Từ gần 10 năm nay, vấn đề giải quyết tình trạng ô nhiễm và chuyển đổi, di dời các cơ sở công nghiệp gây ô nhiễm ra khỏi khu vực nội đô đã được TP Hà Nội đặc biệt quan tâm. Song đáng tiếc, tiến độ thực hiện lại chưa thực sự như mong muốn. Trên các diễn đàn và tại các cuộc tiếp xúc cử tri, nhiều ý kiến cảnh báo được đưa ra: Nếu không đẩy nhanh tiến độ di dời hoặc xóa sổ những cơ sở sản xuất gây ô nhiễm, Hà Nội sẽ phải trả một cái giá rất đắt trong tương lai không xa...
Các cơ sở công nghiệp gây ô nhiễm trên địa bàn thành phố cần được xử lý triệt để

Tiến độ... rùa

Kết quả rà soát các cơ sở công nghiệp di dời theo 17 lĩnh vực sản xuất công nghiệp, có khả năng gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng về nước, không khí, chất thải, tiếng ồn của UBND TP Hà Nội cho thấy, Hà Nội có tới 422 cơ sở gây ô nhiễm với tổng diện tích khoảng 887ha. Ngay từ năm 2009, Hà Nội đã đề xuất với Thủ tướng Chính phủ di dời các cơ sở sản xuất công nghiệp gây ô nhiễm với mục tiêu đến hết năm 2013 sẽ tập trung di dời các cơ sở trong khu vực nội thành và đến năm 2015 toàn bộ các cơ sở còn lại sẽ được di dời.

Tuy nhiên, theo báo cáo mới nhất của UBND TP, trong tổng số 116 cơ sở sản xuất công nghiệp ô nhiễm cần di dời, mới có 38 cơ sở chuyển đổi chức năng, 17 cơ sở khác đang làm thủ tục chuyển đổi. Tại 4 quận nội thành Hoàn Kiếm, Ba Đình, Đống Đa và Hai Bà Trưng, đến nay đã có 20/40 cơ sở phải di dời, chuyển đổi mục đích sử dụng. Các cơ sở còn lại do nhiều lý do khác nhau như thiếu kinh phí, thiếu đất, địa điểm mới chưa phù hợp, thiếu cơ chế ưu đãi... để kéo dài thời gian. Chẳng hạn, tại quận Hai Bà Trưng, việc di dời cơ sở sản xuất của Công ty Bia Việt Hà tại 39 Ngõ Quỳnh được đặt ra đã lâu nhưng vẫn chưa triển khai xong do chưa bố trí được địa điểm mới.

Ưu tiên sử dụng đất cho mục đích công cộng

Trong khi Hà Nội đang phải đối mặt với các sức ép về giao thông, ô nhiễm nguồn nước, đất, không khí thì việc sớm di dời các cơ sở công nghiệp lại càng bức thiết. Không chỉ đơn thuần là các cơ sở lớn, nhiều cử tri cho rằng hiện nhiều cơ sở sản xuất trong các khu dân cư như xưởng bánh mỳ, bún, cơ khí… có quy mô nhỏ song các điều kiện bảo đảm vệ sinh môi trường không bảo đảm… trong tương lai cũng cần xử lý triệt để.

Bên cạnh đó, cùng với đẩy nhanh tiến độ di dời, việc sử dụng đất tại các đơn vị, xí nghiệp cũng là nội dung được người dân Thủ đô đặc biệt quan tâm. Trên thực tế, đã có không ít đất tại các đơn vị, xí nghiệp tại khu vực nội thành khi di dời đã được nhanh chân lấp đầy bằng các dự án chung cư cao tầng, siêu thị, các khu dịch vụ... Để tránh lặp lại những điều tương tự, trước kỳ họp thứ năm HĐND TP Hà Nội khóa XIV, nhiều cử tri kiến nghị TP không bố trí xây chung cư, trung tâm thương mại trên nền đất của các cơ quan, bệnh viện, xí nghiệp đã di chuyển mà dành quỹ đất này để xây dựng các công trình phúc lợi công cộng, phục vụ lợi ích cộng đồng. Cụ thể, di dời cơ sở sản xuất của Công ty cổ phần Nhựa y tế MEDIPLAST và HTX TMDV Láng Thượng (quận Đống Đa) để đầu tư xây dựng Trường Mầm non Phương Mai và Láng Thượng. Tại quận Hai Bà Trưng, di dời cơ sở sản xuất của Công ty Bia Việt Hà để xây dựng Trường Mầm non Thanh Nhàn...

Theo Quy hoạch chung xây dựng Thủ đô đến năm 2030, tầm nhìn 2050, tiến tới Hà Nội sẽ di dời trụ sở các bộ, ngành, các cơ sở y tế ra khỏi khu vực nội đô. Đối với các cơ sở y tế, trước mắt đến năm 2020 sẽ hoàn thành di dời các bệnh viện điều trị bệnh truyền nhiễm ra khỏi nội thành và các khu vực tập trung dân cư. Thực hiện chủ trương này, hiện nhiều bộ phận của các bệnh viện như Lao và Phổi TƯ, Nhiệt đới TƯ, Viện Giám định y khoa đã từng bước di dời. Và cũng theo quy hoạch, chức năng sử dụng đất tại các địa điểm di dời sẽ được sử dụng căn cứ trên nhu cầu thực tế của địa phương như xây dựng nhà trẻ, trường học, nhà văn hóa, bãi đỗ xe, công viên cây xanh...

Nhiều đô thị lớn trên thế giới đã phải trả giá rất đắt cho việc đẩy nhanh tốc độ phát triển mà "quên" vấn đề môi trường. Hà Nội đang trong quá trình đô thị hóa mạnh, nếu không quyết tâm di dời và không xử lý triệt để các cơ sở gây ô nhiễm cũng như sử dụng hiệu quả các diện tích di dời, sợ rằng hình ảnh một Hà Nội xanh, sạch, đẹp sẽ chỉ còn là hoài niệm!
Theo Hà Nội Mới
  • Facebook
  • Chia sẻ
  •   Lưu tin
  •   Báo cáo

    Báo cáo vi phạm
     
 
Mọi ý kiến đóng góp cũng như thắc mắc liên quan đến thị trường bất động sản xin gửi về địa chỉ email: [email protected]; Đường dây nóng: 0942.825.711.