Quý IV cận kề, hàng hóa BĐS ở Thủ đô không ngớt vẫy gọi khách mua đặt cọc, nhà đầu tư (NĐT) góp vốn. Chính thức mở bán, cất nóc kèm chiết khấu khuyến mãi đủ kiểu là cách DN vời “Thượng đế”. Không gian nan cân nhắc lựa chọn để xuống tiền mua, những khách hàng thuê nhà giờ đây thực sự dễ chịu vì được chủ nhà, môi giới… chiều hết mức.

Trong khi cơ quan quản lý và điều hành thị trường nhà ở đang chật vật với bài toán nhà giá rẻ (cả thuê lẫn bán), phân khúc thuê vẫn tự lực cánh sinh và ngày càng “phát”. Ở khu vực Hà Đông hay Lê Văn Lương kéo dài, chung cư cho thuê đang cực thịnh.

Phía Tây: trăm hoa đua nở

Hiện tại, các trục phát triển đô thị (kèm theo hạ tầng kỹ thuật - xã hội) của Hà Nội đã hình thành cụ thể. Không còn chuyện ồn ào đồn thổi như thời “tiền phê duyệt” Quy hoạch chung Thủ đô, cũng qua rồi những dư luận trái chiều về trục Hồ Tây - Ba Vì (mang lại đủ tai ương cho nhiều NĐT địa ốc “mơ mộng”). Trong những cửa ngõ được hưởng lợi từ chính sách phát triển, Hà Đông (phía Tây của Thủ đô) được xem như đi trước về sau.

Năm 2007, UBND tỉnh Hà Tây (cũ) ra Quyết định 2436/QĐ-UBND về việc phê duyệt quy hoạch chi tiết 1/2.000 trục đô thị phía Bắc Tp.Hà Đông (tỉnh Hà Tây cũ) với mục tiêu tạo lập trục đô thị mới hiện đại đồng bộ phía Bắc Tp.Hà Đông và liên thông với thủ đô Hà Nội. Gần 7 năm sau, cửa ngõ phía Tây mới thực “dày dặn” các dự án nhà ở, KĐT mới được hình thành đúng nghĩa (đã được chủ đầu tư xí đất - xin dự án rồi “ngâm” nhiều năm trời sau đó).

Cùng nhau “nằm bất động”, rồi lại đua nhau đẩy tiến độ hoàn thành, đó là hình thái hoạt động của giới tạo lập nhà đất ở Thủ đô. Năm 2014, phía Tây Hà Nội, điển hình rõ nhất là khu Dương Nội, dọc trục Lê Văn Lương kéo dài, Lê Trọng Tấn kéo dài, KĐT An Hưng, Quang Trung - Tô Hiệu (Hà Đông)... đã nhập cuộc đua ra hàng - chào sàn BĐS nhà ở với nhịp độ chóng mặt.

Tính riêng từ quý II đến nay, đếm sơ sơ cũng gần chục dự án nhà ở, tổ hợp trung/cao cấp “ra lò”. Nào là dự án Viện 103 Văn Quán (do Sông Đà 7 làm chủ đầu tư) với ngót 400 căn có giá “khởi điểm” 14,8 triệu đồng/m2; HP Landmark Tower của DN Hải Phát với 4 tòa tháp ngất ngưởng (đang cấp tập hoàn công như một lời… xin lỗi vì chậm tiến độ, thiếu minh bạch trong quá khứ); hay gần trung tâm hơn là tổ hợp Unimax (do UNMEX Hà Tây làm chủ đầu tư) cũng rầm rập công trường tháng 9 sau khi lỗi hẹn bàn giao nhà vào quý I/2014…

Trong số những dự án nhà ở đẩy mạnh tiến độ - gia tăng PR bán sản phẩm (thô hoặc đủ nội thất lẫn hạ tầng đầy đủ) ra thị trường tiêu dùng, tình trạng “kẻ ăn không hết, người lần chẳng ra” xuất hiện rõ nét.

Thuê chung cư dễ như… đi chợ mua rau

Dọc trục Lê Văn Lương kéo dài (nay đã có tên là đường Tố Hữu) xuyên suốt tới KĐTM An Hưng rồi Dương Nội, người cần nhà (cả thuê lẫn mua) với túi tiền lưng lửng đang âm thầm ba - rem lựa chọn.

