CafeLand - Có người đã dốc hết số tiền tích góp trong nhiều năm, vay thêm ngân hàng và thậm chí còn bán luôn căn nhà đang ở để đầu tư căn hộ nghỉ dưỡng. Thế nhưng, dịch bệnh ập đến đã khiến họ lao đao, không biết xoay xở thế nào với khoản lãi hàng chục triệu đồng mỗi tháng.

Nhiều nhà đầu tư lao đao vì mua condotel khi dịch bệnh ập đến. Ảnh minh hoạ

Bỗng dưng… mất nhà

Thị trường bất động sản nghĩ dưỡng bị ảnh hưởng từ đầu năm 2020, lúc dịch bệnh Covid-19 vừa bùng phát. Nhưng phải đến giữa năm 2020 và đầu năm 2021 phân khúc này mới “thấm đòn”.

Những đợt bùng phát ngày càng nghiêm trọng hơn đã khiến Chính phủ phải liên tục thực hiện các lệnh giãn cách. Đặc biệt, làn sóng Covid-19 lần thứ 4 này đã khiến thị trường bất động sản nghỉ dưỡng gần như ngưng trệ khi ngành du lịch bị “đóng băng” hoàn toàn.

Chia sẻ với CafeLand, chị Nguyễn Ý Lan (Hà Đông, Hà Nội), cho biết ở thời điểm condotel rộ lên, chị bàn với chồng bán mảnh đất ở ngoại thành và vay thêm ngân hàng 800 triệu đồng mua một căn condotel trị giá 2,6 tỉ đồng ở Nha Trang để đầu tư sinh lời.

Theo tính toán của hai vợ chồng, khi nhận bàn giao hoàn chỉnh vào giữa năm 2019, anh chị có thể cho thuê luôn với lợi nhuận được chủ đầu tư hứa hẹn lúc đó là 12%/năm.

Khí hậu Nha Trang lại tốt để có thể cho khách du lịch thuê quanh năm nên chắc chắn lợi suất sinh lời sẽ rất lớn, từ 25-35 triệu đồng/tháng.

Việc kinh doanh suôn sẻ với mức sinh lời đều đặn hàng tháng càng khiến cho vợ chồng chị Lan tin rằng quyết định đầu tư căn hộ condotel thời điểm đó là đúng.

Thế nhưng, vào cuối năm 2019, dịch Covid-19 bùng phát, khởi điểm từ Vũ Hán (Trung Quốc), đã làm cho ngành du lịch tại Nha Trang bị ảnh hưởng đáng kể bởi du khách quốc tế tại đây chiếm một phần lớn là người Nga và Trung Quốc.

Mặc dù vậy, dịch bệnh vẫn chưa bùng phát mạnh mẽ, việc kinh doanh vẫn được duy trì túc tắc cho các khách thuê trong nước và khách từ các nước khác.

Đến giữa năm 2020, tình hình nghiêm trọng hơn. Các lệnh giãn cách, hạn chế đi lại đã khiến thị trường du lịch và bất động sản nghỉ dưỡng bị ảnh hưởng nặng nề.

Vợ chồng chị Lan “méo mặt” vì bỗng dưng đeo trên vai khoản nợ lớn mỗi tháng mà không có nguồn trả.

Bi đát hơn vợ chồng chị Lan, gia đình anh Tạ Minh Huệ (Hai Bà Trưng, Hà Nội) ngoài khoản lãi vay ngân hàng còn phải gồng gánh tiền thuê nhà mỗi tháng 6 triệu đồng vì đầu tư condotel.

Thấy bạn bè mỗi tháng thu được hàng chục triệu đồng từ việc đầu tư loại hình này, anh Huệ đã gom số tiền tích góp trong nhiều năm của hai vợ chồng, thậm chí bán luôn căn chung cư đang ở và vay thêm ngân hàng với lãi suất ưu đãi 10% để mua hai căn condotel ở Đà Nẵng.

Doanh thu từ việc cho thuê hai căn condotel rơi vào 45-50 triệu đồng/tháng giai đoạn cao điểm. Sau khi trừ chi phí thuê nhà, thuê người quản lý, vận hành và trả tiền ngân hàng, mỗi tháng vợ chồng anh vẫn dư một khoản kha khá.

Đang yên lành thì vào cuối tháng 7, dịch bệnh tái bùng phát sau 99 ngày cả nước không có ca lây nhiễm trong cộng đồng và tâm dịch là thành phố Đà Nẵng.

Việc này khiến những nhà đầu tư bất động sản nghỉ dưỡng tại đây đứng ngồi không yên. Bởi từ 0h ngày 28/7, toàn thành phố thắt chặt các biện pháp cách ly nghiêm ngặt chưa từng có.

Hoạt động du lịch ngưng trệ, vợ chồng anh Huệ bỗng chốc trở thành “chúa chổm” khi lơ lửng trên đầu quá nhiều khoản: nợ ngân hàng, chí phí vận hành quản lý và cả tiền thuê nhà mỗi tháng.

