29/07/2016 8:22 AM
Sau khi di chuyển các hộ dân và tiến hành tu bổ, tôn tạo, nhiều di tích đã trở thành điểm đến hấp dẫn du khách trong và ngoài nước. Điều này cho thấy, việc trả lại không gian, cảnh quan trang nghiêm cho di tích có ý nghĩa rất sâu sắc. Vì thế, dù rất khó cũng phải làm.
Ba bên cùng hợp tác
Hòa thượng Thích Gia Quang, Phó Chủ tịch Hội đồng Trị sự Giáo hội Phật giáo Việt Nam, trụ trì chùa Liên Phái, phường Cầu Dền (quận Hai Bà Trưng) kể: Toàn bộ không gian sân vườn thoáng đãng, trang nghiêm, rợp bóng cây xanh của chùa Liên Phái hiện nay vốn là nơi ăn ở, sinh hoạt của hơn 40 hộ gia đình với gần 200 nhân khẩu. Được sự hỗ trợ của các cấp chính quyền, nhà chùa đã kiên trì vận động và giải thích cho người dân hiểu việc ở trong khuôn viên khu di tích vừa ảnh hưởng đến sự tôn nghiêm, kiến trúc, cảnh quan vừa ảnh hưởng đến cuộc sống sinh hoạt của chính các hộ dân. "Mưa dầm thấm lâu", người dân đã hiểu và tự nguyện di chuyển. Năm 1997 di chuyển được 27 hộ, năm 2012 di chuyển tiếp hơn 10 hộ nữa; 7 hộ hiện sống trước khu vực nhà mẫu sẵn sàng di dời, chỉ chờ các cơ quan chức năng bố trí quỹ nhà tái định cư.
Chùa Liên Phái (quận Hai Bà Trưng) trang nghiêm, thoáng đãng sau khi di chuyển các hộ dân và tiến hành tu bổ, tôn tạo.
“Gia đình tôi ở trong đất chùa Liên Phái 25 năm rồi. Hoàn cảnh khó khăn, chúng tôi mới phải ở đây. Gia đình gồm 5 người, có cả cháu nhỏ phải sống trong căn nhà vẻn vẹn vài mét vuông, thiếu thốn trăm bề. Bất cứ khi nào chính quyền bảo đi và có nhà cho chúng tôi chuyển, chúng tôi sẽ đi ngay”, chị Lê Thị Ngoãn, trú tại số nhà 19 phố Đỗ Thuận, trước nhà mẫu chùa Liên Phái nói. Không chỉ di chuyển các hộ dân, công tác giải phóng mặt bằng hai bên ngõ chùa Liên Phái, bắt đầu từ đường Bạch Mai đến cổng chùa sẽ được thực hiện trong tương lai gần. Toàn bộ kinh phí giải phóng mặt bằng lên tới hàng chục tỷ đồng được huy động từ nguồn xã hội hóa.
Các cơ quan chức năng của quận Hoàn Kiếm cũng đã kiên trì vận động, đồng thời hỗ trợ kinh phí, bố trí quỹ đất, quỹ nhà tái định cư cho nhiều hộ dân khi thực hiện một số dự án tu bổ, bảo tồn di tích trong khu phố cổ. Nhờ đó, đình Đông Thành ở số 7, phố Hàng Vải, phường Hàng Bồ đã trở thành điểm đến của nhiều du khách. Bà Phạm Thị Gái - người trông coi đình Đông Thành cho biết: Một phần diện tích bên trong đình và sân đình hiện nay là trụ sở làm việc của Đội Quản lý thị trường số 2 TP Hà Nội và 10 hộ dân. Nhìn từ phố Hàng Vải vào không ai biết bên trong trụ sở làm việc là đình Đông Thành. Người dân muốn vào đình lễ Tổ phải đi chung lối với các hộ dân ở ngách số 4, phố Hàng Bút. Khu vực hành lễ bé như cái chiếu, thấp lè tè... Sau khi được tu bổ, tôn tạo tổng thể, đình Đông Thành rộng hơn 500m2 hoàn toàn có thể đáp ứng nhu cầu tham quan, tìm hiểu của du khách và nhu cầu sinh hoạt văn hóa, tín ngưỡng của đông đảo người dân trong khu vực. Một số di tích ở quận Ba Đình, Đống Đa, Cầu Giấy, Thanh Xuân, Hà Đông đã hoàn thành việc di chuyển các hộ dân nhờ sự phối hợp chặt chẽ giữa ba bên, gồm Nhà nước (hỗ trợ kinh phí), ban quản lý các di tích (vận động, thuyết phục) và người dân ủng hộ.
Linh hoạt trong từng trường hợp
Sự hợp tác ba bên mang lại hiệu quả đối với đa số di tích, nhưng trong một số trường hợp cụ thể, việc di chuyển các hộ dân cần được thực hiện linh hoạt.
Chẳng hạn, việc di chuyển các hộ dân ra khỏi chùa Cầu Đông, số 38B, phố Hàng Đường (quận Hoàn Kiếm), vào những năm cuối thế kỷ XX, đầu thế kỷ XXI, sư trụ trì chùa Cầu Đông dùng tiền xã hội hóa đi tìm mua những căn nhà phù hợp với nhu cầu của các hộ dân và đề nghị các hộ di chuyển. Khi các hộ dân đồng ý, các ngành chức năng quận Hoàn Kiếm đã hỗ trợ nhà chùa và người dân thực hiện những thủ tục pháp lý cần thiết.
