Hiệp hội Kinh doanh Vàng vừa có công văn gửi Thủ tướng trình bày quan điểm và đề xuất các giải pháp cả gói để quản lý thị trường vàng, như điều chỉnh cơ chế xuất nhập khẩu, khuyến khích giao dịch tài khoản trở lại.

Theo Hiệp hội, siết chặt quản lý sản xuất và kinh doanh vàng là cần thiết, nhưng trước mắt không nên cấm hoàn toàn hoạt động kinh doanh vàng miếng, mà nên đưa ra các điều kiện chặt chẽ hơn để giảm bớt số lượng cửa hàng, hộ kinh doanh vàng cá thể. Để được cấp phép kinh doanh vàng miếng, ngoài giấy phép kinh doanh thông thường, doanh nghiệp cần có vốn pháp định tối thiểu 30 tỷ đồng và doanh thu 2 năm gần nhất là 500 tỷ đồng trở lên.

Hiện tại, Việt Nam có 8 thương hiệu vàng miếng nhưng số lượng đơn vị kinh doanh mặt hàng này lên tới hàng nghìn và việc cấp phép cũng rất đơn giản, không có điều kiện nào ràng buộc ngoài việc đăng ký kinh doanh với Sở Kế hoạch và Đầu tư.

Để giảm dần việc giao dịch vàng miếng, Hiệp hội đề xuất khởi động lại hoạt động giao dịch vàng tài khoản với một hành lang pháp lý chặt chẽ và cách thức tổ chức, quản lý bài bản hơn trước. Theo đó, nên sớm xúc tiến thành lập Sở Giao dịch Vàng Quốc gia, dưới sự giám sát của Ngân hàng Nhà nước và các cơ quan chức năng. Thành viên của Sở là các ngân hàng thương mại và các doanh nghiệp kinh doanh vàng có năng lực, có uy tín. Nhà đầu tư có nhu cầu giao dịch sẽ đặt lệnh mua, bán thông qua các thành viên này.

Hiệp hội cũng kiến nghị mở lại nghiệp vụ kinh doanh vàng trên tài khoản ở nước ngoài, giúp các ngân hàng thương mại và doanh nghiệp cân đối trạng thái, qua đó phòng ngừa rủi ro biến động giá thông qua các công cụ phái sinh, mà không nhất thiết phải thực hiện xuất, nhập khẩu vàng. Việc cho phép mở tài khoản giao dịch vàng ở nước ngoài chỉ nên giới hạn đối với các doanh nghiệp có thị phần kinh doanh lớn, có đủ kinh nghiệm và chuyên gia.

Liên quan tới hoạt động xuất nhập khẩu vàng hiện nay, Hiệp hội đề nghị có cơ chế linh hoạt hơn nhằm giúp thị trường vàng trong nước liên thông với thị trường quốc tế, tránh được những cú sốc về giá và góp phần giảm thiểu tình trạng buôn lậu vàng qua biên giới. Hoạt động xuất nhập khẩu cần tập trung cho những doanh nghiệp có khả năng tài chính, có kinh nghiệm và có mạng lưới sản xuất kinh doanh, đủ điều kiện để bình ổn thị trường. Hạn mức được cấp cần phù hợp với nhu cầu của thị trường và khả năng cân đối ngoại tệ của doanh nghiệp đó. Nên tránh tình trạng cấp hạn ngạch nhập khẩu vàng trong thời gian quá ngắn, vì sẽ dẫn tới tình trạng thu gom đôla để nhập khẩu, gây căng thẳng cho thị trường ngoại tệ, đồng thời gây bất lợi cho doanh nghiệp vì không có điều kiện để chọn giá nhập thích hợp, từ đó không phát huy vai trò bình ổn giá.

Hiện cả nước có 8 thương hiệu vàng miếng, trong đó SJC và PNJ chiếm hơn 80% thị phần. Tuy nhiên, số lượng doanh nghiệp kinh doanh mặt hàng này lên tới hàng nghìn. Ảnh: Hoàng Hà

Trao đổi với VnExpress trưa nay, Tổng thư ký Hiệp hội Kinh doanh Vàng Đinh Nho Bảng xác nhận đây là lần đầu tiên Hiệp hội có văn bản chính thức gửi Thủ tướng và các cơ quan liên quan, đề xuất các giải pháp, sau khi Đảng và Chính phủ có chủ trương sắp xếp lại thị trường vàng, tiến tới xóa bỏ hoạt động kinh doanh vàng miếng tự do.

"Hiệp hội ủng hộ chủ trương chấn chỉnh thị trường vàng và cam kết cùng các doanh nghiệp nghiêm túc thực hiện Nghị quyết số 11 của Chính phủ", ông Bảng nhấn mạnh.

Ông Bảng thừa nhận thị trường vàng Việt Nam hiện chưa phát triển ổn định, một phần do hành lang pháp lý hiện hành đối với hoạt động kinh doanh vàng chưa hoàn thiện. Nghị định 174 của Chính phủ về quản lý hoạt động kinh doanh vàng được ban hành từ năm 1999, hiện không còn phù hợp với bối cảnh hội nhập quốc tế cũng như thực tế thị trường vàng nhạy cảm. Vì thế, theo ông Bảng, việc quản lý, điều hành thị trường vàng hiện nay đôi phần lúng túng, bị động, chủ yếu là xử lý tình thế và mang tính hành chính.

