02/12/2020 4:50 PM
Dịch bệnh đã thay đổi tư duy đầu tư của nhiều khách hàng, khiến các công ty địa ốc phải dùng đủ chiêu để "câu" khách.

Dịch bệnh phá vỡ quy luật, doanh nghiệp tung chiêu "câu" khách

Theo dữ liệu thống kê, tổng lượng tin rao bán nhà đất toàn thị trường TP.HCM trong tháng 10/2020 giảm thêm 4% so với tháng 9, nhu cầu mua hoàn toàn đứng yên, bất chấp thị trường có thêm nhiều sản phẩm mới rao bán.

Thậm chí với dòng sản phẩm đất thổ cư, đất nền dự án và biệt thự/ nhà phố, nhu cầu tìm mua còn giảm từ 3-5% so với tháng 9. Với các tỉnh thành khác như Vũng Tàu, Long An, Đồng Nai, Lâm Đồng, nhu cầu mua giảm từ 3-9% so với tháng trước.

Trao đổi với PV báo Dân trí, ông Thế Anh, một chuyên viên môi giới BĐS tại TP.HCM khẳng định: Chưa bao giờ, thị trường BĐS cuối năm lại ảm đạm như năm nay.

Theo vị này, thời gian qua, thị trường BĐS cả nước nói chung, và BĐS các tỉnh phía Nam nói riêng nhận được lực đẩy mạnh từ các thông tin tích cực như: lãi suất ngân hàng đang thấp "kỷ lục", đề án xây dựng thành phố Thủ Đức, sân bay Long Thành (Đồng Nai) và một số dự án hạ tầng giao thông trọng điểm khác.

Tuy nhiên, giới đầu tư vẫn còn tâm lý dè chừng bệnh bùng phát và lo sợ thị trường "đóng băng", nên khối lượng giao dịch ít.

"Dịch bệnh đã thay đổi tư duy đầu tư của nhiều khách hàng. Họ cẩn thận hơn và đề phòng hơn. Nếu như trước đây, tôi chỉ cần tư vấn khách hàng trong 1 tuần đã có thể chốt được doanh số.

Thì thời điểm này, nhà đầu tư không rót tiền ồ ạt như trước, thay vào đó, nhiều khách quen lựa chọn các sản phẩm BĐS có giá trị thấp hơn, dòng tiền nhỏ giọt hơn", ông Thế Anh nói.

Để kích cầu thị trường trong giai đoạn khó khăn như hiện nay, một số doanh nghiệp BĐS đã áp dụng các chương trình ưu đãi, đơn cử như tăng chiết khấu sản phẩm, tặng quà đi kèm hoặc giảm trực tiếp vào giá nhà ở.

dich benh pha vo quy luat doanh nghiep dia oc tung chieu cau khach

Giới đầu tư vẫn còn tâm lý dè chừng bệnh bùng phát và lo sợ thị trường "đóng băng", nên khối lượng giao dịch ít hơn so với mọi năm. Ảnh minh họa: Hữu Nghị

Đặc biệt, áp dụng chính sách đầu tư BĐS có đảm bảo, thông qua cam kết mua lại sản phẩm với lãi suất 6 - 12%/năm.

Đại diện một doanh nghiệp BĐS giải thích: "Ví dụ, nếu nhà đầu tư quyết định rót 3 tỷ đồng, để mua một căn hộ thuộc dự án của công ty. Nếu 1 năm sau, nhà đầu tư có nhu cầu bán, phía công ty sẽ cam kết mua lại với giá gốc là 3 tỷ đồng, kèm theo 12% lợi nhuận phát sinh, khoảng 3,32 tỷ đồng. Tuy nhiên, nếu giá thị trường cao hơn, khách hàng hoàn toàn có thể giao dịch bên ngoài".