Theo Trưởng ban Quản lý di tích danh thắng Hà Nội Nguyễn Thị Hòa, cách làm của chùa Cầu Đông nếu được nhân rộng sẽ giảm gánh nặng cho ngân sách, đồng thời nâng cao trách nhiệm của sư trụ trì, người quản lý đối với công tác bảo tồn, phát huy giá trị di tích.
Trường hợp khác là việc di chuyển các hộ dân ra khỏi chùa Quang Minh thuộc phường Văn Miếu và chùa Linh Ứng thuộc phường Thổ Quan (quận Đống Đa). Chúng tôi được biết, quận Đống Đa đã thực hiện việc di chuyển các hộ dân, giải phóng mặt bằng để tu bổ, tôn tạo các di tích này dựa trên tình hình thực địa chứ không căn cứ vào số hộ bị khoanh vùng vi phạm. Bởi lẽ, các hộ dân đã sinh sống lâu năm, xen kẽ giữa các hạng mục của di tích nên khó có được mặt bằng “sạch” để thực hiện công tác tu bổ, tôn tạo phù hợp với nhu cầu thực tiễn. Vì thế, quận Đống Đa căn cứ vào bản vẽ thi công, đối chiếu với thực địa xem cần di chuyển bao nhiêu hộ dân và di chuyển thế nào cho hợp lý. Theo hướng này, chùa Quang Minh, Linh Ứng và một số công trình khác mới được tu bổ, tôn tạo vừa có không gian rộng mở, vừa có kiến trúc, bố cục phù hợp với kiến trúc truyền thống.
Về việc các hộ dân sống lâu năm trong di tích, bà Nguyễn Thị Hòa cho biết, 100% trường hợp tồn tại từ vài chục năm trước. Họ là những gia đình đi vùng kinh tế mới rồi trở về, không có nhà ở nên vào di tích ở nhờ, là những hộ dân ngoài bãi sông Hồng chạy vào di tích ở để tránh lụt hoặc là con, cháu của những người quản lý, trông coi di tích, cũng có những người nghèo xin ở nhờ rồi ở hẳn. Chưa kể, một số cơ quan, đơn vị, trường học, tổ chức xã hội do không có địa điểm hoạt động buộc phải sinh hoạt nhờ trong di tích.
Kể từ khi di tích được quản lý bởi Luật Di sản văn hóa (năm 2002) đến nay, Hà Nội không có trường hợp nào “nhảy dù”. Cũng theo bà Nguyễn Thị Hòa, việc khoanh vùng bảo vệ di tích trước khi có Luật Di sản văn hóa chưa thực sự khoa học, chưa phù hợp với thực tiễn. Vì muốn không gian phía trước Ô Quan Chưởng được bảo tồn càng nhiều càng tốt, các đơn vị chức năng đã khoanh vùng bảo vệ khá rộng. Do đó, nếu nhìn vào bản đồ khoanh vùng, khu vực bảo vệ I của di tích Ô Quan Chưởng đang có hàng trăm hộ dân sinh sống. Hoặc có những di tích ở nông thôn nằm gần nhau, giữa các di tích có hộ dân, khi khoanh vùng xếp hạng cụm di tích, các đơn vị chức năng kéo liền ranh giới bảo vệ khiến các hộ dân vô tình lọt giữa khu vực bảo vệ. “Từ thực tế đó, khi tiến hành tu bổ, tôn tạo hoặc di chuyển các hộ dân ra khỏi di tích, chúng tôi sẽ cùng với các địa phương linh hoạt theo từng trường hợp cụ thể để thực hiện”, bà Nguyễn Thị Hòa khẳng định.
Đồng tình với quan điểm này, Phó Giám đốc Sở VH-TT Trương Minh Tiến nhấn mạnh: Sau hơn 10 năm thực hiện quản lý di tích theo Luật Di sản văn hóa, các địa phương trên địa bàn Hà Nội đã di chuyển được hàng trăm hộ dân, trả lại không gian cho khoảng 30 di tích. Ông Trương Minh Tiến cho biết thêm, tùy vào nguồn lực, Sở VH-TT sẽ phối hợp với các sở, ngành chức năng tham mưu cho UBND thành phố và các địa phương xây dựng kế hoạch di chuyển hộ dân ra khỏi di tích theo từng giai đoạn. Còn với những quy định chưa phù hợp với thực tiễn, Sở VH-TT Hà Nội sẽ có ý kiến đề xuất điều chỉnh, bổ sung. Tất cả hướng đến mục tiêu lưu giữ, bảo tồn, phát huy giá trị di sản văn hóa trên địa bàn Thủ đô, góp phần xây dựng văn hóa, con người Hà Nội đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững.
  • Di dân ra khỏi di tích: Bài toán khó