Thông tin chia sẻ tại một quán nước dọc đường Tố Hữu (gần điểm giao Trung Văn), cho thấy chuyện “sốt” nhà giá rẻ ở khu vực này như CT1, CT2 Trung Văn hay Huyndai Hillslate… là có thực. Nhưng đó là thiểu số tồn tại giữa những người rủng rỉnh tiền bạc và giới đầu tư, còn lại, những chung cư khác như VOV Lương Thế Vinh hay C14 Bộ Công An, thậm chí cụm Sparks (Dương Nội) “mạnh” nhất vẫn là cho thuê.

Thuê chung cư: Alô là có!

Rất nhiều lần lãnh đạo cơ quan điều hành đầu ngành Xây dựng lẫn địa phương có tốc độ phát triển kinh tế - xã hội dẫn đầu cả nước (như Hà Nội) thừa nhận tình trạng DN hờ hững với đầu tư và tạo lập nhà ở cho thuê.

Rõ nhất, vẫn là ở phía Bắc với Thủ đô đang “gồng mình” trước sức ép dân cư và hạ tầng đô thị. Ngoại trừ dự án cho thuê tại KĐT Việt Hưng được xem là “xưa nay hiếm” cho người thuê nhà kiếm tìm một nơi tá túc ổn định, an toàn, dân lao động bám trụ ở Thủ đô vẫn dài cổ ngóng hàng loạt dự án NƠXH, nhà thu nhập thấp về đích trong… tương lai (dự kiến 1 - 2 năm tới).

Tuy điều đó còn tùy thuộc vào sự tuân thủ pháp luật của chủ đầu tư: cụ thể, bằng “sức nặng” của Nghị định 188 liên quan tới phát triển, quản lý NƠXH mới ban hành, các dự án NƠXH khởi công đều “dành” 20% căn hộ để cho thuê.

DN hờ hững vì thời gian thu hồi vốn (chưa nói tới có lợi nhuận) từ đầu tư công trình nhà ở cho thuê quá lâu. Thay vào đó, muốn “ăn nhanh”, chỉ có dự án CCTM. May mắn, cho cả DN lẫn những người quen với bài ca “ở trọ”, là tín dụng từ nhà băng đã lần lượt tìm tới nhiều dự án nhà ở nằm la liệt từ ngoại vi tới nội đô Hà thành.

Chủ đầu tư bán hàng… toát mồ hôi, môi giới chạy đôn đáo vì khách hỏi mua, người săn thuê ùn ùn. Đặc biệt, tình thế đang chiều lòng những “Thượng đế” thuê chung cư giá rẻ.

Nhận thấy khu Trung Hòa - Nhân Chính chủ yếu là chung cư cho thuê với giá “chát chúa” (khách ngoại là chủ yếu), khu Văn Quán - Hà Đông - Xa La cũng ít hàng “nét” (giá rẻ dưới 10 triệu đồng/tháng, nội thất cơ bản, diện tích từ 90m2 trở lên), vợ chồng anh Quân được sàn giao dịch tư vấn chuyển địa bàn sang trục Lê Văn Lương.

“Rất may mắn, tôi đã tìm được căn hộ hơn 100m2 tại C14 Bộ Công an với giá cả rất hợp lý. Thiết kế đẹp, nội thất cơ bản, chỉ việc lắp thêm tủ bếp là thoải mái. Nhất là giá chỉ 7 triệu đồng/tháng, thanh toán 3 tháng, hợp đồng 1 năm…”, người vợ hồ hởi phân tích.

Căn hộ chung cư VOV Mễ Trì được cho thuê với giá rẻ giật mình. Tổng khu đã có khoảng 80% hộ gia đình về ở, không gian thoáng, nhiều tiện ích (theo quảng cáo) nhưng vô số lời rao cho thuê lại căn hộ (vừa nhận bàn giao) đã xuất hiện.

Điển hình, căn 60m2 ở tầng 5 gồm 2 phòng ngủ, đủ nội thất hoàn thiện được chào thuê với giá 5 triệu đồng/tháng. “Giá này vẫn còn mặc cả được, chỉ cần người thuê “nhờ” môi giới thương thuyết với chủ nhà là xong. Bây giờ thuê chung cư dễ như đi chợ mua rau thôi…”, anh Khánh, người vừa thuê được một căn tại dự án này tiết lộ.

Song Hà (Thời báo kinh doanh)
  • Facebook
  • Chia sẻ
  •   Lưu tin
  •   Báo cáo

    Báo cáo vi phạm
     
 
Mọi ý kiến đóng góp cũng như thắc mắc liên quan đến thị trường bất động sản xin gửi về địa chỉ email: [email protected]; Đường dây nóng: 0942.825.711.