Như vậy, trong bối cảnh khó khăn chung của nền kinh tế thế giới thì kết quả đăng ký vốn đầu tư trực tiếp của nước ngoài năm 2010 như đã nêu là con số đáng khích lệ, chứng tỏ môi trường đầu tư vào lĩnh vực bất động sản tại Việt Nam vẫn có sự hấp dẫn và thu hút sự quan tâm đối với các nhà đầu tư nước ngoài.
Tuy nhiên, theo nhận định của Thứ trưởng Bộ Xây dựng Nguyễn Trần Nam, một số dự án FDI có vốn đăng ký lớn nhưng chậm triển khai hoặc không triển khai buộc các địa phương đã đình chỉ giấy phép đầu tư song không có chế tài xử lý. Thực trạng này đã gây ảnh hưởng tới môi trường đầu tư cũng như tại khu vực dự kiến phát triển dự án.
Bên cạnh đó, việc huy động vốn của các nhà đầu tư nước ngoài cũng được áp dụng như với các doanh nghiệp trong nước như pháp luật hiện hành quy định là chưa phù hợp, dẫn đến các nhà đầu tư nước ngoài không mang đủ số vốn đã đăng ký vào đầu tư mà phần vốn này thực chất được huy động từ khách hàng và đối tác trong nước.
Do vậy, trong góp ý dự thảo Chỉ thị thúc đẩy thực hiện Nghị quyết 13 của Chính phủ về định hướng, giải pháp thu hút và quản lý vốn đầu tư nước ngoài trong thời gian tới, đối với lĩnh vực bất động sản, Bộ Xây dựng đề nghị đưa nội dung: kiểm tra tình hình hoạt động của các dự án kinh doanh bất động sản có vốn đầu tư nước ngoài và đề xuất các biện pháp xử lý đối với các dự án chậm triển khai.
Đây là việc làm cần thiết nhằm sàng lọc chủ đầu tư các dự án FDI không có đủ năng lực và tài chính ra khỏi cuộc chơi, từ đó phát huy hiệu quả của chính sách thu hút đầu tư nước ngoài, đem lại lợi ích cho quốc gia.