Đó là một trong những nội dung quan trọng đã được Bộ trưởng Bộ Xây dựng Trịnh Đình Dũng ký trong tờ trình đề nghị Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Chiến lược phát triển nhà ở quốc gia đến năm 2020 và tầm nhìn đến năm 2030.
Nhằm đáp ứng yêu cầu nâng cao chất lượng về chỗ ở và điều kiện sống của các tầng lớp dân cư, Chiến lược hành động hướng tới mục tiêu mỗi năm đầu tư xây dựng mới khoảng 100 triệu m2 sàn nhà ở, trong đó tối thiểu khoảng 20% diện tích sàn trong các dự án phát triển nhà ở đô thị được dành cho các đối tượng chính sách xã hội, người có thu nhập thấp và người nghèo. Bên cạnh đó, cần chú trọng tăng tỷ trọng nhà ở chung cư, nhà ở cho thuê theo hướng vừa khuyến khích các thành phần kinh tế tham gia, đồng thời Nhà nước chủ động đầu tư phát triển.
Dự án nhà ở xã hội ở khu đô thị Việt Hưng. Ảnh: Nguyễn Lê |
Bộ Xây dựng đề nghị Chính phủ có cơ chế, chính sách hỗ trợ phát triển nhà ở phi hàng hóa để giải quyết chỗ ở cho các nhóm đối tượng chính sách xã hội gặp khó khăn về chỗ ở nhưng không đủ khả năng thanh toán theo cơ chế thị trường gồm: Người có công với cách mạng; hộ nghèo khu vực nông thôn; người có thu nhập thấp tại khu vực đô thị; cán bộ, công chức, viên chức, nhân sĩ, trí thức, văn nghệ sĩ; sĩ quan, quân nhân chuyên nghiệp; công nhân lao động tại các khu công nghiệp; sinh viên, học sinh các trường ĐH, CĐ, trung cấp chuyên nghiệp và dạy nghề.
Đặc biệt, điểm mới của chiến lược so với quy định hiện hành là bổ sung các đối tượng chính sách xã hội đặc biệt khó khăn (người tàn tật, người già cô đơn, người nhiễm chất độc da cam...) theo hướng Nhà nước chủ động đầu tư xây dựng quỹ nhà ở để bố trí chỗ ở cho các đối tượng này, đồng thời khuyến khích các thành phần kinh tế tham gia xây dựng nhà tình nghĩa, tình thương, nhà đại đoàn kết để giúp đỡ cho các đối tượng xã hội đặc biệt khó khăn có chỗ ở ổn định.
Mở rộng nguồn vay vốn trung và dài hạn để mua nhà
Dự thảo Chiến lược phát triển nhà ở đến năm 2020 nêu rõ, thị trường BĐS và thị trường nhà ở, đất ở biến động phức tạp theo xu hướng giá cả tăng cao, vượt quá khả năng về tài chính của một bộ phận lớn dân cư, đã dẫn đến sức ép về nhà ở ngày càng tăng, đặc biệt là nhà ở tại khu vực đô thị. Hiện tượng đầu cơ, làm giá, mua đi bán lại nhà ở kiếm lời diễn ra tương đối phổ biến và đã từng gây ra “sốt ảo”, làm cho thị trường nhà ở phát triển thiếu bền vững.
Tại khu vực đô thị cơ cấu nhà ở còn chưa hợp lý, tâm lý muốn sở hữu nhà ở, muốn ở nhà thấp tầng gắn với đất còn phổ biến, vì vậy tỉ trọng nhà ở chung cư chỉ chiếm 1,23% tổng số nhà ở cả nước, Hà Nội là địa phương có tỉ lệ nhà chung cư cao nhất nhưng mới đạt tỉ lệ 16,64%, trong khi đó tại TPHCM tỉ lệ nhà chung cư mới đạt 6,13%; tỉ lệ số hộ dân đi thuê nhà để ở tại khu vực đô thị mới đạt 14%, thấp hơn nhiều so với số hộ có sở hữu nhà ở.
Kế hoạch phát triển nhà ở vẫn phụ thuộc
vào tiến độ thực hiện dự án của các chủ đầu tư dự án, Nhà nước chưa chủ
động để can thiệp, điều tiết việc cân đối cung - cầu cho thị trường nhà
ở, thiếu quỹ đất để phát triển nhà ở cho các đối tượng chính sách xã
hội, người có thu nhập thấp và người nghèo. Nguồn vốn cho phát triển nhà
ở còn thiếu, đặc biệt là nguồn vốn tín dụng trung hạn và dài hạn...
Để khắc phục tình trạng trên, giải pháp đáng chú ý của Bộ Xây dựng là đề xuất nghiên cứu hoàn thiện về tài chính - tín dụng theo hướng mở rộng nguồn vốn vay trung hạn và dài hạn; hoàn thiện mô hình hoạt động của Quỹ Phát triển nhà ở, thành lập Quỹ Tiết kiệm nhà ở; sửa đổi, bổ sung cơ chế, chính sách cho vay thế chấp đối với lĩnh vực phát triển nhà ở; hoàn thiện chính sách thuế liên quan đến quản lý, sử dụng và phát triển nhà ở.
Đặc biệt, để phát triển nhà ở hiệu quả, cần vận động nhân dân thay đổi phương thức tập quán sở hữu nhà ở chuyển sang thuê nhà ở, thay đổi thói quen ở nhà riêng lẻ chuyển sang hình thức sử dụng căn hộ chung cư; khuyến khích áp dụng hình thức liên kết, hợp tác phát triển nhà ở theo mô hình hợp tác xã...