CafeLand - USD vẫn chịu áp lực giảm; Vàng giảm giá; Nghị quyết về xử lý nợ xấu chính thức có hiệu lực... là những thông tin đáng chú ý trong sáng nay.
Nghị quyết về xử lý nợ xấu chính thức có hiệu lực, mở đầu cho thời hạn 5 năm có hiệu lực của Nghị quyết này. Nghị quyết gồm 19 Điều và Phụ lục xác định nợ xấu, quy định thí điểm một số chính sách về xử lý nợ xấu và xử lý tài sản bảo đảm của khoản nợ xấu của tổ chức tín dụng; quyền, nghĩa vụ của cơ quan, tổ chức, cá nhân có liên quan trong việc xử lý nợ xấu và xử lý tài sản bảo đảm.
Vàng giảm giá. Giá vàng thế giới giao ngay giảm 6,8 USD xuống 1.281,9 USD/ounce. Giá vàng giao tháng 12 trên sàn Comex New York giảm 6 USD xuống 1.288,0 USD/ounce. Tại thị trường trong nước, giá mua - bán vàng SJC cuối tuần qua giao dịch ở mức 36,22 – 36,42 triệu đồng/lượng, giảm giá so với phiên giao dịch hôm qua, chênh lệch giá mua – bán giữ nguyên 200.000 đồng/lượng.
USD vẫn chịu áp lực giảm. Chỉ số US Dollar Index (DXY), đo lường biến động đồng bạc xanh với 6 đồng tiền chủ chốt (EUR, JPY, GBP, CAD, SEK, CHF) tăng 0,26% lên mức 93,34 điểm. USD đứng ở mức 1 euro đổi 1,1792 USD; 109,62 yen đổi 1 USD và 1,2973 USD đổi 1 bảng Anh. Ở thị trường trong nước, NHNN công bố tỷ giá trung tâm áp dụng ngày hôm nay của VND với USD ở mức 22.444 VND, tăng 3 đồng so với phiên giao dịch hôm qua. Tại các ngân hàng thương mại, tỷ giá USD/VND phổ biến ở mức 22.690 đồng (mua) và 22.760 đồng (bán).
Giá dầu bất ngờ giảm do đồng USD mạnh lên và nhu cầu từ Trung Quốc giảm. Giá dầu WTI kỳ hạn giảm 1,23 USD, tương đương 2,5% xuống còn 47,59 USD/thùng - mức thấp nhất trong vòng 3 tuần. Giá dầu Brent kỳ hạn cũng giảm 1,36 USD, tương đương 2,6% xuống còn 50,74 USD/thùng.
Từ 15/8, EVN được tự điều chỉnh giá bán lẻ điện. Trường hợp giá bán điện bình quân cần điều chỉnh tăng từ 3% đến dưới 5%, EVN được phép điều chỉnh tăng giá bán điện bình quân ở mức tương ứng. Trường hợp giá bán điện bình quân cần điều chỉnh tăng từ 5% đến dưới 10%, EVN được phép tăng giá bán bình quân ở mức tương ứng sau khi báo cáo và được Bộ Công thương chấp thuận. Trường hợp giá bán điện bình quân cần điều chỉnh tăng từ 10% trở lên hoặc điều chỉnh ngoài khung giá quy định hoặc ảnh hưởng đến tình hình kinh tế vĩ mô, trên cơ sở hồ sơ phương án giá điện do EVN trình, Bộ Công thương chủ trì, phối hợp với Bộ Tài chính kiểm tra, rà soát. Ngược lại trường hợp giá bán điện bình quân cần điều chỉnh giảm mà EVN không điều chỉnh giảm, Bộ Công thương có trách nhiệm yêu cầu EVN điều chỉnh giảm giá bán điện bình quân…