Báo cáo đánh giá mới nhất trước thềm năm Ất Mùi của Công ty tư vấn đầu tư Nam Phát, thị trường nhà đất cuối năm 2014 và đầu năm 2015 đã xuất hiện nhiều điểm tương đồng với năm 2007, giai đoạn cực thịnh của bất động sản Việt Nam cách đây 8 năm.
Theo đơn vị tư vấn này, tương đồng đầu tiên là về chính sách tiền tệ. Hai giai đoạn 2007 và 2015 có đặc thù là lãi suất huy động thấp, lãi suất cho vay cao nhưng không vượt quá 10% trong năm đầu tiên. Tăng trưởng tín dụng đều tăng nhiệt trong 2 mốc thời gian này.
Thứ hai là tương đồng về thu hút vốn nước ngoài (FDI). Tháng 11/2006 Việt Nam gia nhập WTO, năm 2007 hút được vốn FDI lớn đổ vào nhiều ngành nghề, trong đó bất động sản nổi bật nhất. Trong khi đó, tháng 7/2015 Chính phủ cho phép người nước ngoài mua nhà tại Việt Nam cũng như nới lỏng chính sách đầu tư cho khối ngoại. Đây là cơ sở để thu hút lượng vốn FDI đổ vào thị trường trong năm 2015 và dấu hiệu này đã manh nha xuất hiện trong năm 2014.
Thứ ba là tương đồng về sự điều tiết của bình thông hơi tài chính. Năm 2006 thị trường chứng khoán lên đỉnh và sau đó lao dốc. Các nhà đầu tư chứng khoán đã hiện thực hóa lợi nhuận bằng nhà đất. Năm 2014 thị trường chứng khoán tăng trưởng tốt nửa đầu năm và đột ngột điều chỉnh mạnh nửa cuối năm do tác động của các yếu tố địa chính trị cũng đã khiến cho dòng tiền đầu tư dần chuyển sang bất động sản.
Thứ tư là tương đồng về trạng thái thị trường. Bất động sản cuối năm 2014, đầu năm 2015 ở TP HCM và Hà Nội đã chuyển từ động thái ấm dần ở phân khúc nhà giá rẻ rồi nóng ở nhiều phân khúc khác như căn hộ trung - cao cấp, đất nền, biệt thự, nhà phố, bất động sản nghỉ dưỡng... khá giống với cơn sốt 2007. Tình trạng này diễn ra trên toàn quốc (từ Bắc chí Nam và các tỉnh miền Trung) chứ không chỉ mang tính cục bộ địa phương như năm 2011 chỉ sôi động tại Hà Nội và vài địa phương phía bắc.
Điểm trùng lắp thứ năm của hai giai đoạn này là nguồn cung ồ ạt tung ra thị trường bất chấp tính thời vụ (tháng bảy âm lịch 2014 - tháng cô hồn, hay kỳ nghỉ Tết Ất Mùi). Giao dịch tăng mạnh với tốc độ nhanh và giá cả dần bị đẩy lên cuối năm 2014 đầu năm 2015, biên độ tăng phổ biến là 5-10% và xuất hiện mua bán chênh lệch.
Tuy nhiên theo đơn vị tư vấn này, thị trường bất động sản năm 2015 khó có thể tái hiện được cơn sốt cao độ của năm 2007 vì hàng loạt các lý do sau. Một là quy mô thị trường đã lớn hơn rất nhiều, nguồn cung dồi dào, đa dạng. Hai là quản lý Nhà nước đã được nâng lên nhằm hạn chế việc thao túng giá, đẩy giá, tạo sự khan hiếm giả tạo của một nhóm lợi ích nào đó.
Ba là sự tham gia của nhà đầu tư nước ngoài vào thị trường đã khác nhiều về bản chất chuyển từ hình thức liên doanh, liên kết sang hình thức thâu tóm, sáp nhập. Điều này thể hiện thị trường đã chuyển dần sang hình thái tự do cạnh tranh thực sự chứ không phải là thị trường chịu sự điều tiết bằng mệnh lệnh hành chính của nhà nước.
Bốn là Nhà nước tuy đang nới lỏng tín dụng (cho vay mua nhà) nhưng kiểm soát thông qua những gói hỗ trợ đặc thù hoặc áp dụng lãi suất thả nổi sau 12 tháng ưu đãi. Như vậy tín dụng bất động sản không quá dễ dãi như năm 2007 và điều quan trọng nhất là người mua, nhà đầu tư bất động sản đã thông minh hơn rất nhiều.