Dự án Luật Cư trú (sửa đổi) đang nhận được sự quan tâm rất lớn của xã hội vì có những đổi mới mạnh mẽ, tạo điều kiện thuận lợi tối đa cho người dân về cư trú. Tuy nhiên, vẫn còn nhiều băn khoăn về thời hạn cụ thể cho việc xoá bỏ sổ hộ khẩu giấy và bỏ quy định các điều kiện khi đăng ký thường trú...

Dự án Luật Cư trú (sửa đổi) đang nhận được sự quan tâm rất lớn từ dư luận xã hội vì có những đổi mới mạnh mẽ, tạo điều kiện thuận lợi tối đa cho người dân về cư trú. Tuy nhiên, vẫn còn nhiều băn khoăn về thời hạn cụ thể cho việc xoá bỏ sổ hộ khẩu giấy và bỏ quy định các điều kiện khi đăng ký thường trú tại các tỉnh thành trực thuộc Trung ương sẽ được thực hiện như thế nào?

Phóng viên Kênh VOV Giao thông đã có cuộc phỏng vấn bà Nguyễn Thị Mai Phương - Ủy viên Thường trực Ủy ban Pháp luật của Quốc hội – là cơ quan nghiên cứu, tiếp thu ý kiến của các vị đại biểu Quốc hội để chỉnh lý, hoàn thiện dự thảo Luật.

Bỏ sổ hộ khẩu, quản lý cư trú bằng mã số định danh cá nhân

Phóng viên: Dự thảo Luật Cư trú (sửa đổi) sẽ xóa bổ hộ khẩu giấy, thay vào đó quản lý bằng số định danh cá nhân dân cư về cư trú, theo nhận định của Ủy ban Pháp luật của Quốc hội, việc này sẽ có những lợi ích nào cho người dân và tác động của nó đến đời sống như thế nào?

Bà Nguyễn Thị Mai Phương: Phương thức quản lý cư trú bằng số định danh cá nhân là một phương thức quản lý tiên tiến và hiện đại được nhiều quốc gia trên thế giới sử dụng. Phương thức này là một sự thay đổi mạnh mẽ và có tính chất đột phá trong quản lý dân cư cũng như quản lý cư trú.

Do vậy, nó có tác động tích cực đối với xã hội vì sẽ giúp nâng cao hiệu quả hoạt động của cơ quan Nhà nước; tăng cường tính công khai, minh bạch thông tin; giảm phiền hà và tiết kiệm chi phí cho người dân, đồng thời sẽ cung cấp dịch vụ công tốt hơn. Quản lý cư trú và quản lý dân cư thông qua mã số định danh cá nhân sẽ góp phần kết nối và chia sẻ thông tin về dân cư giữa các ngành, các lĩnh vực của đời sống xã hội, góp phần thúc đẩy kinh tế xã hội của đất nước.

Qua hình thức quản lý cư trú này thì chúng tôi cho rằng Nhà nước sẽ công khai và minh bạch các thủ tục hành chính trên cơ sở cập nhật các thông tin cá nhân và cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư, cơ sở dữ liệu về cư trú; qua đó sẽ tạo được chuyển biến căn bản trong việc giải quyết các thủ tục hành chính giữa Nhà nước và người dân.

Về quyền lợi đối với người dân thì chúng tôi cho rằng phương thức quản lý cư trú mới sẽ mang lại những lợi ích thiết thực cho người dân.

Thứ nhất, trong việc đơn giản hóa các thủ tục hành chính, giảm các giấy tờ công dân cũng như giảm các chi phí mà người dân hiện nay đang phải chi trả. Bởi vì như hiện nay chúng ta đều thấy khi người dân đi giao dịch, tùy từng trường hợp cụ thể phải mang rất nhiều loại giấy tờ như: chứng minh thư nhân dân hoặc thẻ căn cước công dân, sổ hộ khẩu, Giấy chứng nhận kết hôn,…

Khi các cơ sở dữ liệu quốc gia về cư trú cũng như là cơ sở dữ liệu về dân cư được hoàn thành và đi vào hoạt động thì người dân sẽ không cần phải mang các loại giấy tờ nêu trên; không phải công thực và chứng thực các loại giấy tờ này; mà chỉ cần có thẻ căn cước công dân hoặc cung cấp mã số định danh cá nhân cho cơ quan chức năng để thực hiện thủ tục hành chính.

