09/10/2013 8:04 AM
Giá chào bán của giới đầu tư bất động sản Hà Nội đang dần ổn định và có xu hướng nhích lên, trong khi các chủ đầu tư cấp 1 vẫn chưa qua hết khó khăn.

Giá chào bán thứ cấp tại một số dự án đã tăng trở lại sau một thời gian dài giảm mạnh.

Thực tế này cho thấy, tình trạng bán tháo cắt lỗ của giới đầu tư đang có xu hướng chững lại sau một thời gian dài dường như đang "ngồi trên đống lửa" với sự thất vọng tột độ về tương lai của thị trường.

Báo cáo khảo sát thị trường bất động sản Hà Nội quý 3/2013 của Công ty CBRE công bố ngày 8/10, cho thấy thị trường nhà ở vẫn có những nét khá tương đồng với các quý trước đó khi hoạt động chào bán vẫn diễn ra thận trọng với chỉ 1.900 căn được chào bán trong quý, giảm 6% so với quý trước.

Cùng với đó, giá chào bán sơ cấp cũng tiếp nối xu hướng giảm khi tại một số dự án, chủ đầu tư đã giảm thêm khoảng 10%, khiến mức giá chỉ bằng 50% so với giá chào bán ban đầu.

Tuy nhiên, thị trường bất động sản Hà Nội trong quý 3 cũng ghi nhận một số diễn biến tích cực. Trong đó đáng chú ý là sự quyết tâm hoàn thành dự án của một số chủ đầu tư lớn với khoảng 13.000 căn hộ được hoàn thiện, trong đó phần lớn đến từ 2 dự án Times City và Royal City của Vingroup.

Đáng chú ý, theo khảo sát của CBRE, khác với xu hướng giảm liên tiếp các quý trước đó, giá chào bán thứ cấp của các nhà đầu tư, đầu cơ trên thị trường lần đầu tiên có dấu hiệu bình ổn trở lại kể từ năm 2011.

Thêm vào đó, lượng giao dịch trên thị trường thứ cấp cũng cải thiện đáng kể so với quý 2, trong đó có cả phân khúc nhà dưới 15 triệu đồng/m2 lẫn phân khúc cao cấp.

Cũng theo CBRE, sau một thời gian dài, phân khúc được cho là cao cấp, có giá trên trên 40 triệu đồng/m2 dường như bất động, thanh khoản thấp, thì trong quý vừa qua, một số dự án có mức giá này đã có tỷ lệ bán hàng khá tốt như Lancaster, IPH, Royal City…

Điều này cho thấy, khả năng chi trả cho căn hộ diện tích lớn, giá cao trên thị trường vẫn có một tỷ lệ nhất định. Cùng với xu hướng giảm giá bán thay cho giảm giá trị, tiện ích của các chủ đầu tư cho thấy, nhu cầu về nhà ở cao cấp đang đang dần. Tuy nhiên, để có thể lấy được tiền trong túi khách hàng, không ít chủ đầu tư đã phải áp dụng “trăm nghe không bằng một thấy” thông qua việc tổ chức cho báo chí, khách hàng liên tiếp tham quan, tìm hiểu dự án trước khi họ quyết định ký vào bản hợp đồng.

Theo Giám đốc CBRE Richard Leech, câu chuyện “tiền nào của đó” đang dần trở lại trên thị trường bất động sản, chứ không phải cần đến một mức giá quá thấp hay thần kỳ nào đó mới có thể kích thị trường.

Thực tế trên càng được khẳng định khi một số chủ đầu tư của các dự án có giá cao như Sudico với dự án Nam An Khánh, Viglacera với dự án Xuân Phương…đều tỏ ra khá thành công với các đợt mở bán biệt thự, liền kề.

Ở phân khúc này, giá chào bán thứ cấp từ các nhà đầu tư cũng đã ổn định trở lại sau một vài quý giảm liên tục. Tại một số dự án, mức giá được giữ nguyên hoặc tăng nhẹ từ 3 -5%, song nếu tính toàn thị trường thì mức giá hiện tại vẫn thấp hơn 10 – 15% so với cùng kỳ năm trước.

Trong khi đó, giá chào bán thứ cấp từ chủ đầu tư tại không ít dự án lại thấp hơn mức giá do các nhà đầu tư thứ cấp đưa ra. Thực tế điều này cũng không quá khó hiểu, bởi các sản phẩm hiện có của các nhà đầu tư thứ cấp thường có vị trí, diện tích, hướng…đẹp hơn số còn lại chủ đầu tư đang rao bán.

Một số nhà đầu tư là doanh nghiệp cũng kỳ vọng vào tương lai thị trường khi dốc hầu bao mua lại nguyên một dự án từ tay chủ đầu tư sơ cấp, trong đó đáng chú ý là Tập đoàn FLC mua hẳn khu đô thị Alaska Garden City rộng 8ha tại Từ Liêm của một doanh nghiệp khác với giá 300 tỷ đồng.

Nguyên Anh (VnEconomy)
  • Facebook
  • Chia sẻ
  •   Lưu tin
  •   Báo cáo

    Báo cáo vi phạm
     
Mọi ý kiến đóng góp cũng như thắc mắc liên quan đến thị trường bất động sản xin gửi về địa chỉ email: [email protected]; Đường dây nóng: 0942.825.711.