Ngôi biệt thự cổ trên đường Phan Xích Long, quận Bình Thạnh bị phá bỏ
Đó là nhận định của nhiều nhà khoa học, chuyên gia khảo cổ, kiến trúc sư tại buổi hội thảo “Bảo tồn và phát triển di sản kiến trúc trong đô thị hiện đại” do Báo Thanh Niên tổ chức ngày 10/6.
Phát biểu tại cuộc hội thảo, các chuyên gia cho rằng, TP.HCM nói riêng và nhiều thành phố khác tại Việt Nam như Hà Nội, Đà Lạt, Huế, Hải Phòng… là những đô thị chứa đựng rất nhiều di sản kiến trúc văn hoá có ý nghĩa quan trọng. Tuy nhiên, dưới áp lực của đô thị hoá, tốc độ phát triển kinh tế, có rất nhiều di sản đã và đang bị phá bỏ, huỷ hoại.
Ông Trương Kim Quân, Giám đốc Trung tâm Bảo tồn di tích TP.HCM, cho biết tại TP.HCM dù có rất nhiều nỗ lực trong công tác bảo tồn di sản văn hoá nhưng thực tế còn gặp nhiều khó khăn, di sản văn hoá không được bảo tồn một cách hợp lý, nhất là những công trình gắn với kiến trúc đô thị, khảo cổ học.
“Nguyên nhân là do quá trình đô thị hoá đang diễn ra tại thành phố rất nhanh, áp lực về kinh tế và sự thay đổi về mật độ dân cư. Những thực tế nêu trên dẫn đến các công trình kiến trúc cũ bị phá bỏ để nhường chỗ cho các công trình cao ốc mới, không gian di sản bị phá vỡ, các địa điểm khảo cổ chưa được nghiên cứu sâu”, ông Quân nói.
PGS. TS. KTS Trần Văn Khải, Giảng viên môn bảo tồn di sản trường Đại học Kiến trúc TP.HCM, cho rằng nguyên nhân dẫn đến di sản bị phá huỷ có nhiều yếu tố nhưng yếu tố đến từ xã hội là rõ rệt hơn cả.
“Khi giá đất tăng, di sản rất khó tồn tại bởi tư duy xây nhà cao ốc vẫn có lời hơn… Tư duy cho rằng phá đi các di sản để xây dựng công trình mới, to lớn hơn, đập các công trình cổ đi, xây mới có hiệu quả kinh tế cao hơn, hay phá đi rồi xây bắt chước kiểu cũ là sai lầm”, ông Khải nói.
TS. KTS Nguyên Hạnh Nguyên cho rằng, các nhà đầu tư thường chỉ nhìn thấy lợi ích kinh tế nhiều hơn là những giá trị di sản khi lựa chọn các khu đất tại khu vực trung tâm đô thị.
“Họ phá di sản và chỉ nhìn thấy đấy là giá trị bất động sản. Khi đó, họ chỉ xây cao tầng thôi, họ không cần biết đất nền ở dưới đấy là như thế nào”, vị tiến sĩ nói.
Ông Khải cho rằng, để giải quyết được mâu thuẫn giữa bảo tồn và phát triển là điều không hề đơn giản. Giải pháp là biến bảo tồn thành nguồn lực phát triển. Đứng ở góc độ nhà nước có thể sử dụng các công cụ nhu quy hoạch sử dụng đất, chính sách thuế để có những điều chỉnh thích hợp vừa có thể đáp ứng nhu cầu phát triển nhưng cũng có thể hài hoà được các yếu tố di sản.
Theo chuyên gia khảo cổ học TS. Nguyễn Thị Hậu, muốn bản vệ di sản thì chính quyền, nhà quản lý, chuyên gia phải có tiếng nói phản biện. Bên cạnh việc chia sẻ khó khăn với chính quyền trước áp lực đô thị hoá, một số di sản bắt buộc phải nhường chỗ cho các dự án hạ tầng giao thông, dự án quan trọng thì các di sản còn lại cần được bảo vệ.
Đối với các nhà đầu tư, bên cạnh yếu tố lợi nhuận thì cần phải có trách nhiệm với cộng đồng, nhìn ra các giá trị di sản để cùng góp phần với chính quyền, các nhà khoa học để bảo tồn. Khi đầu tư các công trình vào các khu đô thị thì nhà đầu tư nên hướng đến giá trị văn hoá của các công trình chứ không chỉ hướng đến các giá trị về kinh tế.
“Ví dụ, các khu trung tâm hiện nay được các nhà đầu tư rất quan tâm bởi vì ở đấy đã tích luỹ các giá trị văn hoá rất lâu đời và giá trị đó là của cả cộng đồng. Không nên cho rằng nó chỉ là giá trị miếng đất vàng hay kim cương mà phá đi để xây nên những công trình mới.”, bà Hậu chia sẻ.
Tiến sĩ Nguyên cho rằng, cần phải cụ thể hoá các chính sách, luật về bảo vệ di sản. Dù đã có luật di sản từ rất lâu nhưng luật này không dễ áp dụng vào thực tế vì di sản là một luật rất chung chung. Đó là rất nhiều yếu tố từ di sản văn hoá phi vật thể, di sản văn hoá thiên nhiên… Do đó, cần phải cụ thể hoá luật.
Vấn đề thứ hai là hiện nay có rất nhiều bản quy hoạch, thậm chí có bản quy hoạch sau còn phá bản quy hoạch trước. Nhưng chưa bao giờ có một bản quy hoạch di sản nằm trong hệ thống quy hoạch chung của một đô thị, những đô thị được gọi là đô thị di sản như TP.HCM, Hà Nội hay Đà Lạt… Do vậy, cần phải xây dựng những bản quy hoạch di sản này để có thể bảo vệ và phát triển được các giá trị của di sản.
-
Giải cứu đoạn Vành đai 2 “đắp chiếu” nhiều năm ở TP. Thủ Đức
Đoạn Vành đai 2 ở TP. Thủ Đức dài 2,7km từ đường Phạm Văn Đồng đến nút giao thông Gò Dưa đã ngừng thi công từ năm 2020. Mặc dù đã đạt hơn 40% khối lượng công trình nhưng vì nhiều vướng mắc nên đến nay hạ tầng quan trọng này vẫn chưa được tái khởi côn...
-
Người dân TPHCM chỉ trả chưa được nửa giá trị khi mua nhà
Giá trị dự kiến của nhà ở riêng lẻ mà người dân TPHCM dự định mua trung bình là 2,76 tỷ đồng. Tuy nhiên, khả năng chi trả hiện có chỉ đạt khoảng 49% giá trị tài sản.
-
Cổ phiếu Đất Xanh giảm giá kịch sàn
Kết thúc phiên sáng ngày 24/12, cổ phiếu DXG của Đất Xanh Group giảm kịch sàn về mức giá 16.450 đồng/cổ phiếu, với khối lượng dư bán 3 triệu đơn vị.