Do đó, việc giao dịch giữa người dân và Nhà nước cũng sẽ được thực hiện một cách nhanh chóng, chính xác, hiệu quả và giảm chi phí.

Thứ hai, tôi cũng cho rằng việc sử dụng phương thức quản lý cư trú mới sẽ tránh việc lạm quyền của người chủ hộ gia đình, hạn chế việc chủ hộ cản trở các thành viên của hộ gia đình thực hiện tách hộ hoặc đăng ký thường trú và tạm trú mới.

Bà Nguyễn Thị Mai Phương - Ủy viên Thường trực Ủy ban Pháp luật của Quốc hội.

Đẩy nhanh tốc độ triển khai, áp dụng phương án quản lý cư trú mới

Phóng viên: Sau phiên họp 47 vừa qua của Quốc hội, Uỷ ban Thường vụ Quốc hội đã quyết tâm đạt được lộ trình sớm nhất (dự kiến ngày 1 – 7 – 2021) sẽ thực hiện quản lý cư trú theo phương thức mới. Vậy theo Uỷ ban Pháp luật để đạt được mục tiêu này, Chính phủ và Bộ Công an cần thực hiện những nội dung gì? Chính phủ và Quốc hội cần có phương án nào nếu thời điểm đó chưa đảm bảo mục tiêu để xoá bỏ hộ khẩu giấy?

Bà Nguyễn Thị Mai Phương: Chúng tôi cho rằng để phương thức quản lý cư trú mới có thể thực hiện được cần ít nhất hai điều kiện cơ bản sau.

Thứ nhất, phải hoàn thành việc xây dựng cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư và cơ sở dữ liệu về cư trú, cấp đầy đủ số định danh cá nhân cho mọi công dân.

Thứ hai, tất cả các cơ quan công an đều được trang bị đủ các máy móc, thiết bị hạ tầng mạng và có cán bộ, chiến sĩ đủ năng lực để thực hiện việc cập nhật, quản lý và xử lý thông tin về cư trú trên cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư và cơ sở dữ liệu về cư trú.

Vì vậy, để đảm bảo được thực hiện mục tiêu này, chúng tôi cho rằng Chính phủ và Bộ Công an còn rất nhiều việc phải làm. Thứ nhất, Chính phủ phải tập trung chỉ đạo bố trí đủ nguồn lực để tổ chức triển khai có hiệu quả, đúng tiến độ các công việc đề ra. Thứ hai, Chính phủ cũng như các bộ, ngành, địa phương cần phải tích cực khẩn trương hơn nữa, trong việc hoàn thành sớm các chỉ tiêu, nhiệm vụ về xây dựng Chính phủ điện tử có liên quan đến hạ tầng công nghệ kết nối, chia sẻ và khai thác giữa các cơ sở dữ liệu phục vụ người dân. Thứ ba, đối với các thủ tục hành chính cấp bộ cũng như ở các địa phương đang có yêu cầu xuất trình sổ hộ khẩu, sổ tạm trú thì cần phải khẩn trương rà soát các văn bản pháp luật mà mình ban hành, có nội dung quy định liên quan đến sổ hộ khẩu, sổ tạm trú hoặc có yêu cầu xuất trình các giấy tờ xác nhận về cư trú cần phải sửa đổi, bổ sung cho phù hợp với quy định của luật này và đảm bảo thực hiện thông suốt từ ngày 1 tháng 7 năm 2021.

