Sau 2 lần nghiên cứu sửa đổi và tiếp thu các ý kiến chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ xây dựng dự thảo Chiến lược phát triển nhà ở quốc gia đến năm 2010 và tầm nhìn đến năm 2030, ngày 21.10, Bộ trưởng Bộ Xây dựng Trịnh Đình Dũng đã có tờ trình số 70/TTr - BXD trình Thủ tướng Chính phủ, đề nghị chính thức phê duyệt Chiến lược phát triển nhà ở.

Đáng chú ý, dự thảo đã thẳng thắn thừa nhận những mặt khiếm khuyết trong lĩnh vực phát triển và quản lý nhà ở hiện nay và đề xuất 8 giải khắc phục tình trạng này... Đây là các nhóm giải pháp được nghiên cứu hệ thống và lần đầu tiên chính thức được đệ trình lên Thủ tướng.


Chỉ mặt điểm yếu


Để đưa ra được những giải pháp mang tính thực tiễn cao, dự thảo Chiến lược phát triển nhà ở đến năm 2020 đã không ngần ngại nêu rõ các mặt hạn chế trong cơ chế phát triển và quản lý nhà ở hiện nay. Đó là do hệ thống chính sách thiếu đồng bộ, vẫn còn một số quy định chưa khả thi hoặc chưa phù hợp với tình hình thực tế, dẫn đến quan hệ cung - cầu về nhà ở mất cân đối, nhiều bất cập. Đáng chú ý, thị trường BĐS và thị trường nhà ở, đất ở biến động phức tạp theo xu hướng giá cả tăng cao, vượt quá khả năng về tài chính của một bộ phận lớn dân cư, đã dẫn đến sức ép về nhà ở ngày càng tăng, đặc biệt là nhà ở tại khu vực đô thị. Hiện tượng đầu cơ, làm giá, mua đi bán lại nhà ở kiếm lời diễn ra tương đối phổ biến và đã từng gây ra “sốt ảo”, làm cho thị trường nhà ở phát triển thiếu bền vững.


Tại khu vực đô thị cơ cấu nhà ở còn chưa hợp lý, tâm lý muốn sở hữu nhà ở, muốn ở nhà thấp tầng gắn với đất còn phổ biến, vì vậy tỉ trọng nhà ở chung cư chỉ chiếm 1,23% tổng số nhà ở cả nước, Hà Nội là địa phương có tỉ lệ nhà chung cư cao nhất nhưng mới đạt tỉ lệ 16,64%, trong khi đó tại TPHCM tỉ lệ nhà chung cư mới đạt 6,13%; tỉ lệ số hộ dân đi thuê nhà để ở tại khu vực đô thị mới đạt 14%, thấp hơn nhiều so với số hộ có sở hữu nhà ở. Hầu hết các DN chỉ chú trọng phát triển nhà ở thương mại cao cấp, diện tích lớn để bán với giá cao cho những người có thu nhập cao mà chưa quan tâm phát triển các loại căn hộ có diện tích nhỏ, có giá bán phù hợp với đại bộ phận người dân. Đến nay cả nước vẫn còn hơn 770.000 hộ gia đình có diện tích nhà ở bình quân dưới 5m2/người và hơn 4,6 triệu hộ gia đình có diện tích nhà ở bình quân từ 6-10m2/người.


Đáng buồn là phần lớn nguồn cung về nhà ở trong thời gian vừa qua chủ yếu do các hộ gia đình, cá nhân tự xây dựng, chỉ có một số đô thị lớn như Hà Nội, TPHCM, TP. Đà Nẵng... thực hiện việc phát triển nhà ở theo dự án, còn lại nhiều địa phương chủ yếu vẫn thực hiện hình thức chia lô, bán nền để người dân tự xây dựng nhà ở. Nhà ở được xây dựng thiếu quy hoạch, trái quy hoạch dọc các trục đường giao thông, tuyến đê, kênh rạch đang diễn ra ở nhiều địa phương. Kế hoạch phát triển nhà ở vẫn phụ thuộc vào tiến độ thực hiện dự án của các chủ đầu tư dự án, Nhà nước chưa chủ động để can thiệp, điều tiết việc cân đối cung - cầu cho thị trường nhà ở, thiếu quỹ đất để phát triển nhà ở cho các đối tượng chính sách xã hội, người có thu nhập thấp và người nghèo. Nguồn vốn cho phát triển nhà ở còn thiếu, đặc biệt là nguồn vốn tín dụng trung hạn và dài hạn...


