15/11/2019 6:59 AM
CafeLand - Đây là nhận xét của ông Nguyễn Văn Đực, Phó giám đốc Công ty địa ốc Đất Lành, liên quan đến đề xuất cấm để xe trong tầng hầm của một đại biểu Quốc hội tại phiên thảo luận chiều 13/11.

Tại phiên thảo luận Quốc hội về thực hiện chính sách, pháp luật về phòng cháy chữa cháy (PCCC) giai đoạn 2014 – 2018, đại biểu Nguyễn Ngọc Phương (Quảng Bình) đã kiến nghị điều chỉnh quy hoạch xây dựng các khu chung cư, khách sạn cao tầng có khu dừng đỗ xe riêng, không cho đỗ đậu đưới tầng hầm.

Theo vị này, mỗi xe như một thùng xăng, cả tầng hầm sẽ như một kho xăng. Trong trường hợp xảy ra hỏa hoạn sẽ rất khó chữa cháy, không những gây chết người mà còn làm cho khu chung cư xuống cấp nghiêm trọng sau vụ cháy.

Trả lời phần thảo luận của đại biểu Phương, Bộ trưởng Bộ Xây dựng Phạm Hồng Hà cho biết, bộ sẽ nghiên cứu phương án có cho dùng tầng hầm làm bãi giữ xe nữa hay không.

Tuy nhiên, nhận xét về đề xuất này, ông Nguyễn Văn Đực, Phó giám đốc Công ty địa ốc Đất Lành, cho rằng đề xuất không để xe dưới tầng hầm nhà cao tầng là vô lý và là một cái nhìn hết sức ấu trĩ.

ĐBQH Nguyễn Ngọc Phương (Quảng Bình) kiến nghị điều chỉnh quy hoạch xây dựng các khu chung cư, khách sạn cao tầng có khu dừng đỗ xe riêng, không cho đỗ đậu đưới tầng hầm.

“Chúng ta không thể nhìn vào một số tầng đã bị cháy để cấm hết tất cả tầng hầm không cháy. Cũng như không thể thấy một máy bay gặp nạn mà chúng ta không bao giờ đi máy bay nữa. Điều này rất là vô duyên”, ông Đực cho biết.

Theo ông Đực, nếu đề xuất không để xe dưới tầng hầm chung cư được thông qua thì không biết lượng xe “khổng lồ” của người dân sẽ để ở đâu, trong khi đất đô thị ngày càng hạn hẹp.

“Chúng ta không thể bố trí được các bãi đất trống quy mô lớn để làm chỗ đỗ xe trong các khu đô thị được. Điều đó là quá khó. Rõ ràng, đề xuất không để xe ở tầng hầm là đang đi ngược xu thế”, ông Đực nhận định.

Theo ông, xu hướng hiện đại là tất cả đô thị có cao ốc đều phải bố trí hầm gửi xe. Một cao ốc có thể có một tầng hầm, năm tầng hầm, thậm chí cả 10 tầng hầm. Ở nhiều nơi, tầng hầm là cuộc sống của đô thị, người ta không chỉ bố trí tầng hầm làm chỗ để xe mà còn làm các dịch vụ kinh doanh, giải trí khác.

Ông Đực cho rằng thay vì cấm để xe tầng hầm, cần phải đưa ra các quy định để làm sao tầng hầm phải thông thoáng, và quản lý hiệu quả để tầng hầm không bị cháy. Hoặc trường hợp hy hữu, nếu có bị cháy thì chỉ gây thiệt hại về tài sản chứ không thiệt hại về người. Nếu để xảy ra hoả hoạn, chủ đầu tư có trách nhiệm đền bù thiệt hại hoặc có chế tài xử phạt nghiêm khắc các đơn vị liên quan để nâng cao tính trách nhiệm.

Ông Đực cho rằng đề xuất không để xe dưới tầng hầm nhà cao tầng là vô lý.

“Đây mới là phương án giải quyết vấn đề xe cộ ở đô thị, chứ không phải không quản được thì cấm”, ông Đực nhấn mạnh.

