Những con số ấn tượng
Theo thống kê của Colliers, trong 6 tháng đầu năm 2011, tổng doanh thu hàng hóa bán lẻ của Việt Nam đạt khoảng 914.000 tỷ đồng (tương đương 44,58 tỷ USD), tăng 22,8% so với cùng kỳ năm trước, đồng thời theo đúng mức tăng trưởng ổn định trong những năm 2005 - 2009.
Với riêng thị trường bán lẻ Hà Nội, vẫn đang trên đà phát triển trong những năm gần đây, bất chấp suy giảm về kinh tế. Các cửa hàng mặt phố nay phải đối mặt với những đối thủ như siêu thị hiện đại, cửa hàng tiện ích, trung tâm mua sắm và trung tâm thương mại tổng hợp cao cấp. Tuy vậy, cửa hàng mặt phố vẫn chiếm thị phần lớn nhất của thị trường bán lẻ Hà Nội.
Theo khảo sát của Công ty kinh doanh dịch vụ bất động sản CB Richard Ellis (CBRE) Việt Nam, tốc độ tăng trưởng doanh thu của thị trường bán lẻ Việt Nam
sẽ vượt trên 25% trong năm 2011, với doanh thu ước đạt trên 1.500.000
tỷ đồng. Với thị trường Hà Nội, mặc dù có nhiều trung tâm thương mại
nhưng những khu mua sắm cao cấp theo phong cách và mô hình quản lý hiện
đại vẫn chưa nhiều.
Thực tế, nguồn cung của thị trường bán lẻ Hà Nội trong quý I/2011 ở mức 11.000 m2, trong đó tỷ lệ trống là 12,5%; giá chào thuê trung bình là 57,7 USD/m2/tháng đối với khu vực trung tâm và 34,5 USD/m2/tháng với khu vực ngoài trung tâm. Dự kiến, nguồn cung của phân khúc thị trường này đến cuối năm 2011 sẽ vào khoảng 300.000 m2.
Còn theo báo cáo quý II/2011 của Savills Việt Nam,
các dự án mới đi vào hoạt động có công suất thuê ban đầu tốt. Giá thuê
của các trung tâm thương mại tại các quận nội thành tăng đáng kể, khoảng
20% so với quý I.
Đặc biệt, hình thức cho thuê diện tích bán lẻ dài hạn thu hút được sự quan tâm của nhiều nhà đầu tư. Giá chào sơ cấp diện tích bán lẻ tại các trung tâm bán lẻ đạt 1.500 - 5.400 USD/m2 cho thời hạn thuê 30 - 50 năm. "Nguồn cầu cho diện tích bán lẻ tăng. Có khoảng 70 nhà bán lẻ trong nước và quốc tế đã mở rộng số lượng cửa hàng tại các trung tâm bán lẻ Hà Nội", ông John Gallander, Giám đốc điều hành Savills Hà Nội cho biết.
Mô hình phổ biến trong tương lai
Theo Colliers, nửa cuối năm 2011 dự báo có nhiều sự kiện lớn trong ngành bán lẻ, với nguồn cung mặt bằng dồi dào đi vào hoạt động. Tất cả ba trung tâm bán lẻ sắp mở cửa đều nằm ở các khu vực ngoại thành Hà Nội, một ở Từ Liêm, hai ở Long Biên.
Đến hết năm 2013, tổng nguồn cung mặt bằng bán lẻ hiện đại dự kiến đạt 1.600.000 m2, gấp hơn 5 lần hiện tại. Một số dự án đáng chú ý nhất bao gồm: Mê Linh Plaza Hà Đông (năm 2012, tổng diện tích 55.000 m2), Ciputra Hanoi Mall (năm 2012, tổng diện tích 130.000 m2), U-Silk City (năm 2013, tổng diện tích 70.000 m2), Royal City (năm 2013, tổng diện tích 200.000 m2) và Times City (năm 2013, tổng diện tích 230.000 m2).
"Trong thời gian tới, khi nguồn cung tăng lên, các khách thuê sẽ có nhiều lựa chọn hơn. Đây cũng là áp lực cho các chủ đầu tư phải tăng cường hoạt động quảng bá và các chính sách ưu đãi để thu hút khách thuê, cũng như đưa vào các thương hiệu và dịch vụ mới nhằm đáp ứng nhu cầu đa dạng của người tiêu dùng", đại diện Colliers nói.
Ông Richard Leech, Giám đốc điều hành CBRE Việt Nam cho rằng, người tiêu dùng Hà Nội ngày càng quen thuộc với phong cách mua sắm tại các trung tâm thương mại, siêu thị và bách hoá tổng hợp. Tuy nhiên, các cửa hàng mặt phố vẫn phổ biến trong khu trung tâm do thiếu hụt các địa điểm bán lẻ đúng tiêu chuẩn. Bởi thế, những trung tâm mua sắm ngoài khu vực trung tâm cần phải có tầm nhìn dài hạn và tích cực hơn trong các chiến lược quảng bá và cho thuê.
Ông Richard Leech khẳng định, với nhu cầu ngày càng tăng và sự phát triển của khu đô thị, thì các trung tâm thương mại quy mô lớn sẽ trở thành mô hình bán lẻ phổ biến trong tương lai. Một ví dụ được CBRE đưa ra là 8 khu trung tâm thương mại lớn tại trung tâm Hà Nội đã được lấp đầy diện tích và phân khúc thị trường này vẫn còn nhiều hấp dẫn trong chiến lược phát triển của thị trường bất động sản.