    Di dân ra khỏi di tích: Bài toán khó

    Di dân, trả lại không gian, cảnh quan cho di tích là một trong những giải pháp nhằm bảo tồn, phát huy giá trị tổng thể của di tích. Những năm qua, Hà Nội đã di dời nhiều hộ dân ra khỏi nhiều di tích trọng điểm, song đây vẫn là câu chuyện dài nếu không có các giải pháp linh hoạt về nguồn kinh phí, quỹ nhà tái định cư...

Thu Hiền (HNM)
  • Facebook
  • Chia sẻ
  •   Lưu tin
  •   Báo cáo

    Báo cáo vi phạm
     
Mọi ý kiến đóng góp cũng như thắc mắc liên quan đến thị trường bất động sản xin gửi về địa chỉ email: [email protected]; Đường dây nóng: 0942.825.711.
CafeLand.vn là Network bất động sản hàng đầu tại Việt Nam và duy nhất chuyên về bất động sản. Cập nhật thực trạng thị trường bất động sản hiện nay, cung cấp cho các độc giả những thông tin chính xác và những góc nhìn phân tích nhận định về thị trường bất động sản từ các chuyên gia trong ngành. Ngoài ra, CafeLand còn cung cấp cho độc giả tất cả các thông tin về sự kiên, dự án, các xu hướng phong thủy, nhà ở để các bạn có cái nhìn tổng quan hơn về thông tin mua bán nhà đất tại Việt Nam.