"Bắt mạch" thị trường BĐS trong năm 2021

Có cái nhìn tích cực hơn về thị trường, ông Bùi Văn Doanh, Viện trưởng Viện nghiên cứu Bất động sản Việt Nam dự báo, có 2 kịch bản có thể xảy ra đối với thị trường bất động sản Việt Nam trong năm 2021.

Thứ nhất, khi các chỉ tiêu vĩ mô trên được đảm bảo (điều kiện tiên quyết là dịch bệnh được kiểm soát - theo nghĩa rộng không chỉ ở Việt Nam) thì thị trường bất động sản sẽ phát triển ở mức cao hơn năm 2019, thậm chí sẽ có sự bùng nổ ở một vài phân khúc và thị trường khu vực nhất định.

"Chắc chắn sẽ tiếp tục có những siêu dự án với quy mô lớn và rất lớn được đầu tư dưới dạng các tổ hợp du lịch, nghỉ dưỡng, giải trí với hạ tầng tốt, được khai thác, vận hành một cách đồng bộ, xây dựng theo hướng xanh - thông minh.

Đó sẽ là những dự án tạo ra sức nóng và sự dẫn dắt trên thị trường. Năm 2021, chúng ta có thể hy vọng vào một bức tranh tươi sáng hơn", ông Doanh nói.

dich benh pha vo quy luat doanh nghiep dia oc tung chieu cau khach

Theo các chuyên gia, bản thân doanh nghiệp có thể tận dụng thời gian dịch bệnh như một cơ hội để tái cơ cấu và thay đổi chiến lược đầu tư. Ảnh minh họa: Hữu Nghị

Đặc biệt, với những chuyển biến mới của nhiệm kỳ mới và khi dịch được kiểm soát, các yếu tố pháp lý từng bước được hoàn thiện, thị trường bất động sản năm 2021 sẽ bước vào chu kỳ phát triển mới với những sinh khí mới.

Ngoài ra, những chính sách hỗ trợ từ Chính phủ, những nhà đầu tư đủ tự tin kiểm soát tài sản và tiềm lực tài chính sẽ có cơ hội tốt để tiếp cận với nguồn cung dồi dào và giá tốt hơn trong tương lai.

Thứ hai, khi các chỉ tiêu vĩ mô trên không được đảm bảo (tình hình dịch bệnh trong nước và trên thế giới không thể kiểm soát), thị trường bất động sản năm 2021 vẫn sẽ giữ được mức như năm 2020, dù một số phân khúc và thị trường (phụ thuộc nhiều vào khách du lịch) sẽ gặp nhiều trở ngại.

Và nếu như không có sự can thiệp của Chính phủ và sự chủ động, thích ứng của doanh nghiệp, về lâu dài, có thể dẫn đến tình trạng đóng băng của thị trường bất động sản.

"Nhìn chung, dưới góc nhìn tích cực nhưng thận trọng, chúng tôi cho rằng, năm 2021 vẫn là năm của sự chủ động và linh hoạt thích ứng, với một tầm nhìn dài hạn và chuyên tâm hơn trong việc phát triển các sản phẩm của doanh nghiệp kinh doanh bất động sản", ông Doanh nói.

Bản thân doanh nghiệp có thể tận dụng thời gian dịch bệnh như một cơ hội để tái cơ cấu và thay đổi chiến lược đầu tư, hướng tới phân khúc bất động sản có tiềm năng lớn như bất động sản công nghiệp hay nhà ở giá bình dân. Đồng thời, hoàn thành các thủ tục liên quan đến đất đai, cấp phép nhằm đón đầu cho chu kỳ phát triển bất động sản tiếp theo trong vòng 1 - 2 năm tới.

Việt Vũ (Dân Trí)
  • Facebook
  • Chia sẻ
  •   Lưu tin
  •   Báo cáo

    Báo cáo vi phạm
     
Mọi ý kiến đóng góp cũng như thắc mắc liên quan đến thị trường bất động sản xin gửi về địa chỉ email: [email protected]; Đường dây nóng: 0942.825.711.