Chúng tôi nhận thấy trong thời gian qua Chính phủ và Bộ Công an cũng như các cơ quan liên quan đã thể hiện quyết tâm rất cao, có nhiều những văn bản chỉ đạo và hành động quyết liệt để phấn đấu hoàn thành việc xây dựng cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư, cũng như là cơ sở về cư trú để có thể vận hành chính thức vào ngày 01/7/2021 như đã cam kết và báo cáo với Quốc hội cũng như Ủy ban thường vụ Quốc hội. Trường hợp phát sinh các vấn đề mới có thể dẫn đến việc không kịp hoàn thành vào thời gian trên, chúng tôi đã đề nghị Chính phủ cần sớm có phương án điều chỉnh thời điểm có hiệu lực thi hành của Luật cho phù hợp, trước ngày Quốc hội thông qua dự án luật này.

Như vậy, nếu từ nay cho đến khi luật được Quốc hội thông qua mà không có đề xuất mới, thì thời điểm có hiệu lực thi hành của luật sẽ ngày 1 tháng 7 năm 2021. Ngay từ khi có hiệu lực, các cơ quan công an và người dân sẽ thực hiện việc đăng ký và quản lý cư trú trên cơ sở dữ liệu điện tử thông qua số định danh cá nhân mà không thực hiện việc cấp đổi, sửa chữa thông tin trên sổ hộ khẩu, sổ tạm trú như hiện nay nữa.

Tuy nhiên, thực tế hiện nay thì thông tin về cư trú của công dân đang được yêu cầu và sử dụng trong rất nhiều các thủ tục hành chính; trong việc sử dụng các dịch vụ công do các cơ quan khác nhau thực hiện và thậm chí trong nhiều giao dịch dân sự khác giữa người dân với nhau. Ví dụ như là việc đăng ký nhập học đối với học sinh phổ thông, việc khám, chữa bệnh ban đầu theo bảo hiểm y tế, việc đăng ký để sử dụng các dịch vụ điện nước viễn thông…, chúng ta đều phải yêu cầu sổ hộ khẩu.

Đồng thời số lượng các văn bản quy phạm pháp luật do Chính phủ, các Bộ, ngành, địa phương ban hành liên quan đến việc sử dụng hộ khẩu hay giấy tờ chứng minh cư trú cũng còn tương đối lớn, khó có thể kịp sửa đổi, bổ sung thay thế hoặc bãi bỏ ngay trong thời điểm từ nay đến Luật Cư trú có hiệu lực thi hành.

Do vậy, đến lúc luật có hiệu lực, đối với những cơ quan và tổ chức đã kết nối liên thông được cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư và cơ sở dữ liệu về cư trú, thì khi người dân tiến hành các thủ tục hành chính có liên quan đến thông tin về cư trú chỉ cần cung cấp số định danh cá nhân là có thể xác định được nơi cư trú đã đăng ký trên hệ thống điện tử.

Tuy nhiên tại các cơ quan và tổ chức mà chưa kết nối được thì người dân bắt buộc phải có giấy tờ để chứng minh được nơi cư trú của mình. Để xử lý vấn đề này thì trong luật cũng đã đưa ra quy định là người dân có quyền yêu cầu các cơ quan cư trú (tức là cơ quan công an xã) cấp giấy tờ xác nhận về cư trú.

Việc chúng tôi lo ngại là nếu quy định ngay trong Luật là sổ hộ khẩu, sổ tạm trú sẽ hết giá trị khi luật có hiệu lực, trong khi nhiều cơ quan nhà nước (ngoài hệ thống cơ quan công an) ở cả trung ương và địa phương chưa kịp kết nối liên thông ngay về cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư, mà dự kiến đến tháng 4/2021 mới bắt đầu vận hành thử như báo cáo của Bộ Công an thì khi thực hiện các thủ tục giao dịch cần cung cấp thông tin về cư trú, người dân sẽ buộc phải đến cơ quan công an để cấp giấy xác nhận cư trú. Mà tại thời điểm tháng 7 hằng năm là thời gian các cấp phổ thông tuyển sinh tiếp nhận học sinh mới.

