Trong khi thị trường bất động sản phía Nam, việc chào bán các dự án rất chuyên nghiệp, thông tin pháp lý được công bố rõ ràng… thì tại miền Bắc, các nhà đầu tư “ưa thích” việc mua bán thông qua việc rỉ tai, truyền miệng thậm chí chỉ cần vài tờ giấy vẽ dự án “ma” là có thể huy động cả chục tỷ đồng chỉ trong thời gian ngắn.
Bằng chứng, tại Hà Nội đã xảy ra khá nhiều vụ lừa đảo lớn về bất động sản. Đơn cử như án “ma” Dương Nội – Indochinal vừa được phanh phui, trong đó đối tượng chủ mưu đã vẽ một sơ đồ “giả” dự án Dương Nội B của Tập đoàn Nam Cường, sau đó làm giả chữ ký, con dấu các văn bản pháp lý dự án để lừa đảo khách hàng thu lợi gần chục tỷ đồng.
Hay như dự án Thuận Thành 3- Bắc Ninh mặc dù chưa giải phóng xong mặt bằng nhưng hàng trăm nhà đầu tư đã đổ xô vào mua trên giấy để bây giờ mắc cạn…
Bên lề hội thảo về vướng mắc trong khuôn khổ pháp lý thị trường bất động sản, tiến sĩ Phạm Sĩ Liêm – Phó chủ tịch Tổng hội Xây dựng Việt Nam đã chỉ ra rằng, thị trường bất động sản đang cạnh tranh không lành mạnh. Người bán đang chiếm lợi thế hơn người mua. Vì vậy cần nhanh chóng đưa ra chế tài mới để bảo vệ người tiêu dùng bởi họ đang chịu quá nhiều thua thiệt.
Theo ông Liêm, vướng mắc trong mua bán, sử dụng nhà đất có rất nhiều nguyên nhân. Thứ nhất là thiếu hiểu biết về pháp luật trong khi bất động sản là loại hàng hóa rất đặc biệt, có giá trị lớn nhưng rất ít nhà đầu tư khi tham gia mua bán bất động sản mà bỏ thời gian tìm đến các nhà tư vấn pháp luật để có được lời khuyên đầy đủ về tính pháp lý dự án.
Thứ hai, luật pháp đang thể hiện nhiều khiếm khuyết lớn. Đơn cử, như việc huy động vốn tại điều 14 luật kinh doanh bất động sản, điều 9/NĐ 71, và điều 8/TT 16 có quy định việc ứng tiền trước khi mua bất động sản. Trong đó, người bán được huy động vốn, góp vốn dưới hình thức đặt cọc, vay vốn, ký quĩ. Tuy nhiên, hợp đồng đặt cọc, vay vốn luôn thể hiện cam kết một phía có lợi cho người bán và thông thường những hợp đồng này đều do chủ đầu tư soạn thảo theo hướng có lợi nhất cho mình, rủi ro đẩy về phía người mua với cam kết nếu dự án không thực hiện sẽ thanh toán theo lãi suất thỏa thuận giữa hai bên. Ngoài ra, chỉ có hình thức ký quỹ là khá an toàn cho người mua tức là khi mua bất động sản người mua sẽ nộp tiền vào tài khoản người bán tại ngân hàng. Tài khoản này được phong tỏa, ngân hàng sẽ cho bên bán vay tiền nếu bên bán chậm triển khai dự án sẽ phải trả lãi suất. Tuy nhiên, hình thức này ít được sử dụng trên thị trường.
Đồng quan điểm, bà Nguyễn Thị Mai – Ban Pháp chế hiệp hội kinh doanh bất động sản Hà Nội cho rằng, hiện pháp luật kinh doanh bất động sản còn thiếu các quy định nhằm xác lập cơ chế pháp lý đồng bộ, có hiệu quả để xử lý tình trạng đầu cơ, mua bán đất cát lòng vòng để kiếm lời, đẩy giá nhà lên cao so với thực tế gây thiệt hại cho người mua nhà.
Bên
cạnh đó, mặc dù pháp luật kinh doanh bất động sản đã đưa ra nhiều quy
định có tác động tích cực đến thị trường song chưa đủ mạnh. Việc thiếu
các quy định về xây dựng, lưu trữ, công bố hệ thống cơ sở thông tin, dữ
liệu về thị trường đang khiến cho người mua gặp nhiều khó khăn trong
việc tiếp cận thông tin chính thức từ phía cơ quan quản lý và chủ đầu
tư.
tag: bds ha noi