Sau nhiều năm triển khai dang dở, mới đây, dự án Thung Lũng Nữ Hoàng của Tập đoàn BRG có nhiều động thái rục rịch hồi sinh.

Cổng vào dự án Du lịch Thung Lũng Nữ Hoàng

Cụ thể, ngày 26.2 mới đây, UBND tỉnh Hoà Bình đã ban hành quyết định cho phép CTCP Du lịch Thung Lũng Nữ Hoàng chuyển mục đích sử dụng đất (đợt 2) để thực hiện dự án Khu nghỉ ngơi, vui chơi giải trí Thung Lũng Nữ Hoàng tại xã Lâm Sơn, huyện Lương Sơn.

Theo đó, tỉnh cho phép doanh nghiệp chuyển hơn 27,8ha đất sản xuất kinh doanh phi nông nghiệp sang thành: 12,5ha đất ở đô thị; 11,7ha đất vui chơi giải trí công cộng, vườn hoa, công viên; 3,1ha đất giao thông và 0,6ha đất sông ngòi, kênh rạch để thực hiện dự án Khu nghỉ ngơi, vui chơi giải trí Thung Lũng Nữ Hoàng.

Trong đó, 12,5ha đất ở đô thị nói trên có thời hạn sử dụng 50 năm, người nhận chuyển nhượng quyền sử dụng đất được sử dụng ổn định lâu dài.

Đối với phần diện tích còn lại, sau khi hoàn thành xây dựng hạ tầng kỹ thuật dự án, chủ đầu tư sẽ bàn giao lại cho cơ quan có thẩm quyền quản lý.

Trước đó, vào cuối tháng 12.2022, Hoà Bình đã cho phép doanh nghiệp chuyển đổi (đợt 1) gần 32ha đất sản xuất kinh doanh phi nông nghiệp để thực hiện dự án đầu tư.

Trong văn bản tỉnh công bố vào tháng 12.2023, số tiền sử dụng đất mà Thung Lũng Nữ Hoàng phải nộp ngân sách nhà nước đối với đợt 1 là hơn 840 tỷ đồng.

Như vậy, tính đến nay, dự án Thung Lũng Nữ Hoàng đã được chuyển đổi tổng cộng gần 60ha đất.

Tiến độ hoàn thành dự án cũng được điều chỉnh dự kiến đến tháng 12.2024.

Theo tìm hiểu, dự án Khu nghỉ ngơi, vui chơi giải trí Thung Lũng Nữ Hoàng có tổng diện tích sử dụng đất 136ha, được chủ đầu tư quy hoạch phát triển thành các khu: Làng văn hóa hơn 39ha, khách sạn cao 17 tầng, biệt thự ở cao tầng gồm 477 ô đất, khu dịch vụ - nhà trẻ…

Trước đó, vào tháng 9.2020, dự án này đã được UBND tỉnh Hòa Bình phê duyệt Quy hoạch chi tiết tỷ lệ 1/500; tháng 10.2021 dự án được phê duyệt chủ trương đầu tư.

Ban đầu khu đất thực hiện dự án có diện tích 237,6ha, có nguồn gốc từ Nông trường Cửu Long, Lâm trường Lương Sơn. Năm 2004, khu đất được UBND tỉnh Hoà Bình thu hồi để giao cho CTCP Đầu tư và du lịch Bạch Đằng thực hiện Dự án Khu du lịch Làng văn hoá các dân tộc Hoà Bình. Tuy nhiên dự án sau đó đã được điều chỉnh tên và giao cho CTCP Du lịch Thung Lũng Nữ Hoàng. Theo phản ánh, sau nhiều năm triển khai, dự án chỉ triển khai được một vài hạng mục rồi bỏ không.

Giai đoạn 2018 - 2019, dự án này là tài sản bảo đảm cho 4.000 tỷ đồng trái phiếu có kỳ hạn 5 năm do CTCP Du lịch Thung Lũng Nữ Hoàng phát hành. Giai đoạn 2022 -2023, doanh nghiệp đã liên tục mua lại trước hạn trái phiếu với tổng giá trị trên 3.000 tỷ, đồng thời tiến hành tăng vốn điều lệ từ 600 tỷ lên 1.000 tỷ trong giai đoạn này.

Công ty Thung Lũng Nữ Hoàng được thành lập năm 2003 bởi 12 cổ đông, tuy nhiên các cổ đông sáng lập này sau đó gần như đã thoái hết vốn. Tính đến tháng 6.2016, doanh nghiệp có vốn điều lệ 500 tỷ đồng.

Hiện, Thung Lũng Nữ Hoàng có trụ sở tại huyện Lương Sơn, Hoà Bình, Chủ tịch HĐQT là ông Phạm Trường Thăng - người đang đồng thời đứng tên tại Công ty TNHH Phát triển Thương mại Ngân Bình, một doanh nghiệp có trụ sở tại quận Hoàn Kiếm, Hà Nội.

Trong báo cáo gửi đến Sở Giao dịch Chứng khoán Hà Nội, CTCP Du lịch Thung Lũng Nữ Hoàng cho biết doanh nghiệp lãi hơn 17 triệu đồng trong 6 tháng đầu năm 2023, giảm 34% so với cùng kỳ.

Tính đến ngày 30.6.2023, vốn chủ sở hữu ghi nhận trên 999 tỷ đồng; tổng nợ phải trả trên 3.716 tỷ đồng (dư nợ trái phiếu 979 tỷ đồng); tương ứng tổng tài sản trên 4.715 tỷ đồng.

Khiêm Phạm
  • Facebook
  • Chia sẻ
  •   Lưu tin
  •   Báo cáo

    Báo cáo vi phạm
     
 
Mọi ý kiến đóng góp cũng như thắc mắc liên quan đến thị trường bất động sản xin gửi về địa chỉ email: [email protected]; Đường dây nóng: 0942.825.711.