16/09/2022 9:48 AM
Có ý kiến cho rằng việc gắn trái phiếu với tài sản đảm bảo sẽ tránh được rủi ro khi hoàn trả.

Ông Trương Văn Phước đề nghị nên thí điểm cơ chế trái phiếu gắn với tài sản đảm bảo.

Định hướng dòng chảy tín dụng

Tại Hội nghị giữ vững ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát, thúc đẩy tăng trưởng, bảo đảm các cân đối lớn của nền kinh tế diễn ra chiều 12.9, ông Trương Văn Phước, nguyên Quyền Chủ tịch Ủy ban Giám sát tài chính Quốc gia, đã trình bày một trong những vấn đề đang được dư luận quan tâm là chuyện cung ứng tiền và chính sách tiền tệ.

Theo ông Phước, các quốc gia đều phải sử dụng chính sách tiền tệ trong tăng lãi suất và cung ứng tiền để kiểm soát lạm phát. Ở Việt Nam, cung ứng tiền thể hiện qua room tín dụng, là kênh chủ yếu cung ứng vốn cho nền kinh tế.

“Vừa rồi, việc Ngân hàng Nhà nước thông báo bổ sung tăng trưởng tín dụng là rất thích hợp. Chỉ có một vấn đề là chúng ta cần theo dõi chặt chẽ để có lộ trình trong tương lai nếu bỏ room tín dụng”, ông Phước phát biểu.

Ông Phước cho rằng cần tạo ra thanh khoản của thị trường thông qua nhiệm vụ bơm/rút tiền thông qua buôn bán ngoại tệ cũng như các công cụ của thị trưởng mở để tạo mặt bằng lãi suất ổn định.

Vấn đề tiếp đó là sự phối hợp về chính sách tài khóa và chính sách tiền tệ.

Theo ông Phước, không chỉ ở Việt Nam mà ở bất kỳ quốc gia nào cũng có sự xung đột của chính sách tài khóa và chính sách tiền tệ.

Cấu trúc tài chính của thị trường Việt Nam là nguyên nhân chính tạo sự xung đột ngày càng gay gắt hơn. Có thể nói chính sách tiền tệ là định hướng của dòng chảy tín dụng thời gian vừa qua, cũng đã giúp cho yếu tố lạm phát thấp xuống.

Vị này đề nghị thời gian tới, chính sách tiền tệ cần phải định hướng dòng chảy tín dụng qua các hệ số rủi ro.

Việc xác định room tín dụng cho các ngân hàng cần dựa vào cơ cấu tín dụng và các hệ số rủi ro. Nếu cho vay với các ngành nghề rủi ro nhiều thì hệ số rủi ro cao.

Theo ông Phước, đây là một cách hỗ trợ cho chính sách tài khóa một cách gián tiếp, vì nếu như dòng vốn đi vào nền kinh tế sẽ làm cho lạm phát thấp xuống, làm cho nguồn thu tăng lên.

Nên thí điểm cơ chế trái phiếu gắn với tài sản đảm bảo

Theo đánh giá của ông Phước, thị trường vốn hiện nay vẫn còn hạn chế, nhất là thị trường trái phiếu. Ông đề nghị nên thí điểm cơ chế trái phiếu gắn với tài sản đảm bảo.

“Đây là cái mà hiện nay, đặc biệt là Mỹ, châu Âu đang phát triển rất nhiều. Tránh tình trạng trái phiếu phát hành ra không có tài sản đảm bảo gây nên rủi ro khi hoàn trả”, ônh Phước nhận định.

Ông Phước cho rằng trong bối cảnh hiện nay, phải làm sao để giải tỏa bớt áp lực lên thị trường tiền tệ. Nếu không thì dòng tiền từ Ngân hàng Nhà nước đưa ra qua chính sách tiền tệ ảnh hưởng đến tăng trưởng. Đây có thể nói vòng luẩn quẩn trong xung đột chính sách.

Còn theo PGS.TS Trần Hoàng Ngân, trong thời gian tới, chúng ta phải mạnh mẽ hơn trong vấn đề tái cơ cấu hệ thống ngân hàng để đem lại sự lành mạnh, giúp điều hành chính sách tiền tệ một cách thuận lợi hơn, từ đó có thể mạnh dạn để xóa bỏ room tín dụng trong thời gian tới.

“Tôi nghĩ rằng chúng ta cần kiên định một chính sách tiền tệ thận trọng. Vì ở thời điểm này, nếu yêu cầu nới lỏng thì sai phạm, còn thắt chặt thì không phù hợp với diễn biến phát triển kinh tế của Việt Nam”, ông Hoàng Ngân nhấn mạnh.

Tâm An
  • Facebook
  • Chia sẻ
  •   Lưu tin
  •   Báo cáo

    Báo cáo vi phạm
     
Mọi ý kiến đóng góp cũng như thắc mắc liên quan đến thị trường bất động sản xin gửi về địa chỉ email: [email protected]; Đường dây nóng: 0942.825.711.