14/03/2018 10:19 AM
Bụi công trường bay mù mịt, vật liệu xây dựng “nuốt” vỉa hè... được người dân ví von như “đặc sản” của nhiều công trình xây dựng. Được định hình là dạng ô nhiễm nguy hại, nhưng không ít chủ đầu tư bàng quan trong việc bảo vệ môi trường xây dựng. Khi ý thức của DN chưa cao, Bộ Xây dựng đã có động thái quyết liệt “đình chỉ công trình xây dựng nếu có vi phạm vệ sinh môi trường” bằng Thông tư số 02/2018/TTBXD, có hiệu lực từ ngày 1/4/2018.

Theo Thông tư số 02/2018/TTBXD của Bộ Xây dựng, các công trình xây dựng phải đảm bảo an toàn, vệ sinh môi trường. Ảnh: Chiến Công

Bụi dưới đường, vật cản trên vỉa hè

Qua khảo sát của phóng viên Kinh tế & Đô thị tại nhiều tuyến đường tập trung các công trường xây dựng như Lê Văn Lương, Khuất Duy Tiến, Nguyễn Xiển… tình trạng ô nhiễm bụi và tiếng ồn diễn ra khá phổ biến. Vào thời điểm cuối năm 2016, dư luận từng bức xúc trước tình trạng công trình Eco-Green City (Nguyễn Xiển) vi phạm các quy định về an toàn lao động, vệ sinh môi trường.

Đơn vị thi công công trình này tự ý chiếm dụng vỉa hè làm nơi tập kết vật liệu xây dựng, rác thải tự phát. Trước thực trạng trên, đội thanh tra xây dựng huyện Thanh Trì đã xử phạt hành chính lên đến 30 triệu đồng.

Tương tự, ở khu vực đường gom Đại lộ Thăng Long, đoạn chạy qua địa bàn các phường Mễ Trì, Phú Đô (Nam Từ Liêm); các xã An Khánh, Lại Yên, Song Phương, Vân Côn (Hoài Đức)… thường xuyên tồn tại rác thải sinh hoạt, phế thải xây dựng, bùn đất.

Nguyên nhân chính gây nên tình trạng trên xuất phát từ việc các phương tiện chở vật liệu, phế thải xây dựng ở các công trình gần đó chưa thực hiện nghiêm túc quy định của TP về đảm bảo vệ sinh môi trường. Nhiều xe chở vật liệu không được che đậy kín, chở quá trọng tải, chưa thực hiện nghiêm túc việc rửa xe khi ra khỏi công trình. Tình trạng này dẫn đến đường phố bị nhiễm bẩn, bụi bay mù mịt lúc nắng nóng, lầy lội khi trời mưa.

Để khắc phục tình trạng ô nhiễm môi trường tại công trình xây dựng, Bộ Xây dựng đã ban hành Thông tư số 02/2018/TTBXD nhằm “siết” trách nhiệm quản lý, bảo vệ môi trường của chủ đầu tư. Trong đó, yêu cầu các DN phải lập báo cáo đánh giá tác động môi trường, có kế hoạch bảo vệ môi trường hoặc cam kết bảo vệ môi trường theo quy định. Đáng lưu ý, chủ đầu tư bị đình chỉ thi công khi phát hiện nhà thầu vi phạm các quy định về an toàn trong thi công, phát sinh chất thải làm ô nhiễm môi trường khu vực dự án hoặc có nguy cơ xảy ra sự cố môi trường...

Đánh vào tiến độ

Giới chuyên gia nhận định, việc đình chỉ thi công công trình gây ô nhiễm có tính ràng buộc cao để bảo đảm an toàn xây dựng. “Về cơ bản, chủ đầu tư rất sợ dự án bị dừng thi công đột ngột, ảnh hưởng đến tiến độ dự án. Việc chậm tiến độ vì thế làm tăng chi phí, giảm hoặc không còn hiệu quả đầu tư. Các DN do đó buộc phải điều chỉnh tăng tổng mức đầu tư, một mặt gây khó khăn cho công tác cân đối nguồn vốn triển khai các phần tiếp theo của dự án” - chuyên gia kinh tế Nguyễn Minh Phong phân tích.

Một thanh tra xây dựng quận Thanh Xuân chia sẻ, nếu chỉ lập biên bản, xử phạt vi phạm hành chính về hành vi này, chủ đầu tư vẫn không sợ do mức phạt không đáng kể. Chủ đầu tư sẵn sàng nộp phạt vài chục triệu đồng để tiếp tục thi công.

Do vậy, khi quy định của pháp luật cho phép áp dụng các biện pháp đình chỉ thi công đối với các trường hợp này, thực hiện kiên quyết không cho vận chuyển nguyên vật liệu cũng như công nhân vào thi công thì chủ đầu tư mới hợp tác áp dụng các quy định về che chắn công trường, gột rửa phương tiện thi công ra vào…

Trong khi đó, theo GS.TSKH Đặng Hùng Võ, quan trọng nhất vẫn là ý thức trách nhiệm của mỗi DN bất động sản. “Tại Nhật Bản, công trường thi công được bao lại hoàn toàn, không hề có cát bụi bay ra ngoài. Thậm chí, vật liệu bao quanh công trường còn có thể cách âm và công nhân xây dựng ra, vào công trường cũng đều phải thay giày, không mang đất cát ra bên ngoài.

Đặc biệt, xe chở vật liệu trước khi chạy vào đường phố được rửa một cách cẩn thận sạch sẽ mới được phép di chuyển. Đa phần các DN xây dựng ở đây đều tự giác tuân thủ nghiêm ngặt các tiêu chuẩn phát thải chất thải, kiểm soát ô nhiễm. Ở bất cứ quốc gia nào cũng có chế tài nhất định để kiểm soát môi trường xây dựng. Tuy nhiên, đạt được hiệu quả hay không, then chốt vẫn là yếu tố con người” - ông Đặng Hùng Võ nhấn mạnh.

Nghiên cứu của Bộ TN&MT chỉ rõ, chất lượng môi trường nói chung và Hà Nội nói riêng đã và đang giảm sút nghiêm trọng, trong đó có nguyên nhân từ hoạt động xây dựng. Mỗi năm môi trường không khí TP phải tiếp nhận khoảng 80.000 tấn bụi khói, 9.000 tấn khí SO2, 19.000 tấn khí NO2, 46.000 tấn khí CO2.

Trong đó, quá trình phá dỡ, đào, san lấp, vận chuyển vật tư và tập trung nhiều thiết bị thi công có sử dụng động cơ diezen công suất cao đã phát thải khí độc hại như SO2, NOx, CO… làm ảnh hưởng tới sức khỏe của người dân trên sống quanh khu vực thi công.

Gia Tuấn (KT&ĐT)
  • Facebook
  • Chia sẻ
  •   Lưu tin
  •   Báo cáo

    Báo cáo vi phạm
     
Mọi ý kiến đóng góp cũng như thắc mắc liên quan đến thị trường bất động sản xin gửi về địa chỉ email: [email protected]; Đường dây nóng: 0942.825.711.