03/10/2024 9:20 PM
Tuyến cao tốc TP.HCM – Trung Lương – Mỹ Thuận được đề xuất mở rộng lên 6 – 8 làn xe, tổng vốn đầu tư dự kiến hơn 32.000 tỉ đồng.

Đề xuất hơn 32.200 tỉ đồng mở rộng cao tốc nối TP.HCM với ĐBSCL- Ảnh 1.

Thông tin từ Ban Quản lý dự án 7 (Bộ GTVT) cho biết, đơn vị vừa có tờ trình gửi UBND và Sở GTVT TP.HCM về báo cáo tình hình thực hiện dự án đầu tư xây dựng mở rộng đường bộ cao tốc đoạn TP.HCM - Trung Lương và đoạn Trung Lương - Mỹ Thuận, theo báo Giao thông.

Đồng thời, xin ý kiến thống nhất của UBND TP.HCM để có cơ sở hoàn thiện dự án, báo cáo Bộ GTVT xem xét, cấp thẩm quyền quyết định.

Theo Ban Quản lý dự án 7, đơn vị thực hiện lập báo cáo nghiên cứu tiền khả thi đối với dự án này. Đồng thời, Bộ GTVT sẽ là đơn vị cấp quyết định chủ trương đầu tư.

Nhà đầu tư đề xuất dự án là liên doanh Công ty Cổ phần Tập đoàn Đèo Cả - Công ty Cổ phần Đầu tư hạ tầng kỹ thuật TP.HCM - Công ty Cổ phần Tasco.

Phạm vi nghiên cứu chính là toàn tuyến cao tốc dài 91km từ TP.HCM đến Mỹ Thuận, các nút giao (liên thông và trực thông), các công trình trên tuyến, hệ thống giao thông thông minh, hệ thống thu phí...

Căn cứ vào cơ sở pháp lý của dự án, nhà đầu tư đã tính toán, xây dựng các kịch bản đầu tư các đoạn tuyến TP.HCM - Trung Lương và Trung Lương - Mỹ Thuận để từ đó lựa chọn phương án đầu tư tối ưu. Cụ thể là đầu tư từng đoạn độc lập hay ghép hai đoạn thành dự án; đầu tư công hay theo hình thức đối tác công tư (PPP).

Qua kết quả nghiên cứu, nhà đầu tư kiến nghị phương án tối ưu là đầu tư mở rộng toàn tuyến dài 91km trong giai đoạn năm 2024-2028. Dự án đầu tư theo phương thức PPP (hợp đồng BOT), không có vốn ngân sách Nhà nước tham gia.

Phạm vi dự án có điểm đầu tại nút giao Chợ Đệm thuộc địa phận TP.HCM, điểm cuối là nút giao An Thái Trung thuộc địa phận tỉnh Tiền Giang.

Về quy mô, đoạn TP.HCM (bao gồm nút giao chợ Đệm) có quy mô 8 làn xe hoàn chỉnh, hai làn khẩn cấp (có khoảng 1,2km đi qua TP.HCM); đoạn từ Trung Lương đến Mỹ Thuận (nút giao Thái Trung) với quy mô 6 làn xe hoàn chỉnh, hai làn dừng khẩn cấp.

Dự án dự kiến có tổng mức đầu tư sơ bộ khoảng 32.270 tỷ đồng, thực hiện trong giai đoạn năm 2024 - 2028.

Cao tốc TP HCM - Trung Lương hiện có 4 làn xe, hai làn dừng khẩn cấp, bắt đầu khai thác từ 14 năm trước. Từ năm 2019, tuyến đường dừng thu phí, lưu lượng ôtô tăng mạnh khiến tình trạng ùn tắc, tai nạn xảy ra thường xuyên. Nối với tuyến này, đoạn Trung Lương - Mỹ Thuận dù mới đưa vào sử dụng cách đây hai năm với quy mô 4 làn xe, nhưng chưa có làn dừng khẩn cấp nên bộc lộ nhiều hạn chế, từng xảy ra nhiều vụ tai nạn.

Ngoài việc đầu tư mở rộng trục chính cao tốc, liên danh nhà đầu tư cho rằng việc mở rộng hai đường nối phía TP HCM gồm Tân Tạo - Chợ Đệm và Bình Thuận - Chợ Đệm là cần thiết, phù hợp với quy hoạch. Đây là hai tuyến đường đô thị đang được TP.HCM quản lý nên nhà đầu tư đề xuất thành phố nghiên cứu đầu tư nâng cấp bằng nguồn vốn phù hợp.

Phong Vân
  • Facebook
  • Chia sẻ
  •   Lưu tin
  •   Báo cáo

    Báo cáo vi phạm
     
Mọi ý kiến đóng góp cũng như thắc mắc liên quan đến thị trường bất động sản xin gửi về địa chỉ email: [email protected]; Đường dây nóng: 0942.825.711.