Nhiều doanh nghiệp, nhà đầu tư đã rót vốn vào Đồng
Nai, Long An và chờ đợi các địa phương này kết nối sâu rộng với TP HCM.
Một trong những kỳ vọng của giới kinh doanh là các tỉnh lân cận có thể
thu hút đầu tư, giãn dân từ Sài Gòn theo mô hình đô thị vệ tinh.
So với năm 2009-2010, khả năng lấp đầy, hoàn thiện của
các dự án này diễn ra chậm. Tuy nhiên, tốc độ chạy đua công bố, mở bán,
mời gọi đầu tư của hàng loạt dự án giáp ranh TP HCM lại dồn dập trong
năm 2011.
Xét về số lượng dự án được mở bán và công bố, Đồng Nai
bung hàng nhiều hơn Long An. Ngày 3/12, Tập đoàn Đất Xanh tiếp tục mở
bán khu đô thị thương mại Phúc Long tại Khu đô thị Suối Son. Cùng nhập
cuộc đua, cuối tháng 11, Công ty cổ phần địa ốc Thăng Long mở bán đợt ba
gồm 200 nền nhà liên kế và biệt thự thuộc Khu đô thị mới Phước An -
Nhơn Trạch, Đồng Nai.
Theo Công ty địa ốc Thăng Long, sở dĩ đơn vị này tung
hàng vào cuối năm vì trong quý 3, tỉnh Đồng Nai đã công bố quyết định
của Chính phủ về quy hoạch cảng sân bay quốc tế Long Thành với tổng mức
đầu tư ước hơn 10 tỷ USD. Theo quy hoạch, sân bay này kết nối với đường
cao tốc Biên Hòa - Vũng Tàu, TP HCM - Long Thành - Dầu Giây, đường vành
đai 4, đường sắt đô thị Thủ Thiêm -Long Thành. Đây là tiền đề giúp liên
kết vùng của khu Đông Nam Bộ tốt hơn, tạo sức hút đối với nhà đầu tư.
Khách hàng tìm hiểu thông tin về dự án khu đô thị thương mại vùng ven. Ảnh: V.L.
Trên thực tế, Đồng Nai có khá nhiều khu đô thị mới
ngóng đợi tiến độ hạ tầng để đẩy nhanh tiến độ xây dựng và tiếp tục mở
bán sản phẩm. Đó là Khu đô thị mới Phước An, khu dân cư Long Tân, khu đô
thị mới Mỹ Lợi - Phước An, khu đô thị Đông Sài Gòn, khu đô thị mới Hoa
Sen Đại Phước...
Không chỉ có đất nền, khu công nghiệp cũng chờ đường
xá thông suốt để mời gọi nhà đầu tư. Đón sóng hạ tầng, Công ty Phát
triển Khu công nghiệp Biên Hòa (Sonadezi) chạy đua hoàn thiện Khu công
nghiệp Giang Điền để kịp vận hành khi nhà đầu tư có nhu cầu.
Lãnh đạo Công ty Sonadezi cho hay, doanh nghiệp đang
xây dựng nhà máy xử lý nước thải tập trung và mời gọi các dự án sử dụng
công nghệ cao, ít ô nhiễm môi trường. Theo chủ đầu tư, trong tổng số
diện tích 529,2 ha, đã có 100 ha hoàn thiện cơ sở hạ tầng, sẵn sàng đón
nhà đầu tư.
Giáp ranh với phía Tây của TP HCM, tỉnh Long An cũng
có hàng loạt dự án được công bố và mở bán ăn theo hạ tầng đường cao tốc
TP HCM - Trung Lương, mở rộng quốc lộ 51, đường cao tốc Bến Lức - Long
Thành... Nhiều tập đoàn lớn như: Khang Thông, Đồng Tâm, Nam Long… cũng
lần lượt đầu tư các khu đô thị phức hợp vùng ven để đón lợi thế hạ tầng.
Các dự án đó là Khu đô thị Nam Long - Vàm Cỏ Đông, Happy Land, Làng
sinh thái du lịch Eco Village, Long Hội City, Five Stars... Công ty cổ
phần xây dựng và kinh doanh địa ốc Hòa Bình cũng vừa đàm phán thành công
việc chuyển nhượng một phần vốn khu công nghiệp Hòa Bình - Long Hậu ở
Long An cho nhà đầu tư Nhật.
Nhận định về cuộc chạy đua đầu tư và mở bán bất động
sản giáp ranh TP HCM, Giám đốc bộ phận nghiên cứu thị trường bất động
sản Công ty GIBC, Huỳnh Phước Nghĩa phân tích: " Có
rất nhiều lý do khiến cho các doanh nghiệp, nhà đầu tư săn đất ven đô
và tung hàng hiện nay. Nguyên nhân quan trọng nhất là khát vọng sở hữu
tài sản và kỳ vọng sự kết nối giao thông với TP HCM trong vài năm tới
quá lớn".
Theo ông Nghĩa, thứ nhất, xét ở góc nhìn sở hữu tài
sản, đất nền là tài sản có giá trị bền vững, thậm chí tăng theo từng năm
nên chiếm nhiều ưu thế hơn tài sản trên đất. Xu hướng chung hiện nay
doanh nghiệp, người dân và cả nhà đầu tư đang chuyển dần sang hình thức
nắm quyền sử dụng đất và tránh sở hữu tài sản trên đất để giảm thiểu rủi
ro. Đây cũng được xem là nền tảng ban đầu trong việc tích lũy tài sản
của người dân và doanh nghiệp.
Thứ hai, xét ở góc nhìn giá cả, đất vùng ven còn rất
rẻ, tiềm năng sinh lời cao nếu hạ tầng "chạy" đúng tiến độ. Đất nền tại
TP HCM hoặc giá quá đắt hoặc không còn nhiều sự lựa chọn là lý do nhiều
người vẫn chuộng sở hữu đất ven đô.
Ông Nghĩa cũng cho rằng trong vòng 5 năm tới, giao
thông kết nối TP HCM với các vùng lân cận như: Đông Nam Bộ, Đồng bằng
sông Cửu Long sẽ tốt dần lên. Thời gian di chuyển đi về Sài Gòn vì vậy
cũng sẽ rút ngắn và là thời điểm thích hợp định hình các khu đô thị vệ
tinh. Nhận định về tiềm năng của các khu công nghiệp ở các tỉnh giáp
ranh TP HCM, ông Nghĩa cho rằng, đây là "bà đỡ" cho các khu đô thị vệ
tinh vì khi các khu công nghiệp hoạt động sẽ giúp quá trình đô thị hóa ở
khu vực này diễn ra nhanh hơn.
Trong khi đó, một chuyên gia bất động sản khuyến cáo, cả doanh nghiệp, nhà đầu tư và người mua bất động sản nhỏ lẻ cần lưu ý đầu tư địa ốc ven Sài Gòn đựa trên chỉ số kỳ vọng vào quy hoạch tương lai nên có khoảng cách nhất định với thực tế. "Giá trị của suất đầu tư phụ thuộc lớn vào tính khả thi của các quy hoạch giao thông hạ tầng trong 5-7 năm nữa. Kênh đầu tư này vì vậy chỉ phù hợp với những dòng vốn nhàn rỗi, không bị áp lực ngân hàng", ông đưa ra lời khuyên.