Ít có giao dịch thành công
Ghi nhận của CBRE Việt Nam, trong quý vừa qua có 1.700 căn hộ chào bán mới, con số này khá khiêm tốn so với 17.000 căn được tung ra thị trường nửa đầu năm 2011. Theo thông lệ, thị trường thường chậm lại vào tháng 7 âm lịch, phần nào lý giải việc nguồn cung giảm mạnh.
Bên cạnh đó, sự hấp dẫn của các kênh đầu tư khác như vàng và tiền gửi ngân hàng cũng hút sự chú ý ra khỏi thị trường căn hộ. Mặt khác, nhiều dự án lớn chỉ tung một phần nhỏ trên tổng số cung của dự án, khoảng 150 căn hoặc ít hơn, nhiều khả năng để thăm dò thị trường trong thời điểm khó khăn.
Giá chào bán thứ cấp có xu hướng giảm, trong khi phân khúc bình dân và trung cấp duy trì được mức giá của quý trước, phân khúc cao cấp và hạng sang chứng kiến giá giảm nhẹ, khoảng 2% so với quý trước.
Thị trường BĐS Hà Nội khó có thể tăng giá trong thời gian tới, Ảnh: Hải Nguyễn
Khu vực phía Đông, bao gồm Long Biên và Gia Lâm có mức giá chào bán ổn định hoặc tăng nhẹ, khoảng 3% so với trước. Điều này trái ngược với xu hướng giảm giá chung của thị trường, phản ánh mối quan tâm ngày càng tăng đối với khu vực phía Đông. Trong khi đó, bức tranh khu vực phía Tây đa dạng hơn khi quận Cầu Giấy và Từ Liêm có mức giá chào bán ổn định, quận Hà Đông tiếp tục giảm nhiệt với mức giá chào bán giảm 2,5% so với quý trước.
Nhu cầu trong quý chủ yếu đến từ người mua để ở, còn lại là từ các nhà đầu tư dài hạn, những người sẵn sàng giữ căn hộ đến khi bàn giao nhà. Theo quan sát của CBRE, dự án hạng sang ở các quận trung tâm vẫn thu hút được mức quan tâm nhất định từ người mua. Mặt khác, nguồn cung thấp tại mỗi dự án, khoảng 200 căn với mức giá rất cao, trên 80 triệu đồng/m2 thể hiện rõ nét đẳng cấp của người mua. Quyết định mua tại những dự án này dựa trên yếu tố tâm lý, sở thích của người mua hơn là cân nhắc được, mất về mặt tài chính.
Quý 4 này được kỳ vọng là thời điểm sôi động nhất trong năm, do nhiều người có xu hướng hoàn tất việc mua bán nhà để ổn định trước tết và giải ngân khoản tiền thặng dư vào dịp cuối năm. Điều này dự kiến sẽ chấm dứt xu hướng giảm của giá chào bán trên thị trường thứ cấp.
Thị trường nhà đất trong các khu đô thị của Hà Nội tiếp tục trầm lắng trong quý 3, sự tăng giá đơn lẻ ở một vài dự án nếu có chủ yếu do tác động của hoạt động đầu cơ. Số giao dịch thành công thực tế rất ít. Những diễn biến này là hệ quả của tình hình kinh tế khó khăn làm hạn chế lượng tiền mặt và tín dụng đầu tư vào bất động sản.
CBRE cho rằng, việc ngân hàng Nhà nước nới lỏng lãi suất gần đây có thể báo hiệu sự phục hồi của nền kinh tế. Tuy nhiên, thị trường BĐS sẽ phải mất một thời gian để thực sự thấy được tác động của chính sách này, do đó giá sẽ khó tăng trong thời gian tới. Trong lúc này, các hoạt động ưu đãi, giảm giá, các hoạt động tiếp thị cùng với sự minh bạch trong thông tin là các cách để đẩy nhanh tốc độ bán sản phẩm nhà đất.
Bên cạnh đó, theo dự báo của Savills, thị trường BĐS từ giờ đến cuối năm sẽ là gam màu sáng - tối đan xen. Ngoài ảnh hưởng từ yếu tố vĩ mô còn phục thuộc rất nhiều vào chủ đầu tư có sẵn sàng có thay đổi về giá trị, vị trí sản phẩm.
Ông Trần Như Trung, Giám đốc Bộ phận tư vấn và nghiên cứu của Savills cho biết, vào thời điểm 2008-2009, việc thuyết phục chủ đầu tư thay đổi phương án kinh doanh là rất khó khăn. Thế nhưng, gần đây việc thuyết phục trở nên dễ dàng hơn nhiều chủ đầu tư đã cởi mở hơn. Trong đó 70% số chủ đầu tư được hỏi sẵn sàng thay đổi chiến lược kinh doanh trong đó hơn 1 nửa chọn thay đổi sản phẩm và chất lượng, diện tích các sản phẩm BĐS. 20% chọn thay đổi địa điểm, 20% thay đổi cách bán hàng.
Savills cho rằng, hiện lượng tiền trong dân vẫn còn rất nhiều và rất nhiều người muốn đầu tư nhưng hầu hết khách hàng đang còn nhìn ngó xem mức sinh lời có hấp dẫn hay không. Lãi suất giảm là thách thức với chủ đầu tư nhưng cũng là cơ hội cho những nhà đầu tư nhỏ lẻ.