Di dân, trả lại không gian, cảnh quan cho di tích là một trong những giải pháp nhằm bảo tồn, phát huy giá trị tổng thể của di tích. Những năm qua, Hà Nội đã di dời nhiều hộ dân ra khỏi nhiều di tích trọng điểm, song đây vẫn là câu chuyện dài nếu không có các giải pháp linh hoạt về nguồn kinh phí, quỹ nhà tái định cư...

Vấn nạn lấn chiếm không gian thờ tự

Trong khuôn viên di tích, không được phép xây dựng nhà nhiều tầng, không được cơi nới, trong khi số nhân khẩu ngày một tăng khiến cho không gian sống của các gia đình mỗi ngày thêm chật chội. Công tác bảo tồn, phát huy giá trị di tích cũng phải chịu thêm nhiều sức ép…

Cảnh quan di tích bị phá vỡ

Đình Hà Vĩ (số 11 phố Hàng Hòm, phường Hàng Gai, quận Hoàn Kiếm, Hà Nội) luôn trong tình trạng "cửa đóng then cài". Chúng tôi phải gọi điện cho ông Vũ An Toàn - người trông coi di tích để có thể vào đây. Qua cánh cổng cũ kỹ, rộng 1m, cao chừng 2m nào rổ rá, xô chậu, nào cốc chén, bát đĩa, nồi niêu, bàn ghế, quạt điện, thùng giấy…, sạch có, bẩn có bày la liệt. Tiếng người gọi nhau, tiếng trao đổi mua bán, tiếng dao thớt, mùi thức ăn khắp nơi. Hai bên lối vào đình Hà Vĩ, lầu Cô, lầu Cậu đã trở thành điểm tập kết đồ đạc của các hộ kinh doanh. Ông Vũ An Toàn cho biết: Các hộ gia đình đã sinh sống trong khuôn viên từ vài chục năm qua. Một số đã có nhà riêng ở nơi khác, nhưng vẫn sử dụng mặt bằng di tích để kinh doanh hoặc cho thuê bán cơm, phở, gốm, dụng cụ làm sơn... “Điều đó lý giải tại sao đình Hà Vĩ có tổng diện tích khoảng 200m2 nhưng không gian thờ tự không còn bao nhiêu. Kiến trúc, cảnh quan của đình bị phá vỡ...”, ông Vũ An Toàn nói.


Di tích đình Hà Vĩ (Hoàn Kiếm) bị lấn át bởi không gian sinh hoạt của các hộ dân.

Cách đình Hà Vĩ không xa, đình Trung Yên tại số 10, ngõ Trung Yên, phố Đinh Liệt, phường Hàng Bạc (quận Hoàn Kiếm) không khác gì ngôi nhà đã và đang xuống cấp. Dù có biển ghi rõ “Di tích quốc gia đình Trung Yên”, chúng tôi vẫn loay hoay vì “mọi cánh cửa trước đình đều… dẫn đến nhà dân”. Bà Đỗ Thị Xuyến (hơn 80 tuổi), lương y trú tại số nhà 19 ngõ Trung Yên bỏ dở việc khám bệnh đến mở cửa và kể cho chúng tôi nghe về quá trình cùng người dân địa phương đi "đòi" lại đình sau nhiều năm được trưng dụng làm cơ sở sản xuất. Bước qua cầu thang tối, lát xi măng tạm bợ lên tầng 2, bà Xuyến thắp nén hương lên điện thờ rồi quay lại tiếp tục câu chuyện: Đình Trung Yên được giao cho nhân dân quản lý từ cuối năm 2000 và bà được tin tưởng giữ việc đèn nhang. “Toàn bộ không gian đình Trung Yên “gói gọn” ở tầng 2, tầng 1 là nơi ăn ở, sinh hoạt của 3 hộ gia đình. Tôi mong đình sớm được hoàn trả không gian, được chỉnh trang, cải tạo cho tương xứng vị thế của Di tích quốc gia”, bà Đỗ Thị Xuyến trăn trở.

Khuôn viên cụm di tích chùa Quang Hoa - Thiền Quang - Pháp Hoa tọa trên đường Trần Bình Trọng, phường Nguyễn Du (quận Hai Bà Trưng) còn tới hơn 40 hộ dân sinh sống. Bị gần 20 hộ dân án ngữ, không gian chùa Đồng Quang (quận Đống Đa) trang nghiêm, thoáng đãng xưa kia không còn nữa. “Nếu không hỏi đường, dù cầm bản đồ trên tay, chúng tôi cũng khó có thể tìm đúng địa chỉ ngôi chùa nổi tiếng này”, chị Nguyễn Hà An, du khách đến từ xã Quang Trung, huyện Kiến Xương (Thái Bình) cho biết.

