23/08/2015 9:25 AM
Việc ngày 19-8 Ngân hàng Nhà nước (NHNN) điều chỉnh tỷ giá bình quân liên ngân hàng thêm 1% và nới rộng biên độ giao dịch USD/VND thêm 1% được đánh giá sẽ tác động tích cực tới các DN XK. Tuy nhiên, theo nhiều DN, lợi ích này cũng không lâu dài và vẫn tiềm ẩn nhiều mối lo.

Phản ứng trái chiều

Ông Chu Xuân Ái, Giám đốc Công ty TNHH Phát triển công nghệ và thương mại Tôn Vinh cho biết: DN chúng tôi chuyên XK chè, thường xuyên giao dịch bằng đồng USD nên việc điều chỉnh tỷ giá của NHNN có tác động rất tích cực. Động thái này không khiến DN bất ngờ bởi các thông tin liên quan đều được DN cập nhật thường xuyên thông qua các cuộc họp với đại diện bộ, ngành hoặc tiếp cận thông tin qua các phương tiện truyền thông.

Cũng đồng quan điểm này, ông Nguyễn Thanh Bình, Tổng giám đốc Tổng công ty Rau quả, Nông sản - Công ty TNHH MTV cho rằng, điều chỉnh tỷ giá không bất ngờ bởi theo đúng diễn biến thị trường cũng như sự phân tích, cảnh báo từ giới chuyên gia. Thời gian tới, nếu có những biến động kinh tế, tỷ giá vẫn có thể được điều chỉnh để tăng tính cạnh tranh cho hàng XK.

Trái ngược với đánh giá điều chỉnh tỷ giá lần này của NHNN là bình thường, theo bà Nguyễn Thị Trang, Trưởng phòng Kế toán, Công ty CP Choa Việt, việc điều chỉnh tỷ giá khiến DN tương đối bất ngờ. Bởi từ năm 2010 đến 2014, tỷ giá tương đối ổn định với mức điều chỉnh trong năm từ 1-2 lần, tuy nhiên trong năm nay, số lần tỷ giá được điều chỉnh tăng lên, thậm chí vừa qua là liên tiếp 2 tuần điều chỉnh 2 lần.

Bất ngờ nhưng bà Trang cũng chia sẻ, là DN sử dụng nguồn nguyên liệu trong nước và chuyên XK sản phẩm nông sản thông qua giao dịch bằng đồng USD, nên Công ty thu về nhiều lợi ích từ đợt điều chỉnh tỷ giá vừa qua. Trung bình, tổng giá trị XK của DN trong một tháng đạt khoảng trên 2 triệu USD. Với mức tỷ giá mới, giao dịch qua Vietcombank, DN sẽ lợi khoảng 217 đồng/USD. Như vậy, tổng số tiền tăng thêm mà DN thu được từ động thái điều chỉnh tỷ giá lần này khoảng 300-400 triệu đồng/tháng. Đây là một khoản thu không nhỏ, hỗ trợ thêm cho DN trong bối cảnh hoạt động sản xuất, kinh doanh vẫn còn nhiều khó khăn.

Cần chủ động

Là DN NK nguyên liệu và XK sản phẩm, ông Nguyễn Thanh Bình cho biết: DN bị tác động cả hai mặt từ việc điều chỉnh tỷ giá. XK được lợi một phần nhưng giá thành nguyên liệu NK cũng bị đẩy cao lên. Lợi thế XK không đủ bù đắp những thiệt hại từ thua thiệt trong NK đem lại nên nhìn chung điều chỉnh tỷ giá khiến DN bất lợi nhiều hơn. “Việc điều chỉnh tỷ giá ngay lập tức tác động tới DN. Với mức tỷ giá điều chỉnh như hiện tại, DN gần như sẽ không có lãi, thậm chí còn có thể lỗ và nếu càng đẩy mạnh hoạt động sản xuất, kinh doanh thì càng thua lỗ”, ông Bình nói.

Theo đại diện một số DN, mặc dù không bị tác động bất lợi từ điều chỉnh tỷ giá nhưng những lợi ích thu được trong XK cũng không lâu dài bởi chỉ áp dụng được với những đơn hàng đã ký, còn những đơn hàng ký kết mới, khách hàng chắc chắn sẽ đưa ra yêu cầu chia sẻ lợi ích và xác định lại giá cả. Đồng tình với quan điểm này, bà Trang bày tỏ băn khoăn, DN vui mừng nhưng vẫn khá lo lắng khi NHNN điều chỉnh tỷ giá bởi điều chỉnh liên tục khiến tỷ giá thiếu ổn định, ảnh hưởng tới kế hoạch sản xuất, kinh doanh của DN. Đặc biệt, biên độ tỷ giá được nới rộng thì chỉ cần các ngân hàng thương mại điều chỉnh tỷ giá trong biên độ cho phép cũng đã tác động rất lớn đến DN.

Trao đổi với phóng viên Báo Hải quan, đại diện một số DN cho biết, mặc dù ít nhiều đều bị tác động khi tỷ giá biến động nhưng DN chủ yếu vẫn bị động chấp nhận. Đối với phương án mua bảo hiểm tỷ giá, theo ông Bình, qua tìm hiểu DN cảm thấy mua bảo hiểm cũng không hẳn giúp DN an toàn khi có những biến động tỷ giá. Mặt khác, khoản tiền chi để mua bảo hiểm từ các ngân hàng cũng sẽ khiến cho chi phí đầu vào tăng lên và giá bán sản phẩm kém cạnh tranh. Đây cũng là yếu tố khiến DN còn lấn cấn khi quyết định lựa chọn hình thức này.

