Sau chặng đường tái cơ cấu hệ thống các tổ chức tín dụng (TCTD) giai đoạn 2011-2015, diện mạo ngành ngân hàng (NH) đã có một số thay đổi theo chiều hướng đáp ứng phần nào yêu cầu của cơ chế thị trường và hội nhập quốc tế. Tuy vậy, để cả hệ thống phát triển mạnh mẽ theo hướng bền vững, công cuộc tái cơ cấu hệ thống các TCTD giai đoạn 2016-2020 cần có những bước đột phá.
Khách hàng giao dịch tại Ngân hàng Xây dựng.
Sau chặng đường tái cơ cấu hệ thống các tổ chức tín dụng (TCTD) giai đoạn 2011-2015, diện mạo ngành ngân hàng (NH) đã có một số thay đổi theo chiều hướng đáp ứng phần nào yêu cầu của cơ chế thị trường và hội nhập quốc tế.
Tuy vậy, để cả hệ thống phát triển mạnh mẽ theo hướng bền vững, công cuộc tái cơ cấu hệ thống các TCTD giai đoạn 2016-2020 cần có những bước đột phá.
Tiếp tục "tinh gọn" hệ thống
Sau cuộc "đại phẫu" tái cơ cấu, số lượng các ngân hàng thương mại (NHTM) đến nay đã giảm từ 42 NH (năm 2011) xuống còn 34 NH. Tính cả hệ thống các TCTD, cả nước hiện có 34 NHTM, năm NH liên doanh và chín NH 100% vốn nước ngoài. Việc sắp xếp lại hệ thống, kiểm soát và từng bước xử lý các TCTD yếu kém chính là mục tiêu quan trọng mà Đề án cơ cấu lại hệ thống các TCTD giai đoạn 2011 - 2015 đã đạt được.
Tiến trình xử lý nợ xấu (XLNX), lành mạnh hóa bảng cân đối tài sản của các TCTD cũng đạt được kết quả tích cực. Tính đến cuối năm 2015, hệ thống các TCTD nói chung đạt tỷ lệ an toàn vốn 13% (mức tối thiểu theo quy định là 9%) và đáp ứng đầy đủ các tỷ lệ về khả năng chi trả và tỷ lệ nguồn vốn ngắn hạn cho vay trung, dài hạn theo quy định của pháp luật.
Lãi suất cho vay trung bình giảm từ 17,9%/năm trong năm 2011 xuống còn 9,08% năm 2015, tăng trưởng tín dụng dần được cải thiện... Bên cạnh đó, lãi suất cho vay mặc dù vẫn ở mức cao so với lạm phát và mức lãi suất của nhóm nước ASEAN-4 nhưng đã có xu hướng giảm rõ rệt trong thời gian từ năm 2012 đến nay.
Tuy nhiên, trong quá trình triển khai tái cơ cấu hệ thống các TCTD, các chuyên gia tài chính - ngân hàng đều cho rằng, tuy những kết quả trong giai đoạn 2011-2015 tiếp tục là nền tảng và cũng là tiền đề để ngành ngân hàng triển khai tiếp trong giai đoạn tiếp theo nhưng quan trọng hơn nữa là số lượng các TCTD sau giai đoạn tái cơ cấu tiếp theo sẽ như thế nào. Sự "gượng dậy" của ba NH 0 đồng (NH Xây dựng - VNCB, NH Đại Dương - OceanBank và NH Dầu khí Toàn cầu - GP.Bank) đến đâu, những tồn tại đã được giải quyết ra sao? Hay như NH TMCP Đông Á (DongA Bank) sau khi bị đưa vào diện kiểm soát đặc biệt đã được cơ cấu lại như thế nào?...
Đây dường như vẫn là những câu hỏi khó trả lời đối với cơ quan quản lý. Nhiều ý kiến cho rằng cần phải thu gọn, giảm số lượng NHTM xuống nữa để đầu tư nâng cao chất lượng dịch vụ. "Cần xây dựng một vài NH tầm cỡ khu vực để khẳng định vị thế và thương hiệu trong thời gian tới. Đồng thời, phải đẩy mạnh phát triển thị trường vốn để san sẻ trọng trách cung ứng vốn cho nền kinh tế của hệ thống NH" - TS Trần Du Lịch đề xuất.
Trọng tâm xử lý nợ xấu
Nội dung quan trọng tiếp theo trong tái cơ cấu hệ thống các TCTD chính là XLNX. Sau năm năm, con số nợ xấu đã giảm dần. Nhưng đằng sau kết quả này vẫn tiềm ẩn nhiều nguy cơ khiến nợ "xấu" có thể quay lại bất cứ lúc nào.
Theo nghiên cứu của giới chuyên gia, hai rào cản lớn nhất trong XLNX hiện nay là việc các TCTD không thể chủ động xử lý tài sản bảo đảm và Việt Nam chưa có thị trường mua bán nợ đúng nghĩa. Những đề xuất, kiến nghị nhằm gỡ bỏ các rào cản này đã được NHNN, các NHTM và chuyên gia kinh tế đưa ra từ nhiều năm nay nhưng kết quả vẫn chưa có nhiều chuyển biến, bởi đây là vấn đề liên quan tới nhiều bộ, ngành và các khuôn khổ pháp lý liên quan đến nhiều lĩnh vực (bất động sản, tài sản bảo đảm,...).