Thống kê mới đây của Sở VH-TT Hà Nội cho thấy, ngoài một số di tích “sống” (làng cổ Đường Lâm, Đông Ngạc, khu di tích Cổ Loa…), Hà Nội còn hơn 100 di tích đã xếp hạng đang gồng mình “chứa” hơn 1.200 hộ dân và 11 cơ quan trong khu vực bảo vệ I - khu vực bất khả xâm phạm. Tình trạng này xảy ra ở các quận nội thành cũ là Ba Đình, Đống Đa, Hoàn Kiếm, Hai Bà Trưng là nhiều nhất, tiếp đến là quận Cầu Giấy, Hoàng Mai, Long Biên, Tây Hồ, Thanh Xuân, huyện Đông Anh…

Hạn chế cơ hội bảo tồn

Việc các hộ dân sinh sống lâu dài trong khu vực bảo vệ của di tích không chỉ ảnh hưởng đến cảnh quan, không gian, mà còn làm mất đi cơ hội bảo tồn, phát huy giá trị của di tích.

Trở lại với câu chuyện của đình Hà Vĩ, theo các nhà nghiên cứu, đình này được xây dựng khoảng giữa thế kỷ XIX do người dân làng Hà Vĩ, xã Lê Lợi, huyện Thường Tín, có nghề làm sơn di cư ra Hà Nội, đến lập nghiệp ở phố Hàng Hòm lập nên. Đình thờ ông tổ nghề sơn Trần Lư (còn gọi là Lương). Hằng năm, nhân dân mở lễ hội vào đầu tháng Hai, rước kiệu thờ quanh phố để tưởng nhớ ông tổ nghề cùng nhiều nghi lễ đặc trưng khác. Như vậy, đình Hà Vĩ lẽ ra phải là nơi để người dân sinh hoạt văn hóa, tín ngưỡng, qua đó lan tỏa các giá trị, góp phần củng cố mối quan hệ cộng đồng, song chỉ vì diện tích đình quá chật hẹp, các hoạt động này dường như bị ngưng trệ.

Còn đình Trung Yên nằm trong danh mục các di tích được ưu tiên tu bổ, tôn tạo của quận Hoàn Kiếm với phương án thiết kế, tu bổ tổng thể đã hình thành. Thế nhưng, do chưa di dời hết các hộ dân nên dự án chưa thể thực hiện.

Theo sư thầy Thích Đàm Nghiêm, trụ trì chùa Quang Hoa, khuôn viên cụm chùa Quang Hoa - Thiền Quang - Pháp Hoa trước kia rất rộng, sau bị lấn chiếm khiến di tích hẹp dần. Mỗi khi mưa to, nước xung quanh đổ về sân chùa, gây úng ngập cục bộ, làm cho nhiều hạng mục bị xuống cấp. “Tâm nguyện của nhà chùa là các hộ dân có được cuộc sống rộng rãi, ổn định, hạnh phúc hơn ở nơi định cư mới và di tích được trả lại cảnh quan, không gian trong tương lai gần. Có mặt bằng không gian rồi, các cơ quan, đơn vị chức năng và nhà chùa mới có thể bàn đến phương án quy hoạch, bảo tồn, tôn tạo và phát huy giá trị tổng thể của cụm di tích”, sư thầy Thích Đàm Nghiêm bày tỏ.

Ở các địa phương xa khu vực trung tâm, công tác di dân để bảo tồn, phát huy giá trị di tích cũng không dễ dàng. Trưởng phòng VH-TT quận Hà Đông Phạm Đức Hòa cho biết, quận Hà Đông nhiều lần tuyên truyền, vận động, thuyết phục hơn 10 hộ dân đang sống trong khuôn viên miếu Yên Phúc, phường Phúc La chuyển ra ngoài di tích; thành phố nhiều lần gửi văn bản yêu cầu quận và chính quyền địa phương giải quyết vấn đề này, nhưng vì nhiều lý do, công tác giải phóng mặt bằng để thực hiện dự án bảo tồn, phát huy giá trị miếu Yên Phúc đến nay vẫn chưa được giải quyết.

Tại Di tích quốc gia đặc biệt đền Sóc (Sóc Sơn), 11 hộ dân đang sống trong khu vực bảo vệ I chưa đồng ý di dời cũng ảnh hưởng đến công tác bảo tồn. Ông Nguyễn Nam Nho, Giám đốc Khu du lịch - Di tích đền Sóc cho hay, nhiều năm nay, các cơ quan chức năng đã bàn đến phương án xây dựng bãi đỗ xe, chỉnh trang trụ sở làm việc của đơn vị quản lý di tích cho phù hợp với cảnh quan, không gian và nhu cầu tham quan, tìm hiểu của du khách. Tuy nhiên, do dân chưa di dời nên các phương án hiện vẫn nằm… trên giấy. Qua đó, có thể thấy, việc di chuyển các hộ dân ra khỏi khu vực bảo vệ của nhiều di tích vẫn là bài toán khó đối với các cơ quan quản lý...

Thu Hiền (HNM)
  • Facebook
  • Chia sẻ
  •   Lưu tin
  •   Báo cáo

    Báo cáo vi phạm
     
 
Mọi ý kiến đóng góp cũng như thắc mắc liên quan đến thị trường bất động sản xin gửi về địa chỉ email: [email protected]; Đường dây nóng: 0942.825.711.