Để giải quyết khó khăn ban đầu, anh phải nhờ môi giới rao bán cắt lỗ gấp một căn condotel. Thế nhưng nhiều tháng nay vẫn không có người hỏi mua.

Khó dự đoán khả năng phục hồi

Theo đánh giá của Bộ Xây dựng tại Báo cáo thị trường bất động sản quý 2-2021 mới đây, thời gian qua, nguồn cung mới khách sạn 4-5 sao và khu du lịch nghỉ dưỡng trên cả nước vẫn rất hạn chế.

Một số dự án khách sạn, khu du lịch nghỉ dưỡng đã phải lùi lịch khai trương do ảnh hưởng của đợt bùng phát dịch bệnh Covid-19 vào tháng 5.

Giá cho thuê bình quân phòng khách sạn và bất động sản nghỉ dưỡng trong quý 2-2021 giảm khoảng 20-25% so với quý trước.

Công suất thuê phòng khách sạn toàn thị trường có xu hướng tăng ở giai đoạn đầu quý 2-2021 khi nhu cầu tham quan, du lịch trong dịp nghỉ lễ tăng lên.

Tuy nhiên, sang nửa cuối quý 2, dịch bệnh bùng phát trở lại, các doanh nghiệp kinh doanh khách sạn lại tiếp tục gặp khó khăn khi nhu cầu thuê và công suất thuê phòng sụt giảm mạnh.

Một số khách sạn đăng ký làm địa điểm cách ly có trả phí được coi là một trong những giải pháp tình thế để tăng tỷ lệ lấp đầy phòng và cải thiện doanh thu, nhưng trên thực tế không hiệu quả.

Ông Mauro Gasparotti, Giám đốc Savills Hotels Châu Á Thái Bình Dương, cho biết ngành du lịch Việt Nam đã trải qua những biến động lớn trong thời gian qua. Một số khách sạn thậm chí hoạt động với tỷ lệ lấp đầy ở mức một chữ số.

Đáng chú ý, việc tái bùng phát dịch Covid-19 ở Đà Nẵng trong tháng bảy đã khiến nhiều địa điểm du lịch nhận được yêu cầu hủy phòng, kéo theo sự sụt giảm công suất của toàn thị trường.

Chuyên gia này nhận định năm 2021 vẫn còn nhiều thách thức. Do đó, chủ sở hữu cần kiểm soát chi phí một cách thận trọng, nhưng vẫn phải đảm bảo kịp thời khôi phục hoạt động kinh doanh khi nhu cầu du lịch quay trở lại.

“Rất khó để dự đoán bức tranh ngành du lịch từ nay đến cuối năm 2021 vì khả năng hồi phục của thị trường khách quốc tế vẫn là một câu hỏi lớn”, ông Gasparotti nhận định.

Theo ông Gasparotti, các chủ sở hữu vẫn nên duy trì sự tích cực với những kế hoạch dài hạn nhưng cần chú trọng trong việc kiểm soát dòng tiền trong thời gian tới, đồng thời tập trung vào việc khai thác tiềm năng và thế mạnh của thị trường nội địa.

Ông Gasparotti cho rằng chủ đầu tư cũng không nên quá kỳ vọng vào sự phục hồi ngay lập tức từ thị trường khách quốc tế.

Có thể sẽ có nhu cầu du lịch xuất ngoại từ nhóm khách cá nhân hoặc nhóm nhỏ, nhưng phần lớn du khách, đặc biệt là nhóm khách đoàn và khách gia đình sẽ cần thêm thời gian để đánh giá mức độ an toàn trước khi quyết định du lịch trở lại.

Ông Matthew Powell, Giám đốc Savills Hà Nội, đánh giá từ nay đến cuối năm, những tác động của dịch Covid-19 vẫn sẽ ảnh hưởng tới thị trường bất động sản. Do vậy sẽ có sự phát triển không đồng đều giữa các địa phương, các phân khúc bất động sản và dự án.

Ông Powell cho rằng mục tiêu chung hiện nay là sớm kiểm soát tình hình dịch bệnh. Các chương trình tiêm chủng phòng ngừa Covid-19 cần được nhanh chóng triển khai để nền kinh tế sớm trở lại trạng thái bình thường.

“Riêng với các nhà đầu tư cá nhân, khi có ý định đầu tư bất kỳ loại hình phân khúc bất động sản nào, cần nhớ tới quy tắc quan trọng nhất: luôn nghiên cứu kỹ loại hình đầu tư và những tiềm năng phát triển của bất động sản đó trong tương lai”, ông Powell khuyên.

Tâm An
  • Facebook
  • Chia sẻ
  •   Lưu tin
  •   Báo cáo

    Báo cáo vi phạm
     
 
Mọi ý kiến đóng góp cũng như thắc mắc liên quan đến thị trường bất động sản xin gửi về địa chỉ email: [email protected]; Đường dây nóng: 0942.825.711.