Đồng loạt giảm giá ở các phân khúc đang là tình trạng chung của thị trường BĐS Hà Nội hiện nay. Theo nhận định của chuyên gia, lãnh đạo trong ngành thì giá BĐS sẽ vẫn tiếp tục giảm trong thời gian tới.

Đông, Tây đều giảm

Theo khảo sát trên thị trường hiện nay, các khu đô thị mới ở phía Tây Hà Nội đều đang giảm mạnh. Nếu như đầu năm nay, nhà liền kề thuộc dự án Vân Canh - HUD được bán phổ biến trên thị trường thứ cấp ở giá xấp xỉ 60 triệu đồng/m2 thì nay chỉ còn 40 triệu đồng/m2.

Địa ốc Hà Nội tiếp tục rơi vào vòng xoáy giảm giá
Giá BĐS được nhận định sẽ còn tiếp tục giảm. Ảnh: Nguyễn Lê

Dự án Kim Chung - Di Trạch cũng nằm trong top giảm giá mạnh, giá đất liền kề từ đầu năm đến nay đã giảm từ 10 - 13 triệu đồng/m2, hiện đang được giao dịch ở giá 40 - 42 triệu đồng/m2

Tương tự, dự án khu đô thị mới Thanh Hà – Cienco 5 cũng giảm đáng kể, đến nay giá chào bán đất liền kề chỉ ở mức 30 - 32 triệu đồng/m2, biệt thự từ 25 - 28 triệu đồng/m2. Cùng với đó, các dự án ở khu đô thị Văn Khê, Văn Phú… cũng giảm khoảng từ 4 - 8 triệu đồng/m2 so với thời điểm trước đây.

Khu vực phía Đông Hà Nội, các phân khúc của thị trường cũng có giá “mềm” hơn trước rất nhiều. Cụ thể, tại quận Long Biên, giá đất dự án khu đô thị mới Việt Hưng 40 - 42 triệu đồng/m2 đối với biệt thự, liền kề khoảng trên 50 triệu đồng/m2 tuỳ vị trí (giảm khoảng 10 triệu đồng/m2 so với thời điểm sốt trước đây), chung cư chỉ khoảng 19 - 20 triệu đồng/m2.

Ở huyện Gia Lâm, liền kề khu đô thị mới Đặng Xá đang giao dịch với giá từ 48-50 triệu đồng/m2, chung cư Đặng Xá giá 16 triệu đồng/m2…

Theo quan sát, thị trường BĐS Hà Nội nói chung hiện không chỉ giảm giá mạnh mà lượng giao dịch cũng rất trầm lắng, đìu hiu, ít có giao dịch thành công.

Giá BĐS sẽ còn giảm tiếp

Sở dĩ giá địa ốc Hà Nội rơi vào vòng xoáy giảm mạnh được nhiều chuyên gia trong ngành nhận định là bởi nguồn cung đang quá dồi dào. Thêm vào đó, chính sách thắt chặt tín dụng đối với lĩnh vực phi sản xuất trong đó có BĐS cộng với lãi suất ngân hàng tăng cao khiến nhiều chủ dự án, nhà đầu tư “khát” vốn nên có tâm lý muốn “xả” hàng để quay vòng vốn.

Ông Phạm Thanh Hưng, Phó Tổng giám đốc Tập đoàn BĐS Thế Kỷ cho hay, đối với những khu đô thị mới nằm ngoài khu vực nội thành có một tỷ lệ rất lớn người mua là các nhà đầu tư, vì vậy khi thị trường tài chính tiền tệ thắt chặt, kinh tế vĩ mô gặp khó khăn thì hiệu quả đầu tư đạt được là không cao. Lý do chính là chi phí vốn lớn, nhu cầu đầu tư cũng như sử dụng đều giảm kèm theo các chi phí về triển khai dự án cũng tăng. Vì vậy, các nhà đầu tư có xu hướng cắt lỗ bằng cách bán giảm giá, để chuyển sang đầu tư ở những kênh khác.

Nhận định về việc giá BĐS có giảm tiếp hay không, ông Hưng cho rằng, điều này còn phụ thuộc vào tình hình thay đổi của kinh tế vĩ mô và các yếu tố tác động về cung cầu của thị trường, khó phán đoán chính xác. Nhưng, theo ông Hưng ít nhất trong vòng từ nay đến cuối năm khó có khả năng tăng giá.

Tuy nhiên, theo Thứ trưởng Bộ Xây dựng Nguyễn Trần Nam, giá nhà đất liên tục giảm thời gian gần đây không hẳn là do thị trường đóng băng, mà nó đang bước vào chu kỳ mới ổn định. Nhu cầu về nhà ở trong dân chúng vẫn còn nhiều và thị trường BĐS sẽ tiếp tục phát triển trong tương lai. Còn khi giảm giá 10-30% như hiện nay thì chủ đầu tư vẫn có lãi cao. “Giá nhà đất đang giảm và sẽ còn giảm tiếp trong thời gian tới. Giá BĐS bị đẩy lên quá cao, do đầu cơ chứ không phải do cung cầu thực tế của thị trường” - Thứ trưởng nhận định.

Theo Nguyễn Lê (Lao Động)
  • Facebook
  • Chia sẻ
  •   Lưu tin
  •   Báo cáo

    Báo cáo vi phạm
     
 
Mọi ý kiến đóng góp cũng như thắc mắc liên quan đến thị trường bất động sản xin gửi về địa chỉ email: [email protected]; Đường dây nóng: 0942.825.711.