Đưa ra giải pháp PCCC cụ thể hơn, vị này cho rằng, muốn chặt chẽ trong an toàn PCCC, chủ đầu tư phải có phương án xây dựng các dự án thông minh. Khi thiết kế thi công xây dựng cần có những ý tưởng hay hơn quy định.

Khi dự án đưa vào bàn giao và vận hành, cư dân và ban quản trị toà nhà cần thường xuyên tổ chức kiểm tra vấn đề PCCC. Chính quyền phải kiểm soát chặt chẽ quá trình nghiệm thu PCCC thì công tác an toàn PCCC trong tầng hầm cũng như cả toà nhà chung cư mới đạt được hiệu quả tốt nhất.

Cũng thảo luận tại Quốc hội liên quan đến công tác PCCC chiều 13/11, đại biểu Nguyễn Thị Mai Hoa (Đồng Tháp) cho rằng đã đến lúc cần nhìn thẳng vào thực trạng của công tác phòng, chống cháy, nổ hiện nay để nhận ra những lỗ hổng cần phải xử lý. Từ đó, cần phải truy trách nhiệm và làm rõ trách nhiệm của các bên liên quan.

Theo vị đại biểu này, hiện có sự chồng chéo, bất cập, thiếu thống nhất và lạc hậu của các quy định trong hệ thống pháp luật - không chỉ là những quy định trực tiếp về PCCC mà còn ở các quy định liên quan ở các lĩnh vực như xây dựng, giao thông, điện lực.

Trong công tác PCCC, cơ quan chức năng khẳng định là có kiểm tra, có giám sát và rất quan tâm tới công tác này, nhưng thực tế những sai phạm trong cháy, nổ lại được xử lý rất ít. Thậm chí, khi sự cố cháy nổ xảy ra mới bắt đầu truy cứu nguyên nhân và quy trách nhiệm.

Theo Bộ trưởng Bộ Xây dựng Phạm Hồng Hà, hiện nay có ba luật liên quan đến công tác PCCC là Luật Xây dựng, Luật PCCC và Luật Nhà ở. Đồng thời, cũng có nhiều nghị định, thông tư về vấn đề này.

Trong những văn bản này đã có những quy định cụ thể về các khâu trong xây dựng, như phê duyệt dự án, kỹ thuật, kiểm tra hệ thống PCCC… Đặc biệt, trong Luật Nhà ở có quy định rõ trách nhiệm của chủ đầu tư, ban quản trị nhà chung cư về PCCC.

Tuy vậy, Bộ trưởng Bộ Xây dựng cũng thừa nhận, các quy định pháp luật về công tác này còn nhiều hạn chế, nội dung lạc hậu, thiếu quy định đáp ứng nhu cầu phát triển rất nhanh của việc phát triển đô thị. Đặc biệt, còn nhiều bất cập ở khâu tổ chức thực hiện các quy định về PCCC trong công tác quy hoạch xây dựng, thẩm định dự án, thiết kế, nghiệm thu công trình…

Tâm An
  • Facebook
  • Chia sẻ
  •   Lưu tin
  •   Báo cáo

    Báo cáo vi phạm
     
Mọi ý kiến đóng góp cũng như thắc mắc liên quan đến thị trường bất động sản xin gửi về địa chỉ email: [email protected]; Đường dây nóng: 0942.825.711.
CafeLand.vn là Network bất động sản hàng đầu tại Việt Nam và duy nhất chuyên về bất động sản. Cập nhật thực trạng thị trường bất động sản hiện nay, cung cấp cho các độc giả những thông tin chính xác và những góc nhìn phân tích nhận định về thị trường bất động sản từ các chuyên gia trong ngành. Ngoài ra, CafeLand còn cung cấp cho độc giả tất cả các thông tin về sự kiên, dự án, các xu hướng phong thủy, nhà ở để các bạn có cái nhìn tổng quan hơn về thông tin mua bán nhà đất tại Việt Nam.