Bộ trưởng Bộ Công thương Vũ Huy Hoàng vừa có quyết định điều tra áp dụng biện pháp tự vệ đối với sản phẩm phôi thép và thép dài (thép cây, thép cuộn) nhập vào VN trên phạm vi toàn cầu.
Ngành thép trong nước bị thép ngoại cạnh tranh không lành mạnh suốt thời gian dài. Trong ảnh: một điểm kinh doanh thép ở quận Bình Thạnh (TP.HCM) - Ảnh: Thanh Đạm
Quyết định đưa ra trong bối cảnh ngành thép trong nước “ngộp thở” vì thép ngoại, chủ yếu nhập từ Trung Quốc.
Đây cũng là sản phẩm thứ tư sau kính nổi, dầu thực vật, bột ngọt được Bộ Công thương tiến hành điều tra biện pháp tự vệ (một trong những biện pháp được áp dụng ở lĩnh vực phòng vệ thương mại) kể từ năm 2009 đến nay.
“Thoi thóp” 
vì thép nhập khẩu
Ngay khi nhận được thông tin trên, ông Nguyễn Văn Sưa, phó chủ tịch Hiệp hội Thép VN (VSA), khẳng định “không bất ngờ” bởi tình trạng sản phẩm thép nhập khẩu tăng đột biến đã được các thành viên trong VSA lên tiếng nhiều lần thời gian qua.
“Chúng tôi bức xúc vì sản phẩm nhập khẩu đã cạnh tranh không lành mạnh khiến thị trường bị méo mó, chứ không phải muốn được Nhà nước bảo hộ hay bảo bọc gì cả. Nếu kéo dài sẽ đe dọa hết sức nghiêm trọng đến hoạt động sản xuất thép trong nước” - ông Sưa bày tỏ.
Theo Cục Quản lý cạnh tranh (VCA - Bộ Công thương), quyết định điều tra được thực hiện trên cơ sở hồ sơ yêu cầu áp dụng biện pháp tự vệ đối với sản phẩm phôi thép và thép dài nhập khẩu vào VN của nhóm doanh nghiệp: Công ty cổ phần thép Hòa Phát, Công ty TNHH MTV Thép Miền Nam, Công ty CP Gang thép Thái Nguyên và Công ty CP Thép Việt Ý.
Nhóm doanh nghiệp này hiện chiếm 34,2% tổng sản lượng sản xuất trong nước đối với sản phẩm khởi kiện. Giai đoạn điều tra xác định thiệt hại được tính từ ngày 1-1-2012 đến 30-9-2015.
Trong hồ sơ gửi đến VCA, các doanh nghiệp cáo buộc nếu năm 2012 chỉ có khoảng 468.000 tấn phôi thép được nhập khẩu vào VN thì dự kiến hết năm 2015, con số này đã vọt lên 1,5 triệu tấn. Tương tự, sản phẩm thép dài được nhập khẩu xấp xỉ 389.000 tấn vào năm 2012, nhưng năm 2015 ước tính lên tới hơn 1,12 triệu tấn.
Sản phẩm nhập khẩu tăng vọt khiến thị phần sản xuất phôi thép của các doanh nghiệp trong nước từ mức 100% rơi xuống còn 86% ở thời điểm năm 2015, trong khi sản phẩm nhập khẩu lại tăng đến 230% trong năm 2015. Với sản phẩm thép dài, các doanh nghiệp trong nước giảm còn 98%, còn hàng nhập khẩu vọt lên 117% trong năm nay.
Ông Nguyễn Văn Sưa nhận định công suất chạy máy của các doanh nghiệp sản xuất phôi thép trong năm qua chỉ còn 40-50%, giảm 20% so với trước đó. Với sản phẩm thép dài, công suất cũng chỉ còn 50-55%, giảm khoảng 10% so với năm trước.
Điều này dẫn đến lượng hàng bán ra của các doanh nghiệp trong nước chỉ tăng khiêm tốn 10-15%, nhưng sản phẩm nhập khẩu lại tiêu thụ tăng vọt đến 150-170%, đẩy các doanh nghiệp vào tình thế tiêu thụ khó khăn hơn.
Lượng phôi, thép dài nhập khẩu theo mã HS bị điều tra tăng vọt qua các năm - Nguồn: nguyên đơn cung cấp - Đồ họa: Mạnh Tánh
Hàng chủ yếu 
từ Trung Quốc
Theo tìm hiểu của chúng tôi, hầu hết mã HS của nhóm sản phẩm bị điều tra đều được nhập khẩu từ Trung Quốc gồm phôi thép vuông, thép cuộn - cây, phôi thép hợp kim và thép cuộn - cây hợp kim. Tổng giá trị nhập khẩu của nhóm sản phẩm này từ Trung Quốc ước trên 1 tỉ USD, trong đó lượng nhập khẩu nhiều nhất đang dồn vào thép cây, thép cuộn hợp kim.
Như đã từng phản ánh, tất cả loại thép có yếu tố “hợp kim” đều được các nhà sản xuất thép Trung Quốc bỏ một lượng cực nhỏ nguyên tố boron hoặc crom vào trong sản phẩm khi sản xuất. Khi “trở thành” thép hợp kim, thuế nhập khẩu vào VN chỉ ở mức 0% và được dùng làm thép xây dựng. Trong khi nếu nhập khẩu thép xây dựng thì thuế nhập khẩu phải là 5%.
