Đối với các nhà điều hành chính sách tiền tệ, điều hành tỷ giá theo hướng nào, kiểm soát hay thả nổi, không đơn giản chỉ là bài toán cần đi theo định hướng cơ chế thị trường….
Trong thời kì kinh tế hội nhập, các quốc gia phải liên kết và hợp tác với nhau để cùng phát triển. Trong đó hai hoạt động cốt yếu là đầu tư và xuất nhập khẩu đều có tác động và chịu tác động khá mạnh bởi chính sách điều hành tỷ giá của quốc gia. Những nước phát triển có nền kinh tế hội nhập sâu như Mỹ, Châu Âu và Nhật, việc điều hành tỷ giá không chỉ theo ý định chủ quan của chính phủ, mà còn căn cứ mối quan hệ kinh tế với các quốc gia khác, cũng như sự biến động của thị trường tài chính tiền tệ thế giới. Các phương tiện thông tin đại chúng, người dân, DN thường khá “nhạy cảm” với biến động của tỷ giá. Đối với những nhà làm chính sách, tỷ giá cũng là một mục tiêu, thành tích quan trọng.
Những chính sách điều hành tỷ giá phổ biến trên thế giới
Trên thế giới hiện đang tồn tại nhiều chính sách điều hành tỷ giá khác nhau, do trạng thái kinh tế và mục tiêu điều hành kinh tế mỗi quốc gia có khác nhau theo mỗi thời điểm. Nói chung, có 3 dạng phổ biến như sau:
Thứ nhất, chính sách thả nổi tỷ giá (Free Floating): Còn gọi là tỷ giá tự do, là việc cho phép tỷ giá được dao động hoàn toàn theo cung – cầu trên thị trường ngoại hối thế giới. Thông thường chính phủ hoặc ngân hàng trung ương chỉ can thiệp gián tiếp thông qua điều chỉnh lãi suất để tác động lên tỷ giá theo mong muốn của mình. Đa số các nước phát triển, có nền kinh tế thị trường và hội nhập sâu, tài chính vững mạnh áp dụng theo chính sách này như Mỹ, Úc, Canada, Nhật Bản, Anh, Đức, Pháp, Newzealand…
Thứ hai, chính sách cố định tỷ giá hay neo cứng tỷ giá (Currency board): Là việc duy trì một tỷ giá cố định trong một khoảng thời gian tương đối dài mà không phụ thuộc vào sự biến động của các ngoại tệ mạnh trên thị trường ngoại hối thế giới. Hiện nay chỉ có vài nước với nền kinh tế do nhà nước quản lý chặt theo kế hoạch áp dụng như Triều Tiên, Cu Ba… Tuy nhiên, trên thực tế chính sách này ngày càng tỏ ra thiếu hiệu quả trong mục tiêu giúp phát triển kinh tế.
Thứ ba, chính sách neo tỷ giá có điều chỉnh (Stabilized arrangement): Đây là sự lai ghép giữa 2 chính sách trên. Theo đó, chính phủ đưa ra mức tỷ giá, đồng thời cho phép tỷ giá dao động hàng ngày trong một biên độ nhất định. Chính sách này đang được áp dụng ở các nước đang trong giai đoạn phát triển kinh tế thị trường và có sự quản lý kinh tế khá mạnh của Nhà nước như Trung Quốc, Việt Nam, Singapore, Malaysia.
Điểm tích cực và hạn chế của chính sách tỷ giá thả nổi (tự do) và neo tỷ giá có điều chỉnh
Trong xu thế phát triển kinh tế hội nhập toàn cầu, chính sách tỷ giá cố định đã tỏ ra thiếu hiệu quả, còn rất ít nước áp dụng. Hiện nay chủ yếu là chính sách thả nổi và chính sách neo có điều chỉnh. Mỗi chính sách đều có những ưu điểm và hạn chế.
Đối với chính sách tỷ giá thả nổi: Chế độ tỷ giá này được đánh giá là giúp cho chính sách tiền tệ quốc gia được độc lập, ít chịu ảnh hưởng của những biến động từ bên ngoài và cán cân thanh toán quốc tế được tự động điều chỉnh để cân bằng. Chính sách này ngày càng thể hiệu ưu điểm trong xu thế hội nhập toàn cầu, giúp cho tỷ giá theo sát với biến chuyển nền kinh tế của các quốc gia một cách tự động theo cơ chế thị trường. Tuy nhiên, nếu việc điều hành tài chính quốc gia yếu kém, mất cân đối ngân sách, gây ra lạm phát thì chính sách này sẽ mau chóng tác động xấu thêm cho nền kinh tế của quốc gia.
