Vàng thế giới giảm mạnh và xuống sát ngưỡng nhạy cảm 1.200 USD/ounce do đồng USD lại tăng vọt. Tới đầu giờ sáng 7/8 (giờ Việt Nam), giá vàng thế giới giao ngay đứng ở mức 1.207 USD/ounce. Giá vàng giao tháng 12 trên sàn Comex New York đứng ở mức 1.215,8 USD/ounce.
Trên thị trường vàng trong nước, chốt 6/8 đa số các cửa hàng vàng tăng giá vàng 9999 trong nước so với phiên cuối tuần trước. Tính tới cuối phiên giao dịch 6/8, Tập Đoàn Vàng bạc đá quý DOJI niêm yết giá vàng SJC ở mức: 36,71 triệu đồng/lượng (mua vào) và 36,81 triệu đồng/lượng (bán ra). Công ty vàng bạc đá quý Sài Gòn niêm yết vàng SJC ở mức: 36,65 triệu đồng/lượng (mua vào) và 36,85 triệu đồng/lượng (bán ra).
USD bật tăng, Bảng Anh tụt giảm. Đầu phiên giao dịch ngày 7/8 (giờ Việt Nam), trên thị trường thế giới, chỉ số US Dollar Index (DXY), đo lường biến động đồng bạc xanh với 6 đồng tiền chủ chốt (EUR, JPY, GBP, CAD, SEK, CHF) đứng ở mức 95,41 điểm. USD đứng ở mức: 1 euro đổi 1,1546 USD; 111,44 yen đổi 1 USD và 1,2930 USD đổi 1 bảng Anh.
Trên thị trường trong nước phiên ngày 6/8, tỷ giá USD/VND ở đa số các ngân hàng tăng 20 đồng so với cuối tuần trước, phổ biến ở mức: 23.265 đồng/USD và 23.345 đồng/USD. Giá USD trên thị trường chợ đen đứng ở mức: 23.420 - 23.450 đồng/USD.
Thương mại điện tử ngày càng chiếm ưu thế. Thương mại điện tử ngày càng chiếm ưu thế do người tiêu dùng toàn thế giới đang có nhu cầu khẩn thiết về các giải pháp tiện lợi để đơn giản hóa cuộc sống.
Doanh số bán hàng trực tuyến tiêu dùng nhanh đang tăng gấp 5 lần doanh số bán hàng tại các cửa hàng và đến năm 2020, thương mại điện tử của ngành này trên toàn cầu sẽ có doanh thu hơn 400 tỷ USD. Đây là kết quả của một nghiên cứu về thương mại điện tử tại 30 quốc gia vừa được Nielsen công bố.
Mỹ tái cấm vận Iran có thể đẩy giá dầu vượt mốc 90 USD/thùng. Các biện pháp trừng phạt kinh tế của Mỹ đối với Iran sẽ chính thức có hiệu lực ngày 7/8. Diễn biến này sẽ đẩy giá "vàng đen" sớm vượt ngưỡng 90 USD/thùng.
Tác động của các biện pháp trừng phạt có thể khiến sản lượng dầu của Iran giảm 1 triệu thùng trong quý IV/2018, từ đó khiến động thái tăng sản lượng của Nga và các nước OPEC trước đó trở nên không còn nhiều ý nghĩa. Hiện mới có Trung Quốc chấp nhận tiêu thụ dầu của Iran khi lệnh cấm vận của Mỹ có hiệu lực.