều tra, thông tin thửa đất, giá đất thị trường và thông tin giá đất trong cơ sở dữ liệu đất đai.

Liên quan đến giá đất thị trường, các loại thuế được tính theo bảng giá đất do UBND cấp tỉnh ban hành không căn cứ giá trị thực ghi trên hợp đồng giao dịch. Tôi cho rằng việc đề xuất giá đất phải do tổ chức cung cấp giá đất độc lập thực hiện.

ĐBQH Nguyễn Trường Giang (Đăk Nông)

Chủ đề: Các dự án BT, BOT
Tâm An
  • Facebook
  • Chia sẻ
  •   Lưu tin
  •   Báo cáo

    Báo cáo vi phạm
     
Mọi ý kiến đóng góp cũng như thắc mắc liên quan đến thị trường bất động sản xin gửi về địa chỉ email: [email protected]; Đường dây nóng: 0942.825.711.