Cũng chính vì chưa có cơ chế, nên những năm vừa qua hoạt động giao dịch vàng tài khoản phát triển tự phát, là một nhân tố gây bất ổn thị trường. Tuy nhiên, việc đóng cửa các sàn vàng lại khiến giao dịch chuyển toàn bộ thành vàng vật chất, mà chủ yếu là mua bán vàng miếng như hiện nay, làm tốn kém về ngoại tệ nhập khẩu và tăng chi phí cho doanh nghiệp. Theo ông Bảng, xu thế hiện nay trên thế giới giao dịch vàng tài khoản chiếm tới 70-80%, trong khi vàng vật chất chỉ chiếm một phần rất nhỏ.

"Ba năm sau khi sàn vàng đầu tiên do Ngân hàng Á Châu lập ra cho đến lúc có lệnh cấm sàn vàng, Việt Nam vẫn chưa thiết lập hàng lang pháp lý cho hoạt động này. Đấy là lý do hoạt động giao dịch vàng tài khoản trong nước tự phát, lộn xộn", ông Bảng giải thích tại sao phải xúc tiến thành lập Sở Giao dịch Vàng Quốc gia với quy chế quản lý, hoạt động chặt chẽ.

Việc siết chặt hoạt động xuất nhập khẩu vàng hiện nay, theo ông Bảng, là cần thiết song lại gây ra các hệ quả như giá trong nước cao hơn thế giới, kích thích việc thu gom đôla để nhập lậu, từ đó làm cho thị trường ngoại tệ tự do hỗn loạn, tỷ giá bị đẩy lên cao.

Ông Bảng đề xuất chỉ nên điều tiết hoạt động xuất nhập khẩu vàng thông qua chính sách thuế. "Thuế nhập khẩu nên tăng từ mức 0% hiện nay lên 0,5%, còn thuế xuất khẩu nên đưa từ 10% xuống tối đa 0,5%, hoặc tốt nhất là 0%", ông nói.

Theo tính toán của Hiệp hội, tỷ suất lợi nhuận của các doanh nghiệp kinh doanh vàng chỉ là 1%. Kể từ khi thuế xuất khẩu tăng lên 10% từ đầu năm nay, hoạt động này gần như tê liệt. Trong khi đó, xuất khẩu vàng lại là kênh tái tạo ngoại tệ nhanh nhất, với kim ngạch hai năm qua trung bình đạt 2 tỷ USD mỗi năm.

Để sắp xếp lại thị trường, theo ông Bảng cần thiết phải có một hành lang pháp lý mới, phù hợp với điều kiện hiện nay và cũng như trong dài hạn, nhằm làm định hướng xây dựng và phát triển ngành công nghiệp chế tác vàng, cũng như đảm bảo lợi ích chính đáng của người dân có sở hữu vàng hợp pháp, không tạo ra cú sốc cho thị trường và dư luận.

"Số liệu thống kê chưa đầy đủ cho thấy khoảng một nửa số hộ gia đình Việt Nam hiện nay tích trữ vàng, trong đố chiếm phần lớn là các hộ dân miền Nam. Thói quen giữ vàng hình thành lâu đời và trở nên phổ biến khi đồng nội tệ không ổn định, lạm phát cao. Nay để người dân từ bỏ thói quen đó không dễ và cần sử dụng các biện pháp kinh tế để giải quyết", ông Bảng đề xuất.

Theo ông Bảng, nếu cấm kinh doanh vàng miếng, người dân sẽ chuyển sang mua dưới dạng nhẫn, vòng, kiềng hay các sản phẩm mỹ nghệ bằng vàng như con vật, tượng. Điều này thực tế không làm giảm lượng vàng nguyên liệu để chế tác, ngược lại càng gây khó khăn cho công tác quản lý, tốn kém chi phí cho xã hội, thiệt thòi cho người dân khi chất lượng sản phẩm rất khó kiểm soát.

"Nếu không cho người dân được mua vàng miếng thì kỳ vọng họ bán cho Ngân hàng Nhà nước sẽ không cao. Hơn nữa, nếu xử lý chính sách không đồng bộ, đây có thể là nguyên nhân gia tăng áp lực lạm phát", ông Bảng nói thêm.

Theo ông, trên thế giới hiện không có nước nào cấm giao dịch vàng miếng. Ngay như Trung Quốc trước đây quản lý rất chặt, giờ cũng khuyến khích dân tích trữ bằng cách tăng cường bán vàng miếng cho dân.

Trước đó, ông Phí Đăng Minh, nguyên vụ phó Vụ Quản lý Ngoại hối (Ngân hàng Nhà nước) cũng bày tỏ quan ngại khi Ngân hàng Nhà nước đứng ra tích trữ vàng thay dân. Hiện lượng vàng trong dân vào khoảng 500 tấn, tương đương 20 tỷ USD. Để mua hết số vàng này, Ngân hàng Nhà nước sẽ phải cần một lượng vốn lớn mà nếu phát hành tiền sẽ gây lạm phát.

"Nên tổ chức lại mạng lưới kinh doanh vàng miếng với những điều kiện chặt chẽ hơn. Đồng thời, nên có cơ chế hợp lý để các ngân hàng và doanh nghiệp thu hút lượng vàng trong dân, tạo thành nguồn vốn phục vụ phát triển kinh tế. Về lâu dài, khi đồng tiền Việt Nam ổn định, cùng với các chính sách hợp lý, chắc chắn hoạt động kinh doanh vàng miếng sẽ bị thu hẹp", ông Bảng nói.

Cafeland.vn - Theo VnExpress
  • Facebook
  • Chia sẻ
  •   Lưu tin
  •   Báo cáo

    Báo cáo vi phạm
     
 
Mọi ý kiến đóng góp cũng như thắc mắc liên quan đến thị trường bất động sản xin gửi về địa chỉ email: [email protected]; Đường dây nóng: 0942.825.711.
Tags: cafeland