Do đó sẽ có rất nhiều phụ huynh cần phải có giấy xác nhận về cư trú để làm hồ sơ nhập học theo tuyến cho con em mình. Xử lý không tốt các vấn đề này, chúng tôi cho rằng có thể tạo ra sự quá tải cho hệ thống, gây áp lực lớn cho các cơ quan công an khi phải tiếp nhận và xử lý cùng một lúc quá nhiều yêu cầu các giấy xác nhận về cư trú.

Việc này cũng có thể gây ra những bức xúc cho người dân và xã hội và ảnh hưởng không tốt đến việc triển khai thi hành luật. Đấy chưa kể những hậu quả khác mà chúng ta chưa lường hết được.

Do đó, trong dự thảo luật chúng tôi cũng đề nghị một phương án cho tiếp tục sử dụng hộ khẩu, sổ tạm trú để được đã được cấp để chứng minh thông tin về cư Trú Thay Thế Cho Giấy Tờ Xác Nhận Cư Trú theo quy định của Luật khi thực hiện các thủ tục cho đến hết ngày 31 tháng 12 năm 2022, tức là 1 năm rưỡi so với ngày luật có hiệu lực.

Trong trường hợp này thì sổ hộ khẩu và tạm trú sẽ không được coi là công cụ quản lý cư trú như hiện nay mà chỉ đơn thuần là giấy tờ xác nhận nơi cư trú của công dân. Đây là phương án dự phòng để đảm bảo tính khả thi của Luật, tránh Luật phải điều chỉnh và sửa đổi ngay khi có hiệu lực thi hành. Còn trong trường hợp phương thức quản lý cư trú mới có thể vận hành thông suốt trong cả nước thì điều này sẽ không cần phải thực hiện. Do vậy cũng không ảnh hưởng gì đến hiệu lực của luật.

Tuy nhiên, nội dung này vẫn còn các ý kiến khác nhau cho nên dự thảo Luật sẽ tiếp tục được thảo luận và lấy ý kiến của các đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh và thành phố.

Ảnh minh họa: PLO

Bỏ quy định điều kiện riêng về đăng ký thường trú: Có làm gia tăng áp lực dân số?

Phóng viên: Một trong những vấn đề khác mà dư luận quan tâm, đó là dự thảo Luật Cư trú (sửa đổi) lần này đã bỏ quy định các điều kiện khi đăng ký thường trú tại các tỉnh thành trực thuộc trung ương nhằm đảm bảo quyền tự do cư trú của công dân. Tuy nhiên trước áp lực dân số quá lớn, điều kiện cơ sở hạ tầng còn hạn chế như ở Hà Nội, TP Hồ Chí Minh, liệu việc này có làm gia tăng áp lực dân số cho những TP này hay không? Ủy ban Pháp luật có nhận định như thế nào?

Bà Nguyễn Thị Mai Phương: Luật Cư trú hiện hành đang quy định các điều kiện riêng việc đăng ký thường trú và các thành phố trực thuộc Trung ương, gồm: điều kiện thứ nhất là đã có khoảng thời gian tạm trú nhất định; thứ hai là phải bảo đảm diện tích bình quân theo quy định của Hội đồng nhân dân thành phố đối với trường hợp nơi đăng ký cư trú là chỗ hợp pháp do thuê, mượn và ở nhờ.

Quy định này nhằm mục đích hạn chế việc di dân tự phát từ nông thôn đến các thành phố lớn, tránh tập trung dân cư quá đông tại các đô thị nhằm giảm áp lực trong hệ thống cơ sở hạ tầng và việc thực hiện chính sách an sinh xã hội tại các đô thị này. Chúng tôi cũng nhận thức được rằng việc bỏ điều kiện về thời gian tạm trú sẽ là một vấn đề và có tác động ảnh hưởng lớn đến đời sống kinh tế xã hội chính trị, an ninh của các đô thị lớn, đặc biệt là của Thủ đô Hà Nội và thành phố Hồ Chí Minh.

Vì vậy, Ủy ban Pháp luật cũng đã chủ trì phối hợp làm việc với cơ quan chủ trì soạn thảo và các cơ quan hữu quan để tổng hợp và nghiên cứu ý kiến của các vị đại biểu Quốc hội một cách thận trọng; đã tiến hành làm việc và khảo sát thực tế tại một số địa phương, trong đó có thủ đô Hà Nội và thành phố Hồ Chí Minh.

