Với chế độ pháp lý đối với lấn biển, Đại biểu Lê Thanh Vân (đoàn Cà Mau) cho rằng nên quy định nguyên tắc trong Luật Đất đai thay vì ủy thác cho Chính phủ. Theo đó, cần khuyến khích thể nhân, cá nhân thực hiện lấn biển để gia tăng quỹ đất, mở rộng không gian sinh tồn.

Tiếp tục chương trình làm việc Kỳ họp thứ 6, sáng nay (3/11), Quốc hội thảo luận ở hội trường về một số nội dung còn ý kiến khác nhau của dự thảo Luật Đất đai sửa đổi.

Đại biểu Lê Thanh Vân (đoàn Cà Mau) cho rằng, cần quán triệt một nguyên tắc nhất quán trong xác định bồi thường giá đất, theo 2 nguyên tắc.

Một là chỉ bồi thường giá trị đất theo mục đích ghi trong giấy chứng nhận quyền sử dụng đất để không lẫn lộn giữa các loại đất khi xác định bồi thường.

Hai là tất cả thành viên trong xã hội đều được hưởng lợi từ giá trị gia tăng từ đất do Nhà nước đầu tư và thực hiện quy hoạch, không một ai được hưởng quyền lợi riêng ở đó.

“Nếu xác định được hai nguyên tắc đó thì sẽ không tạo ra sự nhầm lẫn trong bồi thường đất. Vì cứ có dự án, có quy hoạch là tự động tăng giá đất và yêu cầu giá không giới hạn”, đại biểu đoàn Cà Mau nêu quan điểm.

Đại biểu Lê Thanh Vân (đoàn Cà Mau). Ảnh: Quốc hội

Ngoài ra, bên cạnh thực hiện quy hoạch đối với dự án đất ở đất thương mại đất khu đô thị và Nhà nước phải đứng ra giải phóng mặt bằng. Nhà nước phải định ra không gian gần như một sản phẩm quy hoạch để tiến hành đấu giá đất, đấu giá dự án.

Toàn bộ tiền thu được phục vụ cho ba mục đích gồm: thu hồi chi phí nhà nước đầu tư cho quy hoạch chi tiết, kết nối hạ tầng, chi phí bồi thường tái định cư, đầu tư phát triển hạ tầng phục vụ lợi ích chung.

Đồng thời, không phân biệt dự án công, dự án tư, tránh tình trạng hai giá, (một giá là của Nhà nước là một giá khác, một giá tư nhân là giá khác) sẽ sinh ra mất bình đẳng và dễ nảy sinh mâu thuẫn.

“Mâu thuẫn giữa nhà đầu tư và người bị thu hồi đất, thậm chí mâu thuẫn giữa những người bị thu hồi đất”, ông Vân nêu.

Ngoài ra, ông Vân đề nghị xác định phương pháp bồi thường, vấn đề lựa chọn phương án phù hợp với từng loại đất và có nguyên tắc trong Luật.

Theo đó đất ở gắn với quyền tài sản, tài sản trên đất cần áp dụng phương pháp so sánh thị trường, thậm chí là phương pháp thặng dư. Đất sản xuất thì lấy phương pháp thu nhập kết với phương pháp khấu trừ… Nếu xác định được trong luật những nguyên tắc đó thì Chính phủ có cơ sở hướng dẫn thực hiện.

Với chế độ pháp lý đối với lấn biển, theo ông Vân, nên quy định nguyên tắc trong Luật Đất đai thay vì ủy thác cho Chính phủ. Theo đó, cần khuyến khích thể nhân, cá nhân thực hiện lấn biển để gia tăng quỹ đất, mở rộng không gian sinh tồn.

Đại biểu đoàn Càu Mau gợi ý, có thể sử dụng công cụ thuế để điều tiết, ưu đãi tài chính,…

Theo đó, Nhà nước cần khuyến khích và có ghi trong luật đó là: hỗ trợ tài chính, lãi suất, miễn giảm thuế có thời hạn (20-30 năm), cấp quyền sử dụng đặc biệt nếu như mảnh đất có thể sử dụng vào những việc phù hợp với mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội của đất nước, có lợi cho cả Nhà nước, doanh nghiệp, người dân.

Tham gia tranh luận về vấn đề lấn biển, đại biểu Vũ Xuân Hùng (đoàn Thanh Hóa) cho rằng đây là nội dung quan trọng, được quy định trong nhiều văn bản quy phạm pháp luật.

Tuy nhiên, các quy định hiện nay chưa thống nhất. Vì vậy, để tạo nguồn lực cho phát triển kinh tế, xã hội, thu hút các nhà đầu tư thực hiện các dự án lấn biển, phát triển hạ tầng, mở rộng không gian biển, tăng thu ngân sách, đại biểu đề nghị quy định rõ như phương án 2 đối với khoản 6 Điều 191, giao cho Chính phủ quy định chi tiết về trình tự, thủ tục.

Diệu Trang
  • Facebook
  • Chia sẻ
  •   Lưu tin
  •   Báo cáo

    Báo cáo vi phạm
     
 
Mọi ý kiến đóng góp cũng như thắc mắc liên quan đến thị trường bất động sản xin gửi về địa chỉ email: [email protected]; Đường dây nóng: 0942.825.711.