Theo nhận định của Ngân hàng HSBC: Thực tế đợt biến động do điều chỉnh tỷ giá ngày 19-8 vừa qua cho thấy những thay đổi đột xuất trên thị trường thế giới sẽ tác động tới thị trường Việt Nam. Trong tương lai, nhiều khả năng Trung Quốc sẽ giảm lãi suất, Cục Dự trữ liên bang Mỹ (FED) sẽ tăng lãi suất và do đó đẩy đồng nhân dân tệ (RMB) tiếp tục giảm giá. Điều này tiếp tục ảnh hưởng tới Việt Nam, đòi hỏi các DN phải tiếp tục có những bước điều chỉnh linh hoạt. Do đó, ngay khi thị trường ổn định trở lại các DN nên chủ động áp dụng chính sách quản trị rủi ro để tránh những biến động không lường trước được của thị trường trong tương lai.

Ông Trần Thăng Long, Trưởng phòng phân tích, Công ty CP Chứng khoán BSC:

Điều chỉnh tỷ giá có tác động hai chiều

Việc điều chỉnh tỷ giá ngày 19-8 của NHNN là hợp lý trong bối cảnh có nhiều diễn biến bất ngờ trên thị trường tiền tệ năm 2015 như sự phục hồi của USD trước khả năng nâng lãi suất của Cục Dự trữ liên bang Mỹ sau 8 năm, và sự phá giá bất ngờ của đồng nhân dân tệ.

Với nền kinh tế có định hướng XK như Việt Nam, đồng nội tệ giảm sẽ có tác động hai chiều đến các nhóm ngành. Các nhóm ngành được đánh giá có ảnh hưởng tích cực từ việc tăng tỷ giá là Thủy sản, Dầu Khí, Dệt may và Công nghệ. Trong đó, ngành Thủy sản được ảnh hưởng tích cực do các DN thủy sản chủ yếu XK sang Mỹ, EU và Đông Á. Trong khi đó, nguồn thu của các DN dầu khí chủ yếu bằng USD trong khi chi phí bằng VND vẫn chiếm tỷ trọng lớn. Đối với các DN Dệt may, doanh thu XK tăng, chi phí nguyên liệu đầu vào không bị tác động lớn (do nhân dân tệ giảm giá).

Chiều ngược lại, các nhóm ngành sẽ chịu ảnh hưởng tiêu cực từ việc tăng tỷ giá là Vận tải biển, Xi măng, Dược, Nhựa, Săm lốp và Điện. Trong khi đó, riêng nhóm ngành Cao su sẽ có ảnh hưởng trung lập do các DN XK cao su gặp nhiều khó khăn trước động thái phá giá đồng nhân dân tệ do Trung Quốc tiêu thụ đến 50% sản lượng cao su XK. Việc tăng tỷ giá VND/USD làm giảm bớt tác động tiêu cực của việc phá giá đồng nhân dân tệ.

Ông Huỳnh Anh Tuấn, Tổng giám đốc Công ty Chứng khoán SJC:

DN vay nợ nước ngoài sẽ chật vật vì điều chỉnh tỷ giá

Việc phá giá VND sẽ ảnh hưởng lớn đến các DN vay nợ nước ngoài. Bình thường, DN vay USD với mức lãi suất khoảng 5%. Đến nay, khi tỷ giá điều chỉnh, VND bị phá giá thì lãi suất khi vay USD sẽ tăng thêm khoảng 3-4% nữa. DN vay USD mà lãi suất tầm 8-10% sẽ tạo ra áp lực khá lớn, từ đó ảnh hưởng lớn đến kết quả kinh doanh, lợi nhuận, lợi thế cạnh tranh và cuối cùng tác động lên cổ phiếu của DN đó.

Ngoài tác động mạnh mẽ tới các DN vay USD, việc phá giá VND mạnh cũng ảnh hưởng lớn đến dòng vốn ngoại đầu tư vào Việt Nam. Nếu tỷ giá biến động mạnh thì các nhà đầu tư ngoại sẽ phải xem xét và so sánh với mức độ phá giá đồng tiền của các nước trong khu vực để cân đối. Tuy nhiên, đánh giá tổng quát, kinh tế vĩ mô của Việt Nam tương đối ổn định, cũng như những biến động tỷ giá vẫn nằm trong tầm kiểm soát, dự trù của các nhà đầu tư ngoại nên việc điều chỉnh tỷ giá lần này của Ngân hàng Nhà nước cũng sẽ không gây ảnh hưởng quá nhiều.

Bên cạnh các nhà đầu tư cũ, việc phá giá VND mở ra cơ hội đối với các nhà đầu tư mới đang tích lũy USD do được mua cổ phiếu giá rẻ. Bởi vậy, xét về lâu dài, việc điều chỉnh tỷ giá và nới biên độ tỷ giá sẽ tạo thêm cơ hội cho dòng tiền mới vào Việt Nam.

Uyển Như (ghi)

Thanh Nguyễn (Báo Hải Quan)
  • Facebook
  • Chia sẻ
  •   Lưu tin
  •   Báo cáo

    Báo cáo vi phạm
     
Mọi ý kiến đóng góp cũng như thắc mắc liên quan đến thị trường bất động sản xin gửi về địa chỉ email: [email protected]; Đường dây nóng: 0942.825.711.