Chúng tôi đã tổ chức các hội thảo để lấy ý kiến của các đoàn đại biểu Quốc hội, các cơ quan, tổ chức có liên quan để có thêm thông tin và thực tiễn phục vụ công tác giải trình tiếp thu, hoàn thiện nội dung này trong dự thảo luật. Qua đó chúng tôi nhận thấy rằng quy định hiện hành về điều kiện riêng để được đăng ký thường trú vào các thành phố trực thuộc Trung ương, thực chất chỉ giảm được số lượng người đăng ký thường trú chứ không giảm được tình hình người dân nhập cư vào các đô thị lớn.

Qua đó chúng tôi nhận định rằng, việc nới lỏng các điều kiện về đăng ký thường trú tại các thành phố trực thuộc Trung ương so với Luật Cư trú hiện hành, trước mắt chỉ có thể dẫn đến hệ quả là số người đăng ký thường trú tại các khu vực nội đô của các thành phố sẽ tăng lên nhiều so với giai đoạn trước. Nhưng phần lớn số tăng thêm này là những người đã đăng ký tạm trú, hoặc chưa đăng ký nhưng thực tế đã cư trú tại nội đô chuyển sang đăng ký thường trú.

Tuy nhiên, về lâu dài thì số dân tăng cơ học hằng năm tại các thành phố trực thuộc Trung ương nhiều hay ít, chúng tôi cho rằng chủ yếu vẫn phụ thuộc vào các yếu tố như: cơ hội việc làm, thu nhập; điều kiện sống, học tập và làm việc tại các đô thị này.

Do vậy, việc cư dân dịch chuyển đến những nơi có thể đáp ứng tốt hơn nhu cầu cuộc sống của mình là điều dễ hiểu và tất yếu, phù hợp với quyền tự do cư trú của người dân đã được hiến định tại Hiến pháp.

Phóng viên: Để giải quyết vấn đề đặt ra đối với các đô thị lớn, nhất là Thủ đô Hà Nội và Thành phố Hồ Chí Minh như áp lực cho hệ thống cơ sở hạ tầng và thực hiện chính sách an sinh xã hội tại các đô thị này, theo Ủy ban Pháp Luật cần phải có những giải pháp nào để hạn chế những vấn đề đó?

Bà Nguyễn Thị Mai Phương: Chúng tôi cho rằng để giải quyết vấn đề tăng áp lực cho hệ thống cơ sở hạ tầng và thực hiện chính sách an sinh xã hội tại các đô thị lớn, nhất là Thủ đô Hà Nội và thành phố Hồ Chí Minh thì cần kết hợp đồng bộ nhiều giải pháp.

Trong đó nên tập trung vào các giải pháp có tính chất tổng thể về quy hoạch về chính sách phát triển kinh tế xã hội, phát triển vùng, phát triển đô thị vệ tinh; bảo đảm cân đối phân bổ nguồn lực và thực hiện nghiêm di dời các nhà máy, trường đại học, bệnh viện ra ngoại thành hoặc không xây dựng quá nhiều các khu chung cư tập trung cao tầng tại các khu vực nội thành.

Những biện pháp này nếu được thực hiện nghiêm thì chúng tôi cho rằng sẽ hiệu quả hơn là việc sử dụng các biện pháp hành chính, mệnh lệnh, có tính chất phân biệt đối xử giữa các vùng miền, nông thôn đô thị trong việc thực hiện quyền cư trú của công dân.

PV: Xin trân trọng cảm ơn bà!

Thùy Linh (VOV Giao Thông)
  • Facebook
  • Chia sẻ
  •   Lưu tin
  •   Báo cáo

    Báo cáo vi phạm
     
 
Mọi ý kiến đóng góp cũng như thắc mắc liên quan đến thị trường bất động sản xin gửi về địa chỉ email: [email protected]; Đường dây nóng: 0942.825.711.