Nhiều khu chung cư, đô thị mới trên địa bàn Hà Nội đã đưa vào sử
dụng, nhưng các công trình hạ tầng xã hội còn chắp vá, thiếu đồng bộ,
thiếu trường học, trạm y tế, điểm trông giữ xe, chợ, cây xanh... nhất là
các điểm sinh hoạt cộng đồng.
Khu chung cư nhà ở xã hội tại Lô 19A Khu đô thị mới Việt Hưng, quận Long Biên. Ảnh: TUẤN ANH
Khu tái định cư Trung Hòa - Nhân
Chính được xây dựng từ năm 2000, diện tích gần 14 ha, gồm 19 tòa nhà cao
từ 6 đến 17 tầng, hơn 1.700 căn hộ, khoảng 7.000 người dân, được chia
thành hai khu dân cư với hai chi bộ đảng và 18 tổ dân phố. Cả khu tái
định cư có diện tích lớn như vậy, nhưng không bố trí điểm sinh hoạt cộng
đồng. Diện tích tầng một của các khu nhà được đơn vị quản lý nhà cho
các tổ chức, đơn vị thuê kinh doanh. Ông Ðỗ Ngọc Hiểu, Tổ trưởng tổ dân
phố số 2, khu N1, thành viên Ban Quản trị nhà chung cư cho biết, vì
không có địa điểm sinh hoạt, tổ chức hội họp, cho nên các cuộc họp được
tổ chức tại nhà các hội viên, có cuộc tổ chức tại nhà để xe của chung
cư, thậm chí tại quán nước ở sân khu chung cư, cho nên chất lượng sinh
hoạt thấp. Cũng vì điều này mà nhiều hội viên ngại tham gia sinh hoạt
các tổ chức đoàn thể. Không có địa điểm sinh hoạt cộng đồng, cho nên các
kiến nghị, nguyện vọng của người dân với đơn vị quản lý khu chung cư
không được phản ánh, giải quyết đầy đủ, kịp thời, gây bức xúc cho cả hai
bên.
Mặc dù khu đô thị mới Việt Hưng (quận Long Biên) đã được
đưa vào sử dụng mấy năm nay, nhưng đến nay, các công trình hạ tầng xã
hội như: nhà trẻ, trường mầm non, trường tiểu học công lập, nhà văn hóa
khu đô thị nằm trong quy hoạch, nhưng chưa được xây dựng, khiến người
dân mười tổ dân phố (từ tổ số 8 đến tổ 17) rất bức xúc. Nhiều diện tích
bố trí là điểm sinh hoạt cộng đồng của người dân bị chính đơn vị quản lý
tận dụng làm nơi trông giữ xe ô-tô. Hai tổ dân phố chỉ được bố trí sử
dụng chung một điểm sinh hoạt cộng đồng. Người dân đã nhiều lần, nhiều
năm đề nghị chủ đầu tư tổ chức hội nghị chung cư, bầu ban quản trị, xây
dựng quy chế quản lý chung cư... nhưng đến nay chưa có hồi âm. Người dân
không được tham gia thảo luận, quyết định mức giá dịch vụ cũng như các
vấn đề liên quan trực tiếp đến quá trình quản lý, vận hành, bảo trì tòa
nhà. Các ý kiến đóng góp, kiến nghị không được quan tâm. Việc khắc phục
các hỏng hóc thường chậm trễ. Ông Võ Minh Ðiền, Tổ trưởng tổ dân phố số
10 cho biết, ngay tại hội nghị nhân dân năm 2012 tổ chức ngày 12-2 vừa
qua, người dân tiếp tục đưa ra nghị quyết kiến nghị chủ đầu tư tháo gỡ
các vướng mắc tồn tại nhiều năm. Ðịa điểm sinh hoạt chung của cả khu đô
thị không có cho nên trong đợt chúc thọ người cao tuổi dịp đầu Xuân Nhâm
Thìn tổ chức tại trụ sở tổ dân phố số 10 (địa điểm rộng nhất cả khu)
vẫn rất chật chội.
Ðến cuối năm 2009, sau rất nhiều lần kiến
nghị, người dân của khu dân cư được giao quản lý hai phòng sinh hoạt
cộng đồng tại nhà N5D, N2A. Tại đây, người dân đóng góp tiền mua sắm bàn
ghế, ấm chén và cử ra tổ quản lý gồm ba thành viên. Khi có nhu cầu tổ
chức hoạt động tập thể, các đoàn thể, tổ dân phố chỉ cần đăng ký thời
gian, số lượng người dự kiến với tổ quản lý. Tổ sẽ tiến hành kê dọn bàn
ghế, chuẩn bị nước uống... Từ ngày nhà sinh hoạt cộng đồng hoạt động,
các đoàn thể tổ chức hội họp, các hoạt động văn hóa văn nghệ, người dân
có địa điểm tổ chức hiếu hỷ, sinh nhật... Sau khi có điểm sinh hoạt cộng
đồng, hội nghị nhà chung cư được tiến hành, bầu ra ban quản trị gồm 17
thành viên. Trong đó có sự tham gia của chính quyền, chủ đầu tư, người
dân, đại diện tổ dân phố với vai trò giám sát công tác vệ sinh môi
trường, kinh tế tài chính, an ninh trật tự, sửa chữa... Ban Quản trị
trực tiếp lựa chọn, ký hợp đồng dịch vụ, cho nên chất lượng các dịch vụ
bảo đảm, giá hợp lý. Các sự cố trong quá trình sử dụng được kịp thời
khắc phục. Ðối với những tòa nhà sử dụng cầu thang máy, đơn vị quản lý
nhà còn đầu tư máy phát điện dự phòng khi mất điện. Ông Ðỗ Ngọc Hiểu cho
rằng, nhờ có địa điểm sinh hoạt cộng đồng, Ban Quản trị hoạt động nền
nếp cho nên việc quản lý, vận hành, bảo trì và khai thác hiệu quả công
năng các tòa nhà đạt hiệu quả. Các đóng góp, kiến nghị chính đáng của
người dân nhanh chóng được bàn bạc, thực hiện.
Có hai nguyên nhân chính dẫn đến hiện tượng thiếu đồng bộ, khiếm khuyết hạ tầng tại các khu đô thị mới và các khu tái định cư của Hà Nội. Ðó là thiếu quy hoạch ngay từ đầu và việc chạy theo lợi nhuận khiến chủ đầu tư chỉ tập trung vào phần công trình sinh lợi cao mà không quan tâm đến phần công trình sinh hoạt cộng đồng cho người dân. Ðể khắc phục tình trạng này, cần rà soát quy hoạch tổng thể các khu đô thị, bảo đảm có công trình sinh hoạt cộng đồng cho người dân. Các ngành chức năng cần xây dựng các quy định về trách nhiệm phối hợp với chính quyền của các nhà đầu tư, giám sát của cộng đồng dân cư và với công tác quy hoạch, tránh manh mún, chia nhỏ. Thành phố vừa có cơ chế khuyến khích các nhà đầu tư xây dựng các công trình phục vụ lợi ích công cộng, đồng thời cũng phải có chế tài xử lý những đơn vị cố tình phớt lờ hoặc chậm trễ trong thi công công trình sinh hoạt cộng đồng của người dân.