Dự thảo Luật Cư trú (sửa đổi) quy định, người có chỗ ở hợp pháp do thuê, mượn, đảm bảo tối thiểu 8m2 sàn mỗi người mới được đăng ký thường trú.

Tại hội nghị đại biểu Quốc hội hoạt động chuyên trách chiều 4/9, Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật của Quốc hội Hoàng Thanh Tùng cho hay, mức diện tích tối thiểu nêu trên là chỉ tiêu cần hoàn thành trong năm 2020, được nêu trong "Chiến lược phát triển nhà ở quốc gia đến năm 2020 và tầm nhìn đến năm 2030"

Theo ông Tùng, thực hiện quy định của Luật Cư trú hiện hành, đa số các thành phố đã có quy định riêng về diện tích chỗ ở bình quân để đăng ký thường trú đối với trường hợp thuê, mượn, ở nhờ tối thiểu là 15 m2 mỗi người trở lên. Như vậy, nếu quy định diện tích tối thiểu được đăng ký thường trú là 8m2 sàn mỗi người như dự thảo Luật Cư trú (sửa đổi) thì vẫn thấp hơn mức hiện nay, không gây trở ngại gì cho các thành phố.

Chủ nhiệm Uỷ ban Pháp luật Hoàng Thanh Tùng. Ảnh: Trung tâm báo chí Quốc hội

Chủ nhiệm Uỷ ban Pháp luật cho biết, qua khảo sát thực tế, Thường vụ Quốc hội nhận thấy, không chỉ ở các quận trung tâm đô thị lớn mà nhiều nơi khác đang đối mặt với áp lực gia tăng dân số cơ học rất lớn. Số người đăng ký tạm trú tăng nhanh, thậm chí nhiều hơn số người đăng ký thường trú, tập trung ở nhóm có chỗ ở hợp pháp là nhà do thuê, mượn, ở nhờ.

Như tại quận Thanh Xuân (Hà Nội), số người đăng ký tạm trú năm 2020 tăng 140% so với năm 2014. Tại huyện Bình Chánh (TP HCM) năm 2020 số người đăng ký thường trú chỉ chiếm 39% tổng số dân trên địa bàn huyện.

Do đó, quy định diện tích nhà ở tối thiểu đối với người đăng ký thường trú tại chỗ ở hợp pháp do thuê, mượn, ở nhờ nhằm bảo đảm điều kiện sống cần thiết cho người dân, phù hợp với yêu cầu và tình hình thực tiễn của từng địa phương, giảm áp lực cho các chính sách an sinh xã hội trên địa bàn.

Đồng ý với đề xuất trên, song đại biểu Trần Văn Lâm cho rằng không nên giao cho HĐND tỉnh quy định diện tích tối thiểu của địa phương. "Nếu HĐND tỉnh quy định mức tối thiểu lớn hơn 8m2 sàn mỗi người sẽ dẫn đến tình trạng đạt tiêu chuẩn quốc gia, nhưng không đạt tiêu chuẩn địa phương; địa phương giới hạn quyền tự do cư trú của cư dân đã quy định trong luật", ông Lâm nói. Vì vậy, ông đề nghị luật quy định thống nhất diện tích tối thiểu trên toàn quốc.

Đại biểu Phạm Văn Hòa cho rằng, không nên quy định cứng điều kiện diện tích nhà ở đạt tối thiểu 8m2 sàn mỗi người, vì trong tương lai, điều kiện nhà ở sẽ khác. "Dự luật nên giao cho Chính phủ quy định điều kiện này", đại biểu Hòa nói.

Thứ trưởng Công an Nguyễn Duy Ngọc cho hay, Bộ Công an thống nhất với chỉnh lý nói trên của Thường vụ Quốc hội cho dự án luật Cư trú (sửa đổi). Theo ông Ngọc, quy định diện tích nhà ở tối thiểu 8m2 sàn mỗi người nhằm bảo đảm điều kiện sống cho người dân và phù hợp với điều kiện của đa số tỉnh, thành.

Dự án Luật Cư trú (sửa đổi) được Quốc hội cho ý kiến lần đầu tại kỳ họp thứ 9, dự kiến thông qua tại kỳ họp 10 cuối năm 2020.

  • Các trường hợp đất nhỏ hơn diện tích tối thiểu vẫn được cấp sổ đỏ

    Các trường hợp đất nhỏ hơn diện tích tối thiểu vẫn được cấp sổ đỏ

    CafeLand - Thời gian qua, nhiều bạn đọc thắc mắc tại sao có nhiều căn nhà tại Bình Chánh, Hóc Môn, Củ Chi, Nhà Bè, Cần Giờ có diện tích chỉ 20 m2, 30 m2 vẫn được cấp sổ đỏ; trong khi Ủy ban nhân dân TP. Hồ Chí Minh quy định diện tích tối thiểu để tách thửa đất ở là 80 m2 (trường hợp thị trấn là 50 m2) đối với các huyện nêu trên. Vậy diện tích tối thiểu bao nhiêu mét vuông thì được cấp sổ đỏ ?

Hoàng Thùy (VnExpress)
  • Facebook
  • Chia sẻ
  •   Lưu tin
  •   Báo cáo

    Báo cáo vi phạm
     
 
Mọi ý kiến đóng góp cũng như thắc mắc liên quan đến thị trường bất động sản xin gửi về địa chỉ email: [email protected]; Đường dây nóng: 0942.825.711.