Đối với chính sách neo tỷ giá trong biên độ: Chế độ tỷ giá này cho phép đồng tiền neo theo một đồng tiền mạnh khác có thể điều chỉnh phù hợp đối với các dao động của thị trường và là biện pháp ổn định tỷ giá để phòng ngừa các sự trồi sụt bất ngờ của thị trường ngoại hối.
Tuy nhiên, chính sách tỷ giá này chưa phản ánh hết cung cầu vốn trên thị trường. Trong một vài trường hợp, chính sách tỷ giá này sẽ gây áp lực lên cán cân thanh toán, tạo cơ hội cho hoạt động đầu cơ ngoại tệ bùng phát, hay sẽ tạo một cú sốc lớn khi phải điều chỉnh tỷ giá với biên độ lớn. Điều đó đã xảy ra với đồng Ringgit của Maylasia bị đầu cơ rất mạnh trong cơn bão tài chính châu Á năm 1997, khi các nhà đầu cơ phát hiệu nền kinh tế của Maylaisia đã suy yếu, nhưng chính phủ vẫn cố giữ đồng Ringgit mạnh qua việc neo giữ tỷ giá của cặp đồng MYR/USD.
Xét về tổng thể, chính sách tỷ giá thả nổi là phù hợp với xu thế hiện đại, bởi tỷ giá thay đổi thường xuyên theo cơ chế thị trường toàn cầu. Điều này giúp cho mọi hoạt động đầu tư, thương mại quốc tế thuận lợi và ít bị rủi ro dồn tích. Bên cạnh đó, nền kinh tế sẽ không gặp phải cú sốc lớn nếu gặp phải sự điều hành tài chính chủ quan và yếu kém của chính phủ. Tuy nhiên, nến nền tài chính quốc gia chưa được chuẩn bị kỹ càng, hoạt động theo cơ chế thị trường chưa thật sự vững mạnh, thì việc áp dụng chính sách tỷ giá thả nổi có thể gây xáo trộn sự ổn định đồng tiền quốc gia và gây những thiệt hại kinh tế xã hội khó có thể lường. Do vậy những quốc gia đang từng bước phát triển kinh tế thị trường và hội nhập như VN, cần phải có một lộ trình chuẩn bị kỹ lưỡng nếu muốn áp dụng chính sách tỷ giá thả nổi.
Trung Quốc hướng tới tỷ giá thả nổi và định hướng của VN
VN và Trung Quốc đều có những điểm tương đồng về phát triển kinh tế thị trường, cũng như điều hành tỷ giá. Trong nhiều năm qua Việt Nam và Trung Quốc cùng áp dụng chính sách neo tỷ giá với USD (Neo tỷ giá cố định hoặc neo tỷ giá với biên độ được điều chỉnh, tùy thời điểm).
Tuy nhiên, kể từ ngày 11/8/2015,Ngân hàng Trung ương Trung Quốc (PBOC) thông báo thay đổi cơ chế điều hành tỷ giá. Theo đó, tỷ giá giao dịch hàng ngày sẽ được tham chiếu theo tỷ giá đóng cửa của thị trường liên ngân hàng ngày hôm trước và căn cứ theo mức cung – cầu trên thị trường tiền tệ và diễn biến của các đồng tiền chủ chốt. Biên độ giao dịch được giữ nguyên như trước ở mức 2%. Theo định nghĩa của IMF, Trung Quốc đã thay đổi từ neo tỷ giá với biên độ điều chỉnh sang thả nổi có quản lý. Điều này phù hợp với xu hướng rõ nét trong những năm gần đây là việc các nước mới nổi ngày càng dịch chuyển mạnh sang các cơ chế tỷ giá thả nổi.
Ngay sau khi Trung Quốc phá giá Nhân dân tệ, ngày 12/8/2015, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam (NHNN) đã mở rộng biên độ giao dịch của tiền Đồng (VND) từ +/-1% lên +/-2%. Đồng thời từ ngày 19/8/2015, tỷ giá VND/USD được điều chỉnh tăng thêm 1% lần thứ 3 trong năm, đồng thời biên độ giao dịch tỷ giá được tăng từ +/-2% lên +/-3%. Tuy nhiên, cơ chế tỷ giá vẫn được duy trì là neo tỷ giá với biên độ điều chỉnh.
Như vậy, trong số các đối tác chủ chốt của Việt Nam về thương mại, đầu tư, tín dụng trên thế giới và các nước lớn trong khu vực, Việt Nam là nước duy nhất còn lại chưa chuyển sang cơ chế thả nổi tỷ giá (trong đó bao gồm thả nổi có quản lý và thả nổi tự do).