Điều này diễn ra tương tự đối với phôi thép: thuế nhập khẩu phôi thép hợp kim là 0%, còn thuế nhập khẩu phôi thép thông thường 9%. Và cả hai loại phôi thép này đều dùng cán thành thép xây dựng.
“Đây là một chiêu lách thuế, bởi hầu hết sản phẩm nhập về đều là “thép hợp kim” nhưng lại bán dùng cho xây dựng. Nếu tính mỗi năm có hơn 1 triệu tấn sản phẩm loại này nhập vào và chênh lệch thuế nhập khẩu 5-9% (tùy loại), tiền thuế nhà nước sẽ thất thu rất lớn. Đó là chưa kể yếu tố giá đang thao túng thép nội địa” - một chuyên gia trong ngành thép đặt vấn đề.
Theo Tổng cục Hải quan, đến hết tháng 11-2015 trong 13,85 triệu tấn sắt thép các loại nhập vào VN, trị giá gần 6,79 tỉ USD thì nhập khẩu từ Trung Quốc đã chiếm đến 61% trong tổng lượng nhập và trên 55% về tổng giá trị nhập khẩu.
Ông Lê Sỹ Giảng, chuyên gia trong lĩnh vực phòng vệ thương mại, cho rằng với những khó khăn mà ngành thép trong nước đang đối mặt, đặc biệt nếu nguyên đơn chứng minh được sản lượng nhập khẩu vào VN thời gian qua ồ ạt nhưng giá trị nhập khẩu thấp bất thường, mức thuế đề nghị áp dụng tạm thời trong thời gian chờ Bộ Công thương điều tra là phù hợp.
“Quyết định khởi kiện tuy muộn nhưng dù sao vẫn còn hơn không làm, cũng là cách chứng minh các doanh nghiệp VN ngày càng bước sâu hơn vào cuộc chơi toàn cầu thông qua các quy định mà luật pháp quốc tế đã đặt ra” - ông Giảng nhận định.
Đề xuất áp thuế 33 - 45%
Nguyên đơn yêu cầu áp dụng biện pháp tự vệ tương đương mức thuế suất 45% đối với phôi thép nhập khẩu, và 33% đối với thép dài được sản xuất từ phôi thép nhập khẩu. Trong khi chờ Bộ Công thương có kết luận chính thức, nguyên đơn đề nghị Bộ Công thương áp các mức thuế nói trên trong thời gian 200 ngày.
Theo quy định, Bộ Công thương có thể ra quyết định áp dụng biện pháp tự vệ tạm thời trước khi kết thúc điều tra, nếu xét thấy việc chậm thi hành các biện pháp tự vệ sẽ gây ra, hoặc đe dọa gây ra, các thiệt hại nghiêm trọng cho ngành sản xuất trong nước và thiệt hại đó khó có thể khắc phục về sau.
3 trụ cột của hệ thống phòng vệ thương mại
Theo Cục Quản lý cạnh tranh, trong thương mại quốc tế các biện pháp chống bán phá giá, chống trợ cấp và tự vệ được coi là ba cột trụ của hệ thống các biện pháp phòng vệ thương mại, được áp dụng để bảo vệ thị trường nội địa trước sự thâm nhập của hàng hóa nước khác.
Việc Bộ Công thương điều tra áp dụng biện pháp tự vệ đối với phôi thép và thép dài nhập khẩu vào VN trên phạm vi toàn cầu căn cứ vào pháp lệnh 42/2002/PL-UBNTVQH ban hành tháng 6-2002 về tự vệ trong nhập khẩu hàng hóa nước ngoài vào VN, cùng nghị định 150/2003/NĐ-CP ban hành tháng 8-2003 quy định chi tiết thi hành pháp lệnh tự vệ trong nhập khẩu hàng hóa nước ngoài vào VN.
Đến nay, Bộ Công thương đã ban hành bốn quyết định điều tra áp dụng biện pháp tự vệ đối với các sản phẩm nhập khẩu gồm: kính nổi, dầu thực vật, bột ngọt và phôi thép - thép dài.
Trong đó ngoài mặt hàng kính nổi nhập khẩu không bị áp thuế, sản phẩm bột ngọt nhập khẩu đang bị điều tra, chỉ duy nhất mặt hàng dầu thực vật nhập khẩu bị áp thuế ở mức 5% cho giai đoạn từ ngày 7-5-2013 đến 6-5-2014. Mức thuế này sẽ giảm dần và chỉ còn 2% vào thời điểm từ ngày 7-5-2016 đến 6-5-2017.
Trần Vũ Nghi (Tuổi trẻ)
  • Facebook
  • Chia sẻ
  •   Lưu tin
  •   Báo cáo

    Báo cáo vi phạm
     
 
Mọi ý kiến đóng góp cũng như thắc mắc liên quan đến thị trường bất động sản xin gửi về địa chỉ email: [email protected]; Đường dây nóng: 0942.825.711.