Đến năm 2020, 25m2 sàn/người
Ảnh: Bình An.

Sẽ lập Quỹ Tiết kiệm nhà ở


Dự thảo nêu 8 giải pháp chính để khắc phục cơ bản những mặt tồn tại hiện nay, trong đó một trong những giải pháp quan trọng là nghiên cứu sửa đổi, bổ sung các chính sách đất đai, đặc biệt là những nội dung quan trọng liên quan đến lĩnh vực phát triển nhà ở như bồi thường, GPMB, tạo quỹ đất sạch, kiểm tra rà soát và thu hồi quỹ đất sử dụng lãng phí; hoàn thiện chính sách tài chính, thuế liên quan đến đất đai... để huy động các thành phần kinh tế tham gia phát triển nhà ở.


Đáng chú ý, dự thảo đề xuất nghiên cứu hoàn thiện về tài chính - tín dụng theo hướng mở rộng nguồn vốn vay trung hạn và dài hạn; hoàn thiện mô hình hoạt động của Quỹ Phát triển nhà ở, thành lập Quỹ Tiết kiệm nhà ở; sửa đổi, bổ sung cơ chế, chính sách cho vay thế chấp đối với lĩnh vực phát triển nhà ở; hoàn thiện chính sách thuế liên quan đến quản lý, sử dụng và phát triển nhà ở.


Công tác dự báo, lập kế hoạch phát triển nhà ở được chú trọng, trong đó tập trung đa dạng hóa cơ cấu diện tích căn hộ cũng như hình thức và thời gian sở hữu nhà ở (lâu dài, có thời hạn); xây dựng và công bố chỉ số thị trường nhà ở và BĐS; hoàn thiện cơ chế và mô hình quản lý việc sử dụng nhà chung cư...


Dự thảo cũng đề xuất các biện pháp cải cách thủ tục hành chính trong lĩnh vực nhà ở, bao gồm các thủ tục liên quan đến quy hoạch - kiến trúc, đất đai, quản lý xây dựng ...để tạo điều kiện cho các tổ chức, hộ gia đình và cá nhân thực hiện việc đầu tư xây dựng nhà ở theo quy định của pháp luật. Đẩy mạnh công tác tuyên truyền, vận động nhân dân thay đổi phương thức tập quán sở hữu nhà ở chuyển sang thuê nhà ở, thay đổi thói quen ở nhà riêng lẻ chuyển sang hình thức sử dụng căn hộ chung cư, cũng như việc vận động việc tham gia hỗ trợ, giúp đỡ lẫn nhau trong việc cải tạo, xây dựng nhà ở; khuyến khích áp dụng hình thức liên kết, hợp tác phát triển nhà ở theo mô hình HTX...


Phát biểu bên lề về dự thảo Chiến lược phát triển nhà ở đến năm 2020, tầm nhìn 2030 trình Chính phủ lần này, Bộ trưởng Bộ Xây dựng Trịnh Đình Dũng cho biết, mục tiêu chính của dự thảo là thực hiện mọi biện pháp để phấn đấu đến năm 2020, diện tích nhà ở bình quân toàn quốc đạt khoảng 25m2 sàn/người, trong đó tại đô thị đạt 29m2 sàn/người và tại nông thôn đạt 22m2 sàn/người; tỉ lệ nhà ở kiên cố toàn quốc đạt khoảng 70%; phấn đấu xây dựng mới tối thiểu khoảng 12,5 triệu mét vuông nhà ở xã hội tại khu vực đô thị.


Theo Phạm Huệ (Lao Động)
  • Facebook
  • Chia sẻ
  •   Lưu tin
  •   Báo cáo

    Báo cáo vi phạm
     
 
Mọi ý kiến đóng góp cũng như thắc mắc liên quan đến thị trường bất động sản xin gửi về địa chỉ email: [email protected]; Đường dây nóng: 0942.825.711.
Tags: cafeland