Như đã nhận định, không có một cơ chế tỷ giá nào là tối ưu trong mọi trường hợp. Tuy nhiên, trong xu thế phát triển kinh tế thị trường và hội nhập, vậy liệu trong thời gian tới VN có nên xem xét thay đổi cơ chế quản lý tỷ giá hay không? Có lẽ đây cũng là câu hỏi mà các nhà điều hành cũng đang tự đặt ra cho mình!
Từ nhận định sự phát triển kinh tế Trung Quốc cho thấy việc can thiệp sâu của chính phủ về tỷ giá giúp nền kinh tế đạt được những mục tiêu nhất định, như Trung Quốc nhiều năm giữ Nhân dân tệ thấp hơn USD đã giúp xuất khẩu tăng trưởng rất mạnh. Tuy nhiên, điều đó cũng là con dao 2 lưỡi, nhất là khi kinh tế Trung Quốc có dấu hiệu đuối, thì những chính sách cứng về tỷ giá sẽ gây khó khăn thêm cho nền kinh tế và có thể gây nên các cú sốc tài chính khó lường. Do vậy, Trung Quốc đã từng bước chuyển sang chính sách tỷ giá thả nổi.
Việt Nam có nên thả nổi tỷ giá?
Đối với VN, có tiến trình phát triển kinh tế tương tự Trung Quốc và đi sau một nhịp.
Do vậy việc điều hành chính sách neo tỷ giá có điều chỉnh vẫn còn hợp lý. Điều này giúp chính phủ ổn định được VNĐ, đáp ứng một số mục tiêu hiện tại trong phát triển kinh tế và có thời gian chuẩn bị cho việc phát triển thị trường tài chính. Trong năm 2015, với chính sách neo tỷ giá có điều chỉnh đã giúp đồng VN ổn định là một thành công. Tuy nhiên, với những cam kết cứng về điều chỉnh tỷ giá trong các năm 2014, 2015 sẽ tạo ra hai xu thế không lành mạnh: Một là các doanh nghiệp cứ dựa vào cam kết nhà nước mà không có những chuẩn bị quản lý dòng tiền kinh doanh của mình sẽ làm tăng rủi ro quản trị doanh nghiệp, dẫn tới tăng rủi ro của nền kinh tế. Hai là tâm lý cực đoan nghi ngại sự thay đổi bất ngờ, từ đó âm thầm thực hiện động thái đầu cơ không cần thiết làm rối loại tiền tệ.
Do vậy, chúng ta cần phải có lộ trình rõ rệt ít nhất từ 2 – 5 năm để chuyển chính sách neo tỷ giá có điều chỉnh sang chính sách tỷ giá thả nổi có quản lý phù hợp với xu thế nền kinh tế hội nhập đang diễn ra rất mạnh. Điểu làm được điều này chúng ta cần phải thực hiện đồng bộ các công việc sau: Đẩy mạnh hơn nữa phát triển kinh tế theo hướng thị trường và hội nhập. Chính phủ tăng cường vai trò quản lý thực thi chính sách kinh tế, giảm bớt vai trò quản lý trực tiếp hoạt động kinh tế của DNNN. Quản lý ngân sách phải được tăng cường và có kỷ luật dưới sự giám sát của Quốc hội.
Từng bước xây dựng một ngân hàng trung ương mạnh và độc lập để thực hiện việc điều hành thị trường tiền tệ hiệu quả, đáp ứng mục tiêu phát triển kinh tế của chính phủ. Từng bước xây dựng một thị trường ngoại hối hiện đại hơn với các sản phẩm phái sinh để giúp cho các chủ thể trong nền kinh tế hạn chế rủi ro khi giao dịch trên thị trường.
Tất nhiên với bối cảnh nền kinh tế và thị trường tài chính của Việt Nam hiện nay, thì không thể một vài năm sẽ thay đổi thành công. Nhưng nếu Chính phủ quyết liệt và đồng bộ trong việc thực thi các chính sách để giúp chuyển đổi, thì thời gian 5 năm là đủ để chúng ta có một nền tài chính vững mạnh có thể áp dụng hiệu quả chính sách tỷ giá thả nổi đáp ứng nhu cầu phát triển của nền kinh tế trong thời kỳ mới.
TS.Đinh Thế Hiển (DĐDN)
  • Facebook
  • Chia sẻ
  •   Lưu tin
  •   Báo cáo

    Báo cáo vi phạm
     
 
Mọi ý kiến đóng góp cũng như thắc mắc liên quan đến thị trường bất động sản xin gửi về địa chỉ email: [email protected]; Đường dây nóng: 0942.825.711.