Đó cũng là lý do khi Phó Chủ tịch Ủy ban Giám sát tài chính quốc gia TS Trương Văn Phước cho rằng, tái cơ cấu hệ thống NH muốn thành công không chỉ mình NHNN làm được mà cần thiết phải có một Ủy ban chỉ đạo có thẩm quyền đưa ra quyết định về các chính sách và giải pháp để xử lý triệt để các vấn đề liên quan.
"Và chúng ta không thể XLNX bằng khẩu hiệu suông. Câu hỏi quan trọng nhất là tiền đâu? NH không thể hô biến nợ xấu, mà cần phải có nguồn lực. Nguồn lực này cơ bản là từ các TCTD, được kích hoạt bằng các nguồn lực bên ngoài chứ không phải cấp phát theo con đường ngân sách", ông Trương Văn Phước nhấn mạnh.
Trong khi đó, theo TS Huỳnh Thế Du, không thể mãi khoanh vùng nợ xấu lại một góc như trước, bởi làm thế nghĩa là không xử lý gì cả. Thắt chặt tín dụng để buộc các doanh nghiệp phải cơ cấu lại có lẽ là giải pháp trong lúc này. Các chuyên gia kinh tế cũng chỉ ra rằng, hiện nay, chi phí dự phòng và chi phí vốn cho khoản tiền "chết" ở nợ xấu đang là rào cản lớn khiến các NH khó giảm lãi suất cho vay.
Ngoài ra, nợ xấu phân bố không đồng đều, tập trung ở một số TCTD yếu kém, quy mô nhỏ, năng lực tài chính và quản trị điều hành hạn chế, là nguy cơ tiềm ẩn "châm ngòi" các cuộc đua lãi suất huy động, từ đó ảnh hưởng xấu đến lãi suất cho vay trên thị trường.
Bên cạnh những tâm điểm cần giải quyết như trên, những hạn chế chưa được khắc phục hoàn toàn của hệ thống các TCTD Việt Nam cũng được các chuyên gia kinh tế chỉ ra như: Vấn đề sở hữu chéo, đầu tư chéo trong hệ thống chưa được xử lý triệt để. Năng lực tài chính, khả năng sinh lời của hệ thống NH có phần giảm sút, ảnh hưởng đến chất lượng, hiệu quả tái cơ cấu. Việc áp dụng các chuẩn mực quốc tế trong quản trị, điều hành NHTM còn ở mức độ thấp, chứa đựng rủi ro khi nền kinh tế còn nhiều thách thức.
Với những điểm yếu được nhận diện như vậy, để tái cơ cấu hệ thống các TCTD đi vào chiều sâu, hiệu quả và chất lượng hơn, tiến trình tái cơ cấu giai đoạn tới cần các giải pháp trọng tâm như: Cần phân loại, phân nhóm các TCTD để từ có đó các giải pháp riêng biệt cho từng nhóm cụ thể. Tăng cường xử lý và kiểm soát tốt tình trạng sở hữu chéo và đầu tư chéo trong hệ thống các TCTD. Đẩy nhanh tiến trình áp dụng các chuẩn mực quốc tế đối với hệ thống các TCTD, trong đó có Basel 2 nhằm giúp các NH chủ động quản lý rủi ro tốt hơn, giảm mạnh rủi ro hệ thống. Tăng cường tính hiệu quả của thị trường tài chính, hướng tới xây dựng một thị trường tài chính phát triển lành mạnh, bền vững.
Chương trình tái cơ cấu NH trong giai đoạn mới cần phải dựa trên bốn trụ cột. Một là, tập trung XLNX, trong đó chú trọng việc các NHTM tự xử lý. Hai là, xử lý dứt điểm những NH mua 0 đồng.
Ba là, việc tái cơ cấu quản trị và quản lý rủi ro theo chuẩn mực quốc tế phải được tính toán cân nhắc, có lộ trình phù hợp với năng lực tài chính và năng lực quản lý của hệ thống NHTM Việt Nam hiện nay để hạn chế tạo thêm bất ổn cho hệ thống.
Bốn là, duy trì ổn định thanh khoản trên cơ sở thực hiện nghiêm các chỉ tiêu về an toàn thanh khoản trong cho vay trung, dài hạn, cho vay bất động sản, trạng thái ngoại hối. Đặc biệt, sự chưa đồng thuận trong việc tái cấu trúc hệ thống NH đang là một trở ngại lớn cho việc gỡ bỏ các rào cản và khung pháp lý để XLNX và phát triển thị trường mua bán nợ.
TS. Lê Xuân Nghĩa, Chuyên gia kinh tế
Hồng Anh (Nhân dân)
  • Facebook
  • Chia sẻ
  •   Lưu tin
  •   Báo cáo

    Báo cáo vi phạm
     
 
Mọi ý kiến đóng góp cũng như thắc mắc liên quan đến thị trường bất động sản xin gửi về địa chỉ email: [email protected]; Đường